Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Vui buồn trong thế giới võ thuật

Đăng ngày:

Pháp củng cố vị thế Á Quân Nhu Đạo Thế Giới, Nhật Bản vẫn áp đảo dưới áp lực tâm lý sợ mất ngôi vô địch, một võ sĩ Iran bị sức ép chính trị tự thua để không đụng đối thủ Israel, đường vào Thế Vận của Karaté là nội dung tạp chí thể thao cuối tuần này của RFI Việt ngữ.

Giải Nhu Đạo Thế Giới 2019 :Nhật và Pháp trên đỉnh cao.
Giải Nhu Đạo Thế Giới 2019 :Nhật và Pháp trên đỉnh cao. Reuters
Quảng cáo

Judo thế giới : Nhất Nhật, Nhì Pháp

Một năm trước Thế Vận Hội Tokyo 2020, cũng tại kinh đô Nhật Bản, đội tuyển thủ nam nữ Judoka của Pháp đoạt huy chương bạc toàn đội trong Giải Vô Địch Nhu Đạo Thế Giới. Nga và Brazil đồng hạng ba sau Nhật và Pháp.

Sau bảy ngày thi đấu cá nhân, vắng mặt vô địch hạng nặng Teddy Riner, dưỡng sức để tranh Thế Vận Hội Mùa Hè 2020, Pháp giành được 3 huy chương vàng và 2 huy chương đồng. Tất cả huy chương vàng là do công lao của phái nữ : Clarisse Agbegnenou, Marie-Eve Gahié và Madeleine Malonga.

Ngày cuối cùng 01/09/2019 tranh toàn đội, Pháp chào thua đội tuyển thủ nước chủ nhà. Đây là lần thứ ba, liên tiếp, từ khi có bộ môn toàn đội nam nữ, Nhật Bản chiếm huy chương vàng, nhưng trong áp lực tâm lý rất nặng nề.

Một trong những dấu hiệu được báo chí thể thao ghi nhận là chưa bao giờ nước mắt rơi nhiều như thế trong đội tuyển Nhật : Hifumi Abe, Soichiro Makai,Chizuru Arai … Với 15 huy chương đủ loại, từ bộ môn đấu cá nhân cho đến toàn đội, Nhật vẫn là số một thế giới, nhưng lại bị xem là thành công nửa vời. Áp lực tâm lý buộc phải chiến thắng tại sân nhà, áp lực của tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe cho Thế Vận 2020 khiến cho các Judoka xứ phù tang, cho dù được khổ luyện cũng không kềm hãm được phản ứng lo âu và nước mắt.

Chiếc huy chương vô địch hạng nặng 2019 rơi vào tay vận động viên người Séc Lukas Krepalek, hạ đối thủ Nhật Bản Hisayoshi Harasawa trong trận chung kết.

Một Judoka Iran tố chính phủ làm mất huy chương

Nếu lời kể của vận động viên Iran Saeid Mollaei trên một đài truyền hình đối lập ở Luân Đôn là có thật thì Iran đã mất một huy chương vàng hoặc ít ra là một huy chương bạc, hay đồng tại Tokyo vì lý do chính trị.

Nhà vô địch Iran 27 tuổi thuật lại như sau : « Tôi cố tình thua trong hai trận, trận bán kết và trận đấu vớt tranh hạng ba, dưới 87 kg. Trước giờ thi đấu, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Iran và thứ trưởng bộ Thể Thao điện thoại cho tôi. Họ nói đừng đấu làm gì nhưng cũng đừng để Liên Đoàn Quốc Tế phát hiện có vấn đề ». Mục đích của chính quyền Iran là không muốn võ sĩ Saeid Mollaei gặp đối thủ Israel Sagi Muki ở trận chung kết. Cuối cùng Israel được huy chương vàng. Iran cũng để mất luôn huy chương đồng vì Saeid Mollaei được chỉ thị tránh gặp võ sĩ Israel trên bục lãnh huy chương. Đó là lý do vì sao võ sĩ Iran thua ở trận bán kết và thua ở trận đấu vớt.

Karaté và đường vào Thế Vận

Con đường vào Thế Vận Hội của Karaté khá chật vật. Được xem là môn thể thao bổ sung ở Thế Vận Hội 2020 tại Tokyo nhưng Karaté vắng bóng ở Paris 4 năm sau đó.

Trong khuôn khổ nội dung võ thuật của tạp chí thế thao hôm nay, RFI đặt câu hỏi với võ sư Phan Toàn Châu, 8 đẳng võ cổ truyền Việt Nam, nguyên là giám đốc kỹ thuật trong Tổng cục Karaté và các môn võ tương đồng, tác giả nhiều quyển sách võ thuật, biên sọan công phu như cuốn Võ Đạo, Võ Cổ Truyền Việt nam, Arts Martiaux Vietnamiens Traditionnels (Budo Editions)

Lần lượt, võ sư PhanToàn Châu chia sẻ một số sự kiện vui buồn trong phong trào võ thuật Việt Nam tại Pháp, sự ra đi đột ngột của võ sư Đỗ Long, phân tích vì sao Karaté, cho dù phát triển tại 200 nước mà không được Ủy ban Thế Vận Quốc Tế ưu ái… nói chi đến võ Tàu hay võ Việt Nam.

Võ sư Phan Toàn Châu : «Chúng ta có khoảng 20 ngàn người tập võ Việt Nam ghi tên trong Tổng cục Karaté và các môn võ giống Karaté (Fédération Française de Karaté et Disciplines Associées) và 10 ngàn không ghi danh …nhưng trước hết tôi xin nhắc một võ sư vừa từ trần vào ngày 05 tháng 07 vừa qua. Đó là võ sư Đỗ Long, 7 đẳng. Ông là một trong những người đầu tiên đem võ Việt Nam vào nước Pháp trong thập niên 1970. Võ sư Đỗ Long ra đi quá đột ngột làm bản thân tôi rất buồn và có lẽ trên nước Pháp này cũng có cả ngàn người buồn vì sự ra đi đó. Đó là một sự mất mát rất lớn của võ Việt Nam chúng ta»

07:01

Võ sư Phan Toàn Châu-Paris

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.