Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC

Tổng thống Pháp Macron kêu gọi Tập Cận Bình mở rộng cửa thị trường

Thứ Ba 05/11/2019, nhân dịp cùng với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Hội Chợ Nhập Khẩu Quốc Tế lần thứ nhì tại Thượng Hải, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách khuyến khích, thuyết phục Bắc Kinh « mở thêm » cánh cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp châu Âu và nhất là hàng hóa Pháp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội chợ hàng nhập khẩu Thượng Hải, ngày 05/11/2019.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội chợ hàng nhập khẩu Thượng Hải, ngày 05/11/2019. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Từ khu triển lãm của Pháp tại Thượng Hải, đặc phái viên Véronique Rigolet tường thuật :

Để chinh phục lãnh đạo Trung Quốc, tổng thống Emmanuel Macron mời ông Tập Cận Bình dùng một bữa tiệc gồm ba món thịt bò cùng với ba loại rượu vang. Lãnh đạo hai nước cụng ly, tươi cười trước các ống kính thu hình, thưởng thức sáu món ẩm thực đến từ sáu địa danh nổi tiếng của Pháp. Cuối cùng, chủ tịch Trung Quốc cho biết ông thích nhất là thịt bò vùng Salers và Languedoc.

Mở cửa để hai bên cùng có lợi

Đây là một chiến dịch khuyến mãi nông phẩm của Pháp mà hai bên đều mong muốn. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn biểu lộ quyết tâm mở cửa thị trường sau khi Trung Quốc đã bỏ lệnh cấm vận thịt bò Pháp cách nay một năm (do dịch bò điên). Còn tổng thống Macron thì muốn chứng tỏ là ông nhiệt tình ủng hộ công nghiệp nông phẩm của Pháp đang muốn xuất khẩu nhiều hơn vào Hoa lục.

Trước khi nhập tiệc, khi cắt băng khai mạc hội chợ Thượng Hải, Tập Cận Bình cam kết là cánh cửa của Trung Quốc luôn luôn mở rộng và vẽ lên viễn ảnh một thị trường vĩ đại không giới hạn.

Đáp lại, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến yếu tố công bình trong quan hệ đối tác sao cho hai bên cùng có lợi. Emmanuel Macron giải thích : nếu Trung Quốc cần thế giới mở cửa thì thế giới cũng cần sự mở cửa của Trung Quốc, và nước Pháp sẵn sàng tham gia hết mình.

Thỏa thuận IGP

Ngành nông nghiệp Pháp và Châu Âu cũng kỳ vọng vào thỏa thuận « bảo hộ chỉ dẫn địa lý » gọi tắt là IGP, sẽ ký với Trung Quốc vào ngày 06/11/2019. Thỏa thuận liên quan đến 100 sản phẩm nông nghiệp châu Âu, trong đó có 26 sản phẩm của Pháp, được ban hành từ năm 1992 tại châu Âu, bảo vệ pháp lý chống tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Theo AFP, giới doanh nghiệp Tây phương tại Trung Quốc rất bi quan, không tin vào lời hứa mở cửa thị trường của Bắc Kinh. Trong số các thành viên của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Thượng Hải tham gia hội chợ nhập khẩu 2018, chỉ có 50% ký được hợp đồng với đối tác Trung Quốc. Đã vậy, rất nhiều thỏa thuận không được thực hiện. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Tình trạng luật pháp không rõ ràng, quan liêu bàn giấy , không tôn trọng sở hữu trí tuệ cũng như tình trạng phân biệt đối xử gây khó khăn cho doanh nhân nước ngoài. Họ chờ Trung Quốc có hành động cụ thể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.