Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

ASEAN thiếu một định chế chung để có tiếng nói trường quốc tế

Đăng ngày:

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 năm 2019, quy tụ 10 nước thành viên Đông Nam Á vừa kết thúc tại Bangkok mà Thái Lan là nước chủ tịch luân phiên. Sự kiện cho thấy vùng Đông Nam Á vẫn luôn là một khu vực kinh tế năng động và hấp dẫn nhất.

Một phiên họp toàn thể các lãnh đạo ASEAN tại Thượng Đỉnh Bangkok (Thái Lan) ngày 02/11/2019.
Một phiên họp toàn thể các lãnh đạo ASEAN tại Thượng Đỉnh Bangkok (Thái Lan) ngày 02/11/2019. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Nhưng cùng lúc, Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nhiều thách thức : mối họa khủng bố, hồ sơ Rohingya, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là các tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với một số nước thành viên như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đang gây chia rẽ trong nội bộ khối Asean.

ASEAN năm xưa và cuộc chiến ý thức hệ

Người ta tự hỏi : Tương lai nào cho vùng Đông Nam Á ? Một câu hỏi đã từng được sử gia Hugues Tertrais, giáo sư trường đại học Paris 1 – Panthéon Sorbonne, chuyên gia về Lịch sử châu Á đương đại và về Quan hệ Quốc tế, đặt ra cách nay 40 năm (Le Monde Diplomatique số ra tháng 8/1979). Trên đài RFI Tiếng Việt, ông nhắc lại chuyện xưa và nhận định :

Hugues Tertrais: « Quả thật, tôi nghĩ là Đông Nam Á đã thoát hiểm. Bởi vì, vào năm 1979, diện mạo của vùng Đông Nam Á không giống như bây giờ. Dân số ít hơn, nằm trong khoảng từ 344 – 345 triệu người, còn bây giờ là 650 triệu, có thể nói là gần như tăng gấp đôi. Đây thật sự là một khác biệt quan trọng.

Hơn nữa, chiến tranh Việt Nam cũng vừa mới kết thúc, rồi chuyện Việt Nam đưa quân sang Cam Bốt. Nước Việt Nam mới khi đó vẫn còn sôi sục, bởi vì dư âm sự kiện 1975 vẫn còn đó.

Có thể nói là tình hình ASEAN khi đó khác rất nhiều. Khối ASEAN đã tồn tại, nhưng rất nhỏ bé, chỉ có 5 nước và cũng là 5 thành viên sáng lập khối này vào năm 1967. Do vậy tình hình lúc đó khác hẳn hiện nay. Khi nói đến những rối ren hiện nay, tôi cho rằng trong quá khứ ASEAN cũng đã trải qua nhiều lần như vậy rồi. »

Năm 1979, vấn đề lớn nhất chính là Cam Bốt. Sau năm 1975, mối quan hệ giữa Cam Bốt và Việt Nam xấu đi. Chiến tranh nổ ra. Rồi Việt Nam tiến hành lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Cuộc khủng hoảng năm 1979 này đã khiến cho toàn vùng Đông Nam Á bị chia rẽ mạnh mẽ.

Hugues Tertrais: « Một mặt, thế giới đang trong cuộc chiến tranh lạnh. Đây là một sự ràng buộc quốc tế rất nặng nề làm cho vùng Đông Nam Á cũng như là phần còn lại của châu Á rơi vào tình trạng bị phân hóa thành hai phe. Kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, châu Á đã bị chia rẽ sâu sắc. Dù không có bức màn sắt như tại châu Âu và từ này không được nói đến, tình hình ở châu Á trở nên gần giống như vậy.

Sự chia rẽ sâu sắc này có từ đầu những năm 1950, đã phân chia toàn châu Á thành hai phe: một bên là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và nhiều nước khác, chủ yếu trên lục địa, ủng hộ cộng sản. Bên kia là những quốc gia hải đảo như Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, vốn thân Mỹ.

Sự phân chia này và những gì xảy ra vào những năm 1979 vì nhiều lý do khác nhau, đều có liên quan đến tình hình trong khu vực đến nỗi vùng Đông Nam Á tự chia rẽ một cách triệt để trên toàn khu vực, giữa một bên là những nước mà người ta gọi là Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cam Bốt) và bên kia là ASEAN, vốn ủng hộ Thái Lan, quốc gia đã có một dự án khác mà sự tồn tại của dự án này trên bàn cờ địa chính trị dường như là để kềm hãm không để cho chiến tranh Đông Dương mở rộng ra và sau đó là không để cho các chế độ cộng sản lan tỏa. »

Theo nhà sử học, sự chia rẽ này không chỉ đơn giản là một cuộc chiến ý thức hệ.

Hugues Tertrais: « Hoàn toàn đúng vậy, nhưng có một chút khác biệt đáng chú ý. Ngay từ đầu chiến tranh Việt Nam, chủ thuyết quan trọng trong suy tính của các chiến lược gia chính là học thuyết ʺdominoʺ, tức là khi một nước rơi vào chủ nghĩa cộng sản, các nước khác cũng sẽ ngả theo hướng đó, theo phản ứng dây chuyền.

Năm 1975 đặt dấu chấm hết cho học thuyết này bởi vì Cam Bốt là quốc gia đầu tiên ʺtrở súngʺ chống Việt Nam, đi ngược với những gì người ta hình dung. Đây là một tình huống mới và kết quả là khu vực này bị chia rẽ sâu sắc với việc nhiều nước chống lại phe cộng sản nói chung, mà cũng có thể là chống Việt Nam.

Đây là vấn đề ý thức hệ nhưng không chỉ là cuộc chiến về ý thức hệ. Đó còn là một mong muốn quyết chặn đứng, ngăn cản đà bành trướng của chủ nghĩa cộng sản xuống các nước phía nam ».

Quan hệ ASEAN – Trung Quốc : Thế lưỡng nan

Đây cũng là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa Asean với thế giới bên ngoài, nhất là với Trung Quốc. Từ 40 năm qua, ASEAN vẫn khó khăn trong việc tìm được một tiếng nói chung đối phó với Bắc Kinh trên mọi phương diện.

Hugues Tertrais: « Đúng là lúc ban đầu ASEAN được tổ chức để chống lại Trung Quốc tuy không nói ra. Bởi vì theo quan điểm của phương Tây, đằng sau cuộc cách mạng Việt Nam là Trung Quốc. Do vậy, khi họ nói là phải chận đứng, ngăn chận tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, người ta nghĩ ngay đó là Bắc Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng rồi Trung Quốc rất khôn khéo, nhất là trong những năm 1970, xích lại gần các nước trong khối ASEAN và đặc biệt là để chống Việt Nam ; đó là chính sách của Đặng Tiểu Bình. Quả thật, người ta có thể nghĩ rằng các nước ASEAN bình thường ra sẽ hợp nhất với nhau để chống Trung Quốc, chẳng hạn trong vấn đề Biển Đông.

Nhưng rủi thay, những nước này buộc phải chấp nhận thực tế địa chính trị, tức là chấp nhận vị trí địa lý của mình. Đôi khi người ta nói là tất cả các nước đều có chiến lược thích ứng với vị trí địa lý của mình và trong khu vực Đông Nam Á này, khi nói đến chính trị và địa lý thì phải nói đến sức nặng của Trung Quốc.

Đây là một quốc gia to lớn nếu so với các nước Đông Nam Á và do vậy, cho dù Việt Nam có cầm vũ khí chống Trung Quốc, thì cũng khó có thể hình dung là những nước này chiến đấu chống lại Trung Quốc. »

Phải chăng ASEAN sợ Trung Quốc nhưng cũng cần đến nước này ? Về câu hỏi này, sử gia người Pháp khẳng định không chút ngần ngại :

Hugues Tertrais: « Đúng vậy, các nước ASEAN vừa sợ vừa cần đến Trung Quốc. Bởi vì đây là một nước rất lớn, có rất nhiều mạng lưới gây ảnh hưởng, rất nhiều mạng lưới cung ứng vốn và có một sức mạnh quân sự mà người ta không thể nào đánh bật được. Vì vậy, tư duy thực tế buộc các nước chấp nhận và ʺsống cùngʺ với thực trạng này

Tương lai nào cho Đông Nam Á ?

Nhắc lại câu hỏi năm xưa « Tương lai nào cho Đông Nam Á ? », chuyên gia về châu Á cho rằng câu hỏi này giờ vẫn mang tính thời sự và có thể là cho 40 năm sau đó nữa do những khiếm khuyết của khối.

Hugues Tertrais: « Thật khó mà mường tượng ra một tương lai. Nhưng quả thật tôi tin rằng ở mỗi giai đoạn, mỗi năm, các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn dù là vẫn còn nhiều cách biệt giữa họ với nhau: Có một nhóm nước nòng cốt, khá giầu và phần còn lại là các nước khác thì kém hơn.

Tôi nghĩ là mỗi năm ASEAN đều tạo ra thêm các yếu tố cho phép xích lại gần nhau hơn nữa. Năm tới, Việt Nam sẽ làm chủ tịch luân phiên ASEAN trong vòng một năm, còn Liên Hiệp Châu Âu thì theo quy chế chủ tịch luân phiên sáu tháng. Năm tới tại Hà Nội, sẽ có một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của tất cả các nước ASEAN.

Đến dự thượng đỉnh lần thứ 35 tại Bangkok, thủ tướng Việt Nam đã thông báo chủ đề cho năm tới là ʺGắn kết và Chủ động thích ứngʺ, thật ra khẩu hiệu này chẳng nói lên điều gì lớn lao cả. Tuy vậy, khi nói đến sự gắn kết, ai cũng biết rõ là các nước Đông Nam Á và Việt Nam đã cố gắng làm nhiều việc để các bên ngày càng xích lại gần nhau hơn. Còn ʺChủ động thích ứngʺ chủ yếu tập trung vào những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, văn hóa… đó là những gì đang làm thay đổi mọi thứ.

Tăng cường ʺGắn kết và Chủ động thích ứngʺ đó là một khẩu hiệu mà thủ tướng Việt Nam đề nghị : ʺĐây, chúng ta sẽ cùng nhau hành động theo hướng nàyʺ. Tôi nghĩ là ASEAN sẽ tiến triển theo kiểu như vậy, mỗi bước đi có mục tiêu, vừa mang tính biểu tượng vừa có tính thực tế. Tuy nhiên, người ta không thấy ASEAN phát triển thành một định chế chung cho phép khối này tồn tại trên bình diện quốc tế ».

Cuối cùng, giáo sư sử học, và cũng là tác giả « Tập bản đồ Đông Nam Á »*, cho rằng, trong dài hạn và vì lợi ích của nhóm, ASEAN nên hình thành những định chế chung để có được một tiếng nói có trọng lượng hơn trên trường quốc tế.

Hugues Tertrais: « Các nước gắn bó với nhau thông qua các yếu tố lịch sử và địa lý… người ta có thể nêu ra nhiều yếu tố, và điều này cho phép các nước có một tầm nhìn tổng quát, đổi mới và hiện đại về khu vực này. Tôi nhắc lại tổng dân số của các nước ASEAN là 650 triệu người. Và quả thực đây là một yếu tố quan trọng. Nhìn theo hướng này, ASEAN là một khối quan trọng.

Thoạt nhìn, thì các thành viên rất đồng thuận với nhau. Thế nhưng, ASEAN lại không có một quyền lực chính trị thực sự. Khối này không có một « thủ lĩnh », không có một chính phủ. ASEAN không phải là một Nhà nước. Châu Âu cũng có vấn đề này, do vậy, đây không phải là điều gì mới mẻ cả.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng để có thể đi xa hơn và phát triển tốt hơn, thì ASEAN phải thực sự có những định chế chung, cho phép khối này có tiếng nói mạnh mẽ trên chính trường quốc tế, tương xứng với vai trò và trọng lượng của khối này.

Không có nhiều yếu tố thuận lợi trong bước khởi đầu hình thành ASEAN. Ban đầu, đó là một tập hợp các nước nghèo. Nước giầu nhất về kinh tế là Singapore và bây giờ vẫn vậy. Nước này dường như đóng vai trò « lĩnh xướng » cho sự phát triển kinh tế của ASEAN. Các thành viên khối này không có nền kinh tế như Nhật Bản, Trung Quốc. Đây chỉ là một nhóm quốc gia, cùng với thời gian, tự tiến hành hiện đại hóa và phát triển. Và đến một ngày nào đó, các nước này sẽ có tiếng nói, vai trò tương xứng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ASEAN còn phải đáp ứng quá nhiều điều kiện thì mới có thể đạt được mục tiêu này. »

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà sử học Hugues Tertrais, giáo sư trường đại học Paris 1 – Panthéon Sorbonne, và tác giả tập sách « Atlas de l’Asie du Sud Est » (Tập bản đồ vùng Đông Nam Á), nhà xuất bản Autrement, phát hành năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.