Vào nội dung chính
MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN

Đàm phán Stockholm thất bại: Donald Trump đã bị Bình Nhưỡng đánh lừa ?

Đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên lại rơi vào bế tắc. Thứ Bảy, 05/10/2019, tại Stockholm, Bắc Triều Tiên bất ngờ thông báo ngưng đàm phán với Mỹ sau 8 tiếng thương lượng.

Đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên Stephen Biegun ra khỏi trụ sở bộ Ngoại Giao Thụy Điển, nơi diễn ra cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên, Stockholm, ngày 04/10/2019
Đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên Stephen Biegun ra khỏi trụ sở bộ Ngoại Giao Thụy Điển, nơi diễn ra cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên, Stockholm, ngày 04/10/2019 REUTERS/Niklas Pollard
Quảng cáo

Sau hai thất bại liên tiếp, thượng đỉnh Hà Nội (2/2019) và đàm phán Stockholm (05/10/2019), có một câu hỏi được đặt ra : Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị Bình Nhưỡng đánh lừa ?

Sau cuộc đàm phán ở thủ đô Thụy Điển, có một điều chắc chắn là nước Mỹ bị biến thành trò hề, bị nhạo báng. Bởi vì Bắc Triều Tiên đang « ăn miếng trả miếng » với Hoa Kỳ. Tại Hà Nội, Donald Trump đã làm cho Kim Jong Un ngỡ ngàng, cảm thấy bị « mất mặt » khi nguyên thủ Mỹ bất ngờ « rời bàn đàm phán ». Lần này, đến lượt đặc sứ Bắc Triều Tiên Kim Myong Gil đã làm cho đồng nhiệm Mỹ, Stephen Biegun, không kịp trở tay khi đột ngột « rời bàn đàm phán ».

Không những thế, Bình Nhưỡng đến với cuộc đàm phán trong thế « khó nuốt », sẵn sàng « nã pháo » Washington. Từ việc muốn đàm phán với Mỹ không cần điều kiện tiên quyết, Bắc Triều Tiên nay chuyển sang thế chủ động, thương lượng có điều kiện. Chế độ họ Kim tuyên bố chỉ ngồi lại vào bàn đàm phán chừng nào Hoa Kỳ « chấm dứt thái độ thù nghịch ».

Theo nhận định của giới chuyên gia, được tờ Le Figaro trích dẫn, cách biệt quan điểm giữa hai nước còn quá lớn. Sự việc cho thấy rõ « Bình Nhưỡng không có ý định phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên muốn được nhìn nhận như là một cường quốc hạt nhân. Do đó, (chiến thuật của Bình Nhưỡng là) được ăn cả ngã về không. Trong một chừng mực nào đó, họ sẵn sàng thương lượng về việc kiểm soát vũ khí », theo như phân tích của chuyên gia Mason Richey, đại học Hankuk tại Seoul.

Về phần mình, ông Corentin Sellin, giáo sư sử học, chuyên nghiên cứu về Hoa Kỳ, trên mạng xã hội Twitter cho rằng chính sách ngoại giao kiểu Donald Trump, mà ông thường ca tụng đã phá sản. Sau mười tám tháng với những cuộc gặp thượng đỉnh ầm ĩ, Hoa Kỳ đã đạt được gì từ Bắc Triều Tiên ? Không được gì cả, thậm chí tệ hơn. Không những tình thế không thay đổi mà chế độ Kim Jong Un còn có thêm thời gian để hoàn thiện hơn nữa công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo.

Thất bại này có lẽ sẽ là một vố đau mới cho Donald Trump, hiện đang trong tâm bão vụ tai tiếng « Ukrainegate ». Sai lầm này phải chăng là do ông và dàn cố vấn đã đánh giá thấp đối thủ, khi cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đánh lừa Washington, để được ngồi lại vào bàn đàm phán với hy vọng có được một số nhượng bộ mong giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đang đè nặng nền kinh tế đất nước ?

Hay đó là do nỗi ám ảnh tái tranh cử tổng thống đã làm cho Donald Trump trở nên mù quáng, không nghe lời khuyên của các chuyên gia và vội vã chấp nhận đàm phán với Bắc Triều Tiên ? Hệ quả sắp tới có lẽ ai cũng đoán được. Bắc Triều Tiên sẽ bổn cũ soạn lại. Thế giới lại chuẩn bị chứng kiến « vũ khí nguyên tử và các tên lửa đạn đạo » của Bình Nhưỡng thay vì « Lửa và cơn cuồng nộ » của Donald Trump.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.