Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc phải làm gì để giữ "phép lạ" kinh tế ?

Đăng ngày:

Trong bảy thập niên, Trung Quốc đốt giai đoạn, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Đó là cả một đoạn đường dài với không ít sai lầm hay thất bại. Để duy trì phép lạ kinh tế Bắc Kinh bắt buộc phải đi tìm một mô hình mới.

Xe máy điện do Trung Quốc sản xuất tham gia lễ diễu binh ngày Quốc khánh 01/10/2019, Bắc Kinh.
Xe máy điện do Trung Quốc sản xuất tham gia lễ diễu binh ngày Quốc khánh 01/10/2019, Bắc Kinh. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á (Asia Centre) và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst, nhận định như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt.

Cách nay đúng 70 năm, Mao Trạch Đông khai sinh nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Vào lúc đó, trọng lượng kinh tế của Trung Quốc không đáng kể, tương đương với 4,6 % GDP của thế giới. Về mặt xuất khẩu, Trung Quốc là một "hạt cát". Nước đông dân nhất địa cầu chiếm chưa đầy 1% tổng trao đổi mậu thế giới và thua kém nhiều so với đảo quốc Đài Loan tí hon.

Hiện nay, năm 2019, Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ hai sau có Hoa Kỳ, tạo ra đến 16% của cải trên thế giới. Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi liên tục có được tỷ lệ tăng trưởng trên 10% một năm trong vòng 1/4 thế kỷ.

Trung Quốc là nguồn xuất khẩu số 1 toàn cầu, thặng dư về mậu dịch với gần như tất cả các đối tác. Khác với thời điểm mới mở cửa vào thập niên 1980-1990, khi đó phương Tây ưa chuộng hàng rẻ của Trung Quốc, giờ đây Trung Quốc đã thách thức luôn cả hàng công nghệ cao của phương Tây hay của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về tiền tệ, đồng nhân dân tệ không ngừng được "quốc tế hóa" nhất là sau khi tham gia "rổ tiền tệ" của IMF. Nhìn đến các chỉ số phát triển về con người, khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, tỷ lệ mù chữ là 80%. Bảy thập niên sau, con số này rơi xuống còn chưa đầy 5%. Một bằng chứng rõ rệt khác là số sinh viên Trung Quốc du học nước ngoài ngày càng đông.

Công ty tư vấn Mỹ McKinsey dự phóng đến năm 2022, 3/4 dân Trung Quốc ở thành thị sẽ có thu nhập trên 10.000 đô la một năm. Bắc Kinh đã đề ra từng giai đoạn phát triển như tiến đến việc xây dựng một xã hội "khá giả" vào ngưỡng năm 2020 và trở lại thành "trung tâm của thế giới" năm 2049, tròn 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền.

Tuy nhiên, để có được thành tích rực rỡ này, người dân Trung Quốc đã phải trả giá rất đắt. Chỉ riêng bước Đại Nhẩy Vọt (1958-1962) của Mao Trạch Đông đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu thường dân, cướp đi 30% GDP của Trung Quốc thời đó, theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Đến năm 1966, Cuộc Cách Mạng Văn Hóa lại tiếp tục đẩy đất nước rộng lớn này vào cảnh hỗn loạn, cả về mặt kinh tế, lẫn xã hội trong gần một thập niên.

Năm 1976, khi Mao Trạch Đông qua đời, kinh tế Trung Quốc lại quay trở về với thời điểm của năm 1949, như ghi nhận của chuyên gia Pháp Hubert Testard trên báo mạng Asialyst.

1978 và chủ trương Cải Cách và Mở Cửa

Định mệnh của Trung Quốc đã rẽ sang bước ngoặt mới vào cuối thập niên 1970 nhờ chủ trương "Cải Cách và Mở Cửa" của ông Đặng Tiểu Bình. Chủ trương đó dựa trên nguyên tắc cải cách nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật và quân sự.

Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á - Asia Centre và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst nhìn lại đoạn đường 70 năm của "phép lạ kinh tế Trung Quốc". Ông Chaponnière không phủ nhận những sai lầm vô cùng tai hại trong chính sách phát triển của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới thời Mao nhưng cũng lưu ý rằng, ngay cả năm 1978, Đặng Tiểu Bình "không bắt đầu từ số không".

Jean-Raphael Chaponnière : 1949 là năm Đảng Cộng Sản giành được chính quyền và thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng không có nghĩa là họ bắt đầu lại từ số không. Trung Quốc là môt nền văn minh lâu đời và đã bắt đầu cải tổ vào cuối thế kỷ 19. Đừng quên rằng Thượng Hải từng là một trung tâm tài chính. Nhưng khi Mao lên cầm quyền, kinh tế đất nước rộng lớn này trong tình trạng khá tồi tệ.

Mãi đến Hội Nghị Trung Ương 3, Khóa 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương "Cải Cách và Mở Cửa", Trung Quốc vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng ở cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã mở mang về công nghiệp tuy đó là một nền công nghiệp còn thô sơ và cổ lỗ. Một người bạn Mỹ đã nói với tôi : Công nghiệp Trung Quốc năm 1978 đủ sức sản xuất cho mỗi nhà một cái chảo và một vài bộ quần áo.

RFI : Nói cách khác khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách thì Trung Quốc là một nước công nghiệp nghèo ? Và tiếp theo đó thì Bắc Kinh đã đi theo mô hình phát triển của châu Á ?

Jean-Raphael Chaponnière : Trung Quốc đã quan sát các nước châu Á khác, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và nhất là Đài Loan. Bắc Kinh đã choáng váng nhận thấy rằng ngay từ cuối thập niên 1970, Đài Loan đã là một nguồn xuất khẩu của thế giới.

Tuy nhiên Trung Quốc cải tổ từng bước và theo nhịp độ của chính mình. Đồng thời, có những khác biệt lớn giữa mô hình của Trung Quốc so với ba quốc gia kia. Đài Loan cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu công nghiệp hóa từ những năm 1950-1960. Trung Quốc đi chậm hơn gần 20 đến 30 năm.

Trong trường hợp của Nhật, Hàn hay Đài Loan, vốn đầu tư ngoại quốc chỉ là một phần nhỏ đóng góp cho đà phát triển của những nước này. Với Trung Quốc thì trái lại, Trung Quốc đã phát triển được nhờ đầu tư của ngước ngoài, bởi vì ai cũng trông thấy ở quốc gia đông dân này một thị trường đầy tiềm năng. Thêm vào đó, từ thập niên 80 trở đi là giai đoạn kinh tế toàn cầu hóa và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để vươn lên.

RFI : Bằng chứng cụ thể nhất là Bắc Kinh đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và đây là đòn bẩy giúp nước này phát triển mạnh, trở thành cơ xưởng của thế giới ?

Jean-Raphael Chaponnière : Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và thành công vượt bậc ngoài mong đợi của ngay cả chính giới lãnh đạo Bắc Kinh. Nhờ gia nhập được câu lạc bộ này mà GDP của Trung Quốc tăng nhanh hơn ít nhất là 2 điểm so với mong đợi.

Nhưng bảo rằng phương Tây đã ngây thơ bị Trung Quốc dụ dỗ là sai, bởi vì các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc khắt khe hơn so với của Ấn Độ chẳng hạn. Dù vậy Trung Quốc nắm bắt thời cơ và nhờ mở cửa, mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã dễ dàng cất cánh, thậm chí là có hẳn cả một chiến lược phát triển rất tinh vi và bài bản.

RFI : Đâu là mặt trái của "phép lại" kinh tế Trung Quốc thưa ông ?

Jean-Raphael Chaponnière : Theo tôi, thất bại lớn nhất của phép lạ kinh tế này là về phương diện xã hội, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn mà đối với một nước xã hội chủ nghĩa thì đây là điều khó chấp nhận hơn cả. Chẳng vậy mà từ năm 2011, Bắc Kinh đã ngưng công bố thống kê về chỉ số giàu nghèo.

Thất bại về mặt xã hội này đến một lúc nào đó sẽ bắt buộc mọi người phải xét lại tính chính đáng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đặc biệt là khi tỷ lệ tăng trưởng bị sụt giảm không còn bảo đảm cho người dân có cơ hội làm giàu, hay một đời sống sung túc hơn.

RFI : Cho dù đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới và chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhưng Bắc Kinh ý thức được rằng không thể đi theo mô hình này mãi, vậy đâu là những thách thức trong tương lai đối với quốc gia này ?

Jean-Raphael Chaponnière : Tiến trình chuyển đổi để hướng tới mô hình lấy sức tiêu thụ nội địa làm động lực chính đã được Bắc Kinh thông báo từ nhiều năm nay. Nhưng đây là một công trình dài hơi và trong quá trình chuyển đổi đó, tỷ lệ tăng trưởng bị chậm lại.

Nhưng trong mọi trường hợp, tôi cho rằng Trung Quốc đang phải vượt qua hai thách thức lớn : về đối nội, vấn đề nghiêm trọng nhất, theo tôi, là hiện tượng dân số bị lão hóa. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đau đầu vì vấn đề dân số, nhưng khác với ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thu nhập của người già ở Trung Quốc hiện nay rất, rất thấp. Thành thử đây sẽ là quả bom nổ chậm.

Còn về đối ngoại, rõ ràng là môi trường quốc tế không còn rộng mở như 20 hay 30 năm về trước. Mỹ và cả châu Âu không thể mãi mãi là thị trường mua hàng rẻ của Trung Quốc. Thành thử Bắc Kinh phải tìm một hướng đi khác. Tuy nhiên trong giai đoạn 40 năm qua, Trung Quốc đã tận dụng tối đa mô hình kinh tế toàn cầu để thâu tóm những kỹ thuật cần thiết hòng bắt kịp các nền công nghiệp phát triển.

RFI cảm ơn chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á - Asia Centre và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.