Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Hồng Kông triển khai cảnh sát chống bạo động trên toàn lãnh thổ

Chính quyền huy động đông đảo lực lượng cảnh sát chống bạo động đặc biệt là tại khu vực gần phi trường quốc tế. Phong trào dân chủ Hồng Kông tiếp tục xuống đường ngày Thứ Bảy 07/09/2019 cho dù dự luật cho dẫn độ về Trung Quốc đã chính thức bị hủy bỏ.

Ảnh minh họa : Cảnh sát chống bạo động triển khai khắp nơi ở Hồng Kông. Ảnh ngày 07/09/2019.
Ảnh minh họa : Cảnh sát chống bạo động triển khai khắp nơi ở Hồng Kông. Ảnh ngày 07/09/2019. REUTERS/Anushree Fadnavis
Quảng cáo

Công luận Hồng Kông phẫn nộ trước các hành vi đàn áp thô bạo của cảnh sát trong những tuần qua và đòi chính quyền phải cho mở điều tra độc lập về những vụ người biểu tình bị đánh đập thô bạo, đòi được biết sự thật về vụ đàn áp hôm 31/08/2019 tại trạm xe điện ngầm Prince Edward. Tối qua một cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra trong mục tiêu này như phóng sự ngắn của đặc phái viên Stéphane Lagarde cho thấy :

"Họ đem dù lên tuyến đầu để đỡ đạn cao su của cảnh sát. Nhân viên an ninh phóng lựu đạn cay về phía chúng tôi". Kim và Angy hai người biểu tình miêu tả cảnh tượng đang diễn ra. Những chiếc dù dồn dập tiến về phía trước đoàn biểu tình.

Giao thông bị chận lại trên con lộ Nathan Road. Hàng ngàn người tràn ngập đường phố với khẩu hiệu đòi sự thật về các vụ bạo hành của cảnh sát Hồng Kông. Người biểu tình đòi chính quyền công bố video tại trạm xe điện ngầm Prince Edward.

Đây là nơi lực lượng cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đã can thiệp hôm 31/08/2019. Theo lời Kim và Angy, không có những đoạn video này thì không thể ngăn chận tin đồn là đã có ba người bị thương bị mất tích.

Kim và Angy là sinh viên môn tin học và lịch sử nghệ thuật. Từ ba tháng qua, họ liên tục xuống đường vào mỗi ngày cuối tuần. Angy giải thích cô muốn đoạn băng video thu hình ở Prince Edward phải được công bố để biết rõ sự thật. Kim bồi thêm là người dân Hồng Kông muốn những nhân viên cảnh sát đã đàn áp thô bạo người biểu tình phải bị kỷ luật.

Cô nhìn nhận, đương nhiên, là mệt mỏi vì các cuộc biểu tình nhưng dân Hồng Kông phải đấu tranh, vì muốn Hồng Kông được tự do và dân Hồng Kông muốn biết sự thật.

Đến 9 giờ tối qua, cửa sắt lần lượt được hạ xuống trong lúc các nhóm biểu tình tản ra qua các con lộ chung quanh. Người biểu tình kêu gọi dân cư tại đây đóng cửa sổ để khỏi bị ngạt hơi cay. Cảnh sát Hồng Kông dàn trải cách đó không xa. Lần này Kim và Angy không mang theo mũ bảo hiểm và mặt nạ vì sợ bị cảnh sát bắt giữ.

Lực lượng an ninh và người biểu tình như chơi trò ú tim đêm qua. Nhiều bó hoa được đặt tại cửa vào trạm metro Prince Edward. Nhiều máy rút tiền và cổng an toàn ở trạm Mong Kok bị đập phá trước khi trạm xe này đóng cửa".

Nhân vật số 2 Trung Quốc lên tiếng về Hồng Kông

Tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 06/09/2019 tại Bắc Kinh, thủ tướng Lý Khắc Cường là lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng về khủng hoảng chính trị Hồng Kông.

Đáp lời bà Merkel kêu gọi Trung Quốc "bảo đảm các quyền tự do" cho người dân Hồng Kông và tôn trọng đối thoại như nguyện vọng của trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga, thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh : Hoa Lục "ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông chấm dứt bạo động, bảo đảm cho sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông một cách lâu dài".

Đồng thời thủ tướng Trung Quốc dằn mặt cộng đồng quốc tế rằng "mọi người nên tin tưởng là người dân Trung Quốc đủ khả năng và khôn ngoan để giải quyết những công việc của chính mình".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.