Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - THƯƠNG MẠI

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Thất bại được báo trước

Cuộc đọ sức về mậu dịch giữa hai ông khổng lồ của thế giới kéo dài, cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, mỏi mòn theo dõi mỗi vòng thương lượng của đôi bên. Nhưng lần này, giới quan sát đã nói đến "thất bại được báo trước" hay "bế tắc" từ trước khi trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) ngồi vào bàn đàm phán với hai đối tác Mỹ là đại diện Thương Mại Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin.

Nhóm đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Từ trái qua phải: Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh tư liệu chụp ngày 10/05/2019 ở Washington.
Nhóm đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Từ trái qua phải: Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh tư liệu chụp ngày 10/05/2019 ở Washington. ©REUTERS/Clodagh Kilcoyne
Quảng cáo

Có nhiều dấu hiệu báo trước cho điều này. Mới tháng trước, Bắc Kinh thông báo tạm miễn đánh thuế nhắm vào 16 mặt hàng của Hoa Kỳ. Để « đáp lễ », Nhà Trắng tạm hoãn lệnh tăng thuế đánh vào hàng của Trung Quốc trong hai tuần. Bắc Kinh cũng thông báo « sẽ mua thêm » thịt heo và ngũ cốc của Mỹ nhưng không thấy đưa ra các số liệu cụ thể.

Sau một vài cử chỉ hòa hoãn, Washington lại mở chiến dịch tấn công. Hôm đầu tuần, (07/10/2019) Hoa Kỳ đưa 28 thực thể của Trung Quốc, trong đó có cả một số các cơ quan Nhà Nước như sở công an tỉnh Tân Cương, vào danh sách đen với lý do đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sống tại Tân Cương và như vậy, các đơn vị này không được làm ăn với doanh nghiệp Mỹ.

Tiếp theo đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giới hạn việc cấp visa cho một số quan chức Trung Quốc bị cáo buộc có trách nhiệm trong việc đàn áp cộng đồng thiểu số này. Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương rất nhậy cảm với Bắc Kinh, những quyết định gần đây của Washington không góp phần xoa dịu tình hình.

Bên cạnh đó, báo Hồng Kông South China Morning Post nêu lên hai chi tiết cho thấy, phía Trung Quốc không chờ đợi gì nhiều ở cuộc họp tại Washington lần này. Dấu hiệu thứ nhất là trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc đến Mỹ lần này đơn giản với tư cách là "phó thủ tướng" chứ không được thông báo với tư cách là "đặc phái viên của chủ tịch Tập Cận Bình". Giới quan sát ghi nhận điều đó có nghĩa là ông Lưu Hạc không nhận được chỉ thị đặc biệt nào từ phía ông Tập.

Dấu hiệu thứ nhì là phái đoàn Trung Quốc dự trù trở về Bắc Kinh ngay chiều mai, 11/10/2019, khi kết thúc cuộc họp, như thế phía Trung Quốc dường như dự tính cuộc đàm phán lần này sẽ "nhanh chóng kết thúc".

Trong khi đó thì tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục khẳng định rằng với Bắc Kinh, ông sẽ đạt được một thỏa thuận tốt và có lợi cho nước Mỹ, đó sẽ là một "thỏa thuận toàn diện", tức là bao gồm luôn cả các điều khoản ngăn chận Trung Quốc "đánh cắp công nghệ" của Hoa Kỳ, đòi Trung Quốc mở cửa thị trường và ngưng trợ giá cho các doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ ...

Về điểm này, một giáo sư trường Đại Học Nhân Dân Trung Quốc nhấn mạnh rằng trưởng đoàn đàm phán Lưu Hạc không có kế hoạch đàm phán với Mỹ về mô hình hay về chính sách kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ "không nhượng bộ về những điểm cơ bản đặc biệt là những gì liên quan đến chính sách công nghiệp, đến vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc" bởi vì tất cả những yếu tố đó là nền tảng của cả hệ thống kinh tế tại quốc gia này.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, một chuyên gia về thương mại thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, ông Scott Kennedy lưu ý, ông "chưa bao giờ thấy Trung Quốc nhượng bộ trước một đối tượng thách thức Bắc Kinh" như Hoa Kỳ đang làm và có lẽ Washington cũng ý thức được điều này. Có nghĩa là tổng thống Donald Trump đòi một "thỏa thuận toàn diện", nhưng trên thực tế, chính quyền Washington biết rằng, đôi bên sẽ chỉ giải quyết vấn đề theo từng giai đoạn một. Các phương tiện truyền thông nói đến kịch bản Mỹ và Trung Quốc sẽ đi từ "hiệp định đình chiến này đến hiệp định ngưng bắn khác".

Phải chăng vì thế mà theo như tiết lộ của báo New York Times, Nhà Trắng đang chuẩn bị "tạm tha" cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, cho phép một số các hãng Mỹ không thuộc diện nhạy cảm vẫn được quyền cung cấp trang thiết bị cho Hoa Vi. Bộ Thương Mại Mỹ chưa xác định về tin trên. Dù vậy, tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, Washington chơi đòn "vừa đấm vừa xoa" để kéo dài thời gian, dùng lá bài chiến tranh thương mại với Trung Quốc để giúp Donald Trump tái đắc cử vào năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.