Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

"Hành trình sang Vương quốc Anh" : Số phận người Việt đi tìm miền đất hứa

Đăng ngày:

« Toàn bộ 39 thi thể trong xe tải đông lạnh là người Việt ». Thông tin ngày 01/11/2019 từ cảnh sát Anh dập tắt mọi tia hy vọng của gia đình những người xấu số, phần lớn từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Một số gia đình bị suy sụp khi được chính cảnh sát Anh, thông qua phiên dịch, báo tin buồn. Nhiều gia đình khác, dù chưa được thông báo chính thức, vẫn lập bàn thờ vì tin chắc người thân của họ nằm trong số 39 nạn nhân trong chuyến xe tử thần.

Người dân Hà Nội thắp nến tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số trong chuyến xe tải đông lạnh gần Luân Đôn, Nhà thờ lớn Hà Nội, ngày 27/10/2019.
Người dân Hà Nội thắp nến tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số trong chuyến xe tải đông lạnh gần Luân Đôn, Nhà thờ lớn Hà Nội, ngày 27/10/2019. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Chuyến xe xuất phát từ cảng Zeebruges, miền bắc nước Bỉ, vì từ vài năm gần đây, Pháp mạnh tay chống nhập cư trái phép, từ giải tỏa khu trại quanh Calais, đến kiên trì điều tra phá vỡ « sào huyệt » đưa người trái phép. Vụ mới nhất là vào ngày 14/05/2019, tại Paris, cảnh sát bắt 5 người, trong đó có hai người chứa chấp di dân trái phép, một người thu tiền thuê nhà và hai người vận chuyển.

Theo Cục phòng chống tội phạm có tổ chức liên quan đến nhập cư bất hợp pháp (DCO) của Pháp, Paris là trạm trung chuyển trong hành trình từ Nga, vượt qua Ba Lan, Đức, Bỉ, để chờ sang Anh. Tại Paris, công tác hậu cận được chuẩn bị sẵn : chỗ ở thường là trong quận 13 hoặc 14, liên lạc với những kẻ vận chuyển phải thông qua trung gian. Bên kia biển Manche, phía cảng Dover, có đồng phạm chờ tiếp nhận người nhập cư trái phép.

Bất chấp chặng đường khổ ải, nguy cơ bị bắt, nhiều người Việt Nam vẫn muốn đi tìm miền đất hứa ở Anh Quốc. Họ là ai ? Tại sao quyết tâm ra đi ? Ai giúp đỡ họ ? Cuộc sống của những người may mắn đến được Anh ra sao ? Hai nhà nghiên cứu Danielle Tan và Nguyễn Thị Hiệp phân tích từng vấn đề trong bản nghiên cứu Hành trình sang Vương Quốc Anh. Điều tra thực địa từ di dân Việt Nam (En route vers le Royaume-Uni, enquête de terrain auprès des migrants vietnamiens), được tiến hành năm 2016 cho hiệp hội France Terre d’Asile.

Năm 2017, công trình nghiên cứu xã hội được France Terre d’Asile và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Irasec) ở Bangkok, đồng xuất bản. RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bà Claire Trần, giám đốc Viện Irasec về chủ đề này.

Bìa sách Hành trình đến Vương quốc Anh, tác giả Danielle Tan, Nguyễn Thị Hiệp, do Irasec và France Terre d'Asile xuất bản, năm 2017.
Bìa sách Hành trình đến Vương quốc Anh, tác giả Danielle Tan, Nguyễn Thị Hiệp, do Irasec và France Terre d'Asile xuất bản, năm 2017. Irasec

RFI : Năm 2017, hội France Terre d’Asile và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Irasec) ở Bangkok, đồng xuất bản nghiên cứu điều tra « Hành trình đến Vương quốc Anh. Điều tra thực địa từ di dân Việt Nam » của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiệp và Danielle Tan. Xin bà cho biết một vài điểm chính của tài liệu này.

Claire Tran : Bản nghiên cứu này do hai nhà nghiên cứu cộng tác của Irasec tiến hành năm 2016. Danielle Tan, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Paris, chuyên về cộng đồng người Hoa hải ngoại, nhưng cũng nghiên cứu về nạn buôn bán phụ nữ ở Lào.

Nguyễn Thị Hiệp, đồng tác giả nghiên cứu, là nhà nghiên cứu cộng tác của Trung tâm Đông Nam Á (CASE) ở Paris và đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu trên. Nguyễn Thị Hiệp là người gốc Nghệ An, nơi có rất nhiều người tìm đường sang Anh Quốc. Nhờ Nguyễn Thị Hiệp và cộng đồng người Nghệ An, nơi cô xuất thân, nghiên cứu này mới được hoàn thành, vì người nhập cư Việt Nam rất nghi ngờ.

Cuộc điều tra được tiến hành ở thành phố Calais (miền bắc nước Pháp) trước khi khu lều trại bị dỡ bỏ, rồi ở Paris, tiếp theo là tại Anh, cụ thể là ở Luân Đôn và Birmingham. Đó là một nghiên cứu tại nhiều địa điểm nhằm tìm hiểu hiện tượng người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp sang Anh Quốc.

RFI : Trong nghiên cứu, có rất nhiều nhân chứng cho biết họ đi tìm cuộc sống mới ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, Đức, Anh Quốc. Liệu những nước này có tặng cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn không ?

Claire Tran : Hai tác giả dựa vào nhiều nghiên cứu, chủ yếu là từ phía Anh, về vùng xuất thân của những người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có nhiều người bị bắt vì trồng cần sa. Và người ta nhận thấy rằng những người nhập cư bất hợp pháp này đến từ vùng nông thôn và có trình độ học vấn thấp. Họ làm nông, đánh cá, hoặc những nghề buôn bán nhỏ, có nghĩa là không có công việc ổn định.

Rất nhiều khả năng là từ năm 2016, khi nghiên cứu này được thực hiện, có nhiều nông dân, ngư dân còn bị tác động vì thảm họa ô nhiễm môi trường Formosa, khiến họ bị mất nguồn sống. Trong số những người nhập cư đó, có rất nhiều ông bố, bỏ lại gia đình ở quê, và nói rằng muốn kiếm tiền cho con đi học. Đây là làn sóng di cư mang tính kinh tế. Người di cư cho rằng Anh Quốc sẽ giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn, xây được một ngôi nhà to đẹp hơn ở quê.

Đây chỉ là tình trạng di cư tạm thời và họ hy vọng giầu có hơn khi trở về. Vì thế, họ thấy có nhiều cơ hội tìm việc ở Anh Quốc, như trong nhà hàng, các tiệm làm móng, đang là mốt, và tại cả những trại trồng cần sa. Riêng về cần sa, người ta thấy có rất nhiều thanh niên, thường là trẻ vị thành niên và họ là những người có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn cả, vì có thể bị ngồi tù ở Anh.

Vì thế, có thể nói đây là những người nhập cư bất hợp pháp, vì động cơ kinh tế để có một cuộc sống tốt hơn, đến từ một vùng vừa nghèo, vừa thường xuyên chịu thiên tai, lũ lụt và hạn hán. Và chúng ta hiểu rằng bất chấp thảm kịch 39 người chết, làn sóng di cư này sẽ không ngừng lại.

RFI : Chính phủ Việt Nam nhìn nhận tình trạng di cư bất hợp pháp này như thế nào ?

Claire Tran : Chính phủ Việt Nam phối hợp với chính quyền Anh nhằm tìm cách giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp, cũng như trong vấn đề trẻ vị thành niên làm việc trong các trại trồng cần sa mà tôi đề cập ở trên.

Nhưng Việt Nam, dù tăng trưởng rất mạnh từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới, vẫn không thể tạo được việc làm cho khoảng 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần người Việt ở nước ngoài cho ngân sách Nhà nước. Cách đây vài năm, cụ thể là vào năm 2015, Việt kiều đã gửi về nước khoảng 12 tỉ đô la, tương đương với 8% GDP của đất nước. Bộ Lao Động Việt Nam thẩm định có khoảng 500.000 người Việt sống tại 40 nước trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam có nhiều hợp tác chính thức với một số nước ở châu Á, Trung Đông, châu Phi. Thậm chí, chính phủ Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận về quy định lao động, bảo vệ người lao động Việt Nam với một số nước, ví dụ với Bulgari, Canada, Đài Loan, Nga và Hàn Quốc. Vì thế, vấn đề di cư vẫn đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng như tôi nói ở trên, đây là vấn đề di cư hợp pháp, do chính phủ tổ chức.

Một phần lớn người di cư đến nhiều nước khác, như Úc và Mỹ, chứ không chỉ riêng Anh Quốc. Nhưng từ khoảng 20 năm gần đây, Anh Quốc trở thành miền đất hứa cho những người di cư bất hợp pháp. Họ phải trả một khoản tiền rất lớn. Phần lớn người di cư không có đủ số tiền đó. Họ phải vay mượn nhiều nơi, rồi trả sau, hoặc họ gán nhà cửa.

Những người Việt tìm đường sang Anh hy vọng làm giầu ở miền đất hứa. Theo thẩm định, có khoảng 50.000 người Việt sống hợp pháp tại Anh và có khoảng 20.000 người sống bất hợp pháp. Họ sống chủ yếu ở Luân Đôn, Birmingham và Manchester, thường làm giúp việc, giữ trẻ, làm trong nhà hàng hoặc các tiệm làm móng, cũng như trong các trại trồng cần sa.

RFI : Trong bản nghiên cứu, hai tác giả nêu lên những cách sang Anh. Đó là những cách nào ?

Claire Tran : Các gia đình chấp nhận để con cái hoặc chồng gặp rủi ro vì họ nghèo. Họ phải có được 38.000 euro, thậm chí nhiều hơn, để đến được nơi họ muốn. Nhưng nhiều người không đến được đích vì họ có nguy cơ chết trên đường đi. Họ đi qua Trung Quốc, Nga, đôi khi họ bay thẳng đến Vacxava (Ba Lan). Đoạn đường từ Nga sang Ukraina vô cùng nguy hiểm, rồi phải qua khu rừng rậm sang phía biên giới với Ba Lan, thường xuyên trong điều kiện thời tiết lạnh lẽo.

Ngoài ra, điều kiện sống trong các trại « dù » ở Calais, hoặc ở dọc đường bờ biển giữa Pháp và Bỉ, rất khắc nghiệt. Họ phải sống trong rừng, ngay ngoài trời, để chờ có cơ hội đi qua biển Manche, thường mất đến vài tuần, thậm chí vài tháng. Có người thử vượt biên đến 40 lần. Đây là một hành trình vô cùng khó khăn và đau khổ.

Trường hợp 39 người tử vong trong xe tải có lẽ đã dùng dịch vụ mức thấp nhất, được gọi là « Khí » hoặc « CO2 ». Đây là cách đi rẻ nhất, họ bị nhốt trong thùng xe tải và rất dễ bị thiếu không khí. Từ vài năm gần đây, xe tải bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn nên họ sử dụng xe tải đông lạnh vì những xe này không bị mở kiểm tra do sợ hệ thống đông lạnh bị ngắt và như vậy làm hỏng hàng hóa. Có lẽ 39 người mới mất đã sử dụng dịch vụ « Khí » và qua đó có thể suy luận rằng họ là những người không có nhiều tiền.

Ngoài ra còn có hai loại dịch vụ khác, đắt tiền hơn, được gọi là « VIP ». Người muốn sang Anh phải trả nhiều tiền hơn để được ngồi cạnh lái xe và đưa thẳng đến nơi.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Irasec, tại Bangkok.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.