Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐẢNG CỘNG SẢN

Những trang sử đẫm máu của đảng Cộng Sản Trung Quốc

Sử gia Hà Lan Frank Dikotter đánh giá 70 năm trước, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giành lấy chính quyền nhờ một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Trung Quốc đã trải qua giai đoạn "đẫm máu nhất" dưới những năm tháng Mao Trạch Đông.

Ảnh tư liệu: Binh sĩ và xe tăng của quân đội Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 09/06/1989
Ảnh tư liệu: Binh sĩ và xe tăng của quân đội Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 09/06/1989 REUTERS/Richard Ellis
Quảng cáo

Độc giả của báo Le Monde chú ý nhiều đến bài viết mang tựa đề "Trung Quốc là một Nhà nước bắt mọi người mất trí nhớ". Vào lúc Bắc Kinh kỷ niệm rầm rộ 70 năm ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc lên cầm quyền, nhà sử học người Hà Lan, Frank Dikotter, mở lại những trang sử đẫm máu nhất trong bảy thập niên qua, từ khi Mao Trạch Đông "giải phóng" đất nước năm 1949 cho đến ngày nay.

Le Monde giới thiệu : Giáo sư Dikotter giảng dậy tại đại học Luân Đôn và Hồng Kông. Ông là tác giả của ba tập nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Theo tác giả, nhìn lại giai đoạn những người cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, Bắc Kinh nói đến một cuộc "giải phóng dân tộc" mà đã quên mất rằng, con đường chinh phục quyền lực của Mao trước hết là một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ bỏ rơi Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch từng là đồng minh của Washington trong chiến tranh. Ngược lại ở Matxcơva, Staline giúp Mao củng cố đội quân để tiến về thủ đô Bắc Kinh. Năm 1948, từ tháng 5 đến tháng 10, phe cộng sản phong tỏa thành phố Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc) ở phía bắc Vạn Lý Trường Thành. 160.000 dân cư Trường Xuân chết đói. Không muốn cùng chung số phận với Trường Xuân, các thành phố khác lần lượt đầu hàng. Cuối năm 1949 lá cờ đỏ phất phới bay tại Tử Cấm Thành.

Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản trên đỉnh cao quyền lực. Dân Trung Quốc "được" đưa đi cải tạo để trở thành những "công dân mới". Những thành phần bị liệt vào diện "vô phương cứu chữa" bị "thanh lọc" : 2 triệu người bị xóa tên.

Tháng 8/1952 báo cáo do chính bộ trưởng Công An thời đó là Lê Thụy Khanh soạn thảo ghi rõ : trong vòng một năm, chính quyền đã xử tử 301.800 người tại vỏn vẹn 6 tỉnh. Cũng trong thời gian đó tất cả những tổ chức từ thiện, các hội đoàn, các tập thể tôn giáo ... đều bị khai tử.

1956 là thời điểm các doanh nghiệp tư nhân bị cướp mất tài tài sản. Ở nông thôn, tất cả các hoạt động đều phụ thuộc vào các hợp tác xã. Hai năm sau, Mao khởi động bước "Đại Nhẩy Vọt" với hậu quả kèm theo là hàng chục triệu dân Trung Quốc chết đói, hay vì kiệt sức, sau những năm tháng sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng Mao không dừng lại ở đó mà tiếp tục với cuộc Cách Mạng Văn Hóa và một lần nữa trong suốt 10 năm trời Trung Quốc lại rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng thấy : Anh em, cha con trong cùng một gia đình, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp đấu tố lẫn nhau. Những năm tháng kinh hoàng đó chỉ dừng lại vào năm 1976 khi Mao qua đời. Khi đó đời sống của người dân còn cơ cực và thảm hại hơn so với thời điểm 1949.

Đảng Cộng Sản hồi sinh

Với ngần ấy những sai lầm đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tồn tại, bởi theo nhà sử học Frank Dikotter, Bắc Kinh đã cởi trói kinh tế, biến tăng trưởng và những thành tựu kinh tế thành những công cụ để "củng cố quyền lực của Đảng, để đàn áp không thương tiếc tất cả những đòi hỏi cải tổ chính trị".

Trong khi đó, phương Tây từng mơ tưởng rằng, thịnh vượng hơn, người dân Trung Quốc từng bước đòi hỏi tự do và dân chủ. Phép lạ kinh tế của Trung Quốc sẽ mở đường cho tiến trình đổi mới về chính trị tại nước đông dân nhất địa cầu. Tây phương đã lầm to.

Không một người thừa kế nào của Mao muốn chia sẻ quyền lực. Ngược lại từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình ngày nay vẫn miệt mài "tập trung quyền lực".

Hồng Kông : Vị đắng ngày lễ Quốc Khánh Trung Quốc

Bắc Kinh muốn phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền, thế nhưng đối với đa số dân Hồng Kông mồng 1 tháng 10 là một ngày "đen tối".

Đây là nội dung bài phóng sự trên báo La Croix. Đặc phái viên Dorian Malovic ghi nhận Tập Cận Bình đang lo ngại các cuộc biểu tình tại đặc khu hành chính Hồng Kông làm hỏng "ngày lễ hội" vào thứ Ba này. Bắc Kinh muốn lễ Quốc Khánh năm nay là cơ hội để phô trương thanh thế, để khơi dậy niềm tự hào của gần một tỷ rưỡi người dân Trung Quốc sau những năm tháng chiến tranh, đói khổ nay đã vươn lên thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Còn tại Hồng Kông phong trào phản kháng không thuyên giảm. Một giáo sư Anh ngữ nói với phóng viên của La Croix : Bà không cảm thấy hãnh diện với sức mạnh của Trung Quốc mà trái lại vô cùng lo lắng. Bởi Trung Quốc mạnh được là nhờ quân đội, thế nhưng hình ảnh của quân đội Trung Quốc gắn liền với cảnh tượng phong trào dân chủ Thiên An Môn tháng 6/1989 bị dìm trong biển máu.

Vickie Lui, một luật sư 36 tuổi cho biết, hàng năm bà vẫn đón xem pháo hoa vào dịp lễ Quốc Khánh, nhưng năm nay chỉ "còn lại vị đắng". 22 năm sau ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc, quyền tự do của người dân Hồng Kông đã bị thu hẹp lại. Mồng 1 tháng 10 trở thành một ngày "tang tóc", nhất là khi bố mẹ bà đã từng sang Hồng Kông định cư để thoát khỏi ách cộng sản. Còn với Man, 22 tuổi, chưa từng được sống dưới thời kỳ Hồng Kông thuộc Anh Quốc, Man tâm sự với báo La Croix là "không hãnh diện chút nào sống tại một đất nước do hoàng đế Tập Cận Bình cai trị. Hồng Kông là một quốc gia tách biệt" với Hoa Lục.

Chirac, người của công chúng

Người dân Pháp vĩnh biệt cố tổng thống Jacques Chirac : Chirac "trong mắt" những người dân bình thường đến tiễn đưa ông. Tựa của ba tờ Libération thiên tả, Le Figaro thân hữu và tờ báo Công giáo La Croix.

Trang nhất báo Libération đăng bức ảnh dòng người xếp hàng dài trước điện Invalides đợi vào viếng cố tổng thống Pháp. Tờ báo mời 5 nhân vật chia sẽ một kỳ niềm về Jacques Chirac. Cựu bộ trưởng và cũng là người đã soạn thảo nhiều bài diễn văn cho cố tổng thống Pháp, bà Christine Albanel, kể lại rằng ông Chirac luôn "rất lo âu" mỗi lần đọc một bài phát biểu quan trọng. Đặc biệt là lần ông phải thông báo với quốc dân về cái chết của người tiền nhiệm François Mitterrand đầu năm 1996, hay trước đó, trong phát biểu thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước Pháp trong đợt càn quét người Do Thái ở Vel d'Hiv dưới thời Đức Quốc Xã.

Riêng cựu ngoại trưởng Anh, Denis Macshane, ông kể lại giai thoại bị Chirac "tịch thu mất ổ bánh mì và lon bia" sau một cuộc họp tại Hội Đồng Châu Âu. Số là trong giờ giải lao ăn trưa, ông MacShane mua được ổ bánh mì và lon bia nhưng còn đang mải nói chuyện với ngoại trưởng Đức, thì tổng thống Chirac bất ngờ xuất hiện và kêu to "Đói quá, có gì ăn không ? " thế là ngoại trưởng Anh bèn phải nhường khẩu phần của mình cho nguyên thủ Pháp. Có máu hài hước, ông Chirac nhiệt tình tung hô : "Cảm ơn Vương Quốc Anh !"

Le Figaro nghiêm túc hơn, đăng bức ảnh ông Chirac đang bắt tay một Vladimir Putin còn rất trẻ trước thềm điện Elysée. Bên cạnh là hàng tựa : "Putin tri ân vị tổng thống yêu mến văn hóa Nga nhất trong số các nguyên thủ Pháp".

Tờ báo nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Nga và Pháp đã nhiều lần "cùng chí hướng" trên những hồ sơ quan trọng của thế giới. Thí dụ như là cả Paris lẫn Matxcơva cùng phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Irak năm 2003. Cũng tổng thống Chirac đã trịnh trọng mời ông Putin đến dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandie. Cử chỉ này nhằm nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến chống Đức Quốc Xã, chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.

Tờ La Croix nhấn mạnh đến những mối quan hệ cá nhân tổng thống Chirac từng gây dựng được với các lãnh đạo trên thế giới, "bất luận đó là những nhà dân chủ hay độc tài". Cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison nói đến một mối quan hệ đặt trên nền tảng của "sự tin tưởng và tôn trọng" lẫn nhau giữa Chirac với Putin. Tờ báo này cho biết thêm dù đã rời khỏi điện Elysée, ông Jacques Chirac vẫn đều đặn nhận được những tập thơ bằng tiếng Nga mà tổng thống Vladimir Putin gửi biếu, hay những két bia Đức mà người gửi không ai khác ngoài thủ tướng Angela Merkel.

Trump trong thế thủ

Nhìn sang Hoa Kỳ, tổng thống Trump tuyên bố "chúng ta trong tình trạng chiến tranh". Đó không là một cuộc chiến chống ngoại xâm, chống các tệ nạn xã hội mà chỉ đơn thuần là tâm trạng của chủ nhân Nhà Trắng vào lúc ông bị phe đối lập chuẩn bị thủ tục truất phế sau những tiết lộ về việc Donald Trump gây áp lực với đồng nhiệm Ukraina để triệt hạ một đối thủ chính trị.

Xã luận của báo Le Monde cho rằng, điều nguy hiểm ở đây, là tổng thống Hoa Kỳ "khai chiến với các định chế chính trị của Hoa Kỳ". Tổng thống Trump đã nhiều lần công khai đả kích từ tư pháp đến đến cơ quan cảnh sát, ngành tình báo Hoa Kỳ và thậm chí gọi báo chí là "kẻ thù của dân tộc" ... Bây giờ ông lại tố cáo đối lập "tấn công", khiêu chiến với ông. Trump kích động thành phần cử tri trung thành để chống lại các định chế quốc gia. "Quá rõ là Donald Trump ngày càng làm xấu đi hình ảnh của một vị tổng thống tại một đất nước dân chủ" như Hoa Kỳ.

Có điều tất cả các tờ báo Paris đều nhìn nhận : không dễ truất phế vị tổng thống Mỹ thứ 45 này. La Croix trong bài xã luận lo ngại rằng, chính trường Mỹ càng sôi sục, Nhà Trắng sẽ lại càng lơ là với các hồ sơ quan trọng của quốc tế.

Cũng về Hoa Kỳ nhưng báo Les Echos chú ý đến hiện tượng "kinh tế Mỹ bị chựng lại, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn". Theo các thống kê mới nhất tại các bang California, Texas hay Virginia , hố sâu ngày càng lớn. Tình trạng này cũng đã được phát hiện thấy tại các vùng nông thôn ở những bang như Arkansas hay Nebraska. Nông dân Mỹ nghèo đi vì thu nhập của công việc đồng áng không còn đủ để nuôi sống gia đình. Một số tiểu bang lại không có hệ thống trợ cấp xã hội. Hiện tượng xã hội này sẽ là một yếu tố mà các ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 phải tính tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.