Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Hồng Kông : Bắc Kinh siết chặt gọng kềm với doanh nghiệp

"Chủ nhân một công ty quốc tế lớn tại Hồng Kông từ 50 năm qua xác nhận, hiện nay giới chủ phải vô cùng thận trọng. Một nhận định, thậm chí một câu nói đùa nhiều nghĩa cũng đủ để trở thành mục tiêu bị Bắc Kinh tấn công".

Những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông biểu tình ủng hộ các nhân viên của hãng hàng không Cathay Pacific, ngày 28/08/2019.
Những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông biểu tình ủng hộ các nhân viên của hãng hàng không Cathay Pacific, ngày 28/08/2019. Philip FONG / AFP
Quảng cáo

Tình hình Hồng Kông vẫn chưa thấy lối ra, cuộc đối đầu giữa thủ tướng Boris Johnson và Nghị Viện Anh, cực hữu thắng thế tại khu vực Đông Đức cũ, nạn bạo hành gia đình ở Pháp, bão Dorian hoành hành ở Bahamas, đó là những chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay.

Đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ nhau như thời Cách mạng văn hóa

Mùa nhập trường khởi đầu với các cuộc bãi khóa, đình công : những hỗn loạn trong mùa hè vừa qua lại tiếp diễn. Trong bối cảnh căng thẳng này, và từ khi hãng hàng không Cathay Pacific bị Bắc Kinh cưỡng ép, nhiều công ty lớn ở Hồng Kông lo sợ rằng những sơ suất có thể làm cho báo chí nhà nước, blogger Hoa lục tức giận, thậm chí trực tiếp từ chính quyền trung ương, như trường hợp Cathay.

Trong bài viết « Tại Hồng Kông, gọng kềm của Bắc Kinh siết lại đối với các doanh nghiệp », thông tín viên Le Monde cho biết Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) tuy không phải là chủ quản chính thức của hãng Cathay Pacific, vẫn ra hàng loạt lệnh cấm. Các nhân viên của hãng tham gia hoặc ủng hộ phong trào phản kháng ở Hồng Kông không được phục vụ trong những chuyến bay đến Hoa lục, thậm chí không cho bay ngang không phận Trung Quốc. CAAC còn đòi hỏi các thông tin cá nhân của phi hành đoàn trên các chuyến bay đến Hoa lục, một điều chưa có tiền lệ.

Hôm thứ Tư 28/8, vài trăm nhân viên Cathay đã dám tham gia cuộc biểu tình bày tỏ sự tương thân tuơng ái với các đồng nghiệp đã bị sa thải, mà theo các nghiệp đoàn là ít nhất 20 người. Một nữ tiếp viên bịt kín mặt cho biết, ban giám đốc ra thông cáo yêu cầu phải « chịu trách nhiệm » về những gì viết ra kể cả với tư cách cá nhân, trên Facebook, Instagram. « Tệ hại nhất là đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ nhau, vì có những người đã bị tố cáo. Không khí cứ như thời Cách mạng văn hóa ». Nhiều người đã từ chức. Bất cứ ai có quan điểm trái với đảng sẽ bị trừng phạt hoặc sa thải, và theo một dân biểu của đảng Dân chủ Xã hội, thì đây là thông điệp nguy hiểm không chỉ cho Cathay mà cả với bất kỳ công ty nào có quyền lợi tại thị trường Hoa lục.

Bắc Kinh dằn mặt giới doanh nghiệp qua vụ Cathay Pacific

Chủ nhân một công ty quốc tế lớn tại Hồng Kông từ 50 năm qua xác nhận, hiện nay giới chủ phải vô cùng thận trọng. Một nhận định, thậm chí một câu nói đùa nhiều nghĩa cũng đủ để trở thành mục tiêu bị Bắc Kinh tấn công – một điều chưa từng thấy, trong khi từ nhiều thập niên qua Hồng Kông nổi tiếng là thị trường thuộc loại tự do nhất thế giới.

Cathay Pacific là hãng hàng không đứng đầu thế giới về vận tải hàng hóa, thứ 10 về vận chuyển hành khách. Được thành lập năm 1946, đây là ngọn cờ đầu trong lãnh vực hàng không và là biểu tượng của Hồng Kông. Cổ đông chính là Swire Pacific (45%) do gia tộc Anh cùng tên thành lập và lãnh đạo, nhưng công ty nhà nước Trung Quốc Air China chiếm 29,9% vì Bắc Kinh áp đặt lúc trao trả.

Dù phần vốn ít hơn, rõ ràng Air China đang muốn nuổt chửng Swire Pacific. Ngay cả tổng giám đốc Rupert Hogg và cánh tay mặt của ông là Paul Loo vừa rồi cũng trở thành vật hy sinh. Biện pháp này bị coi là quá đáng vì họ không có bất cứ sai phạm nào. Quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, quyền đình công được bảo đảm bởi Basic Law, tức Hiến pháp Hồng Kông.

Chấm điểm tín nhiệm công ty ngoại quốc

Bên cạnh đó, cũng theo Le Monde, Trung Quốc còn lập ra cơ chế để kiểm soát các công ty ngoại quốc chặt chẽ hơn.

Không chỉ chấm « điểm tín nhiệm » cho công dân, Trung Quốc chuẩn bị lập ra một cơ chế đánh giá « tín nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp » kể từ năm 2020, coi như nắm quyền sinh sát với mỗi công ty. Một tập đoàn đa quốc gia sẽ được xem xét trong khoảng 30 lãnh vực, theo 300 tiêu chí khác nhau.

Một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã bị phá sản hay có hành động gian đối đã bị cấm bay trong nội địa hay một số tuyến tàu cao tốc. Theo ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu, như vậy các công ty châu Âu sẽ phải kiểm soát thái độ của nhân viên, trong khi đây là điều cấm kỵ. Ngay cả những công ty không có trụ sở tại Hoa lục cũng bị ảnh hưởng, mà việc Bắc Kinh đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ tham gia chương trình chiến đấu cơ F-16 bán cho Đài Loan, là một ví dụ.

GS Cabestan : Chính quyền cần chấp nhận thương lượng với người biểu tình

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhận định « Bắc Kinh và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cần phải chấp nhận thương lượng thực sự với những người phản kháng ».

Bắc Kinh tăng cường áp lực tâm lý qua việc dàn quân ở Thâm Quyến, phía bắc Hồng Kông. Theo giáo sư Cabestan, sẽ không có việc quân đội Trung Quốc can thiệp, trừ phi tình hình trở nên không quản lý nổi. Cảnh sát đặc khu có đầy đủ các phương tiện để lập lại trật tự, hơn nữa đã bắt trên 900 người biểu tình kể từ tháng Sáu. Bà Lâm còn nêu ra khả năng áp đặt tình trạng khẩn cấp và ra lệnh kiểm duyệt.

Sau một weekend náo loạn vừa rồi, khó thể đoán được tình hình sẽ diễn biến ra sao. Tất cả còn tùy thuộc vào khả năng của bà Lâm, và phía sau là Bắc Kinh, chấp nhận một cuộc thương lượng thực sự giữa chính quyền đặc khu và phong trào phản kháng, và mỗi bên phải nhượng bộ một chút. Việc chấp nhận hai yêu sách đầu tiên, là rút lại dự luật dẫn độ và điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát sẽ giúp giải tỏa được tình hình. Nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hầu như không thể làm được gì, vì Tập Cận Bình phản đối mọi nhượng bộ đối với người biểu tình.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp : Không đối thoại với « nổi dậy »

Quả vậy, trên trang Ý kiến cũng của Le Figaro, tân đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) khẳng định « Trung Quốc không đối thoại với phe nổi dậy ».

Cho rằng những người phản kháng đều dùng bạo lực, ông đại sứ than phiền rằng báo chí Pháp hầu như không đưa tin về cuộc biểu tình của những người thân Bắc Kinh, trong khi các cuộc xuống đường của những người đòi dân chủ được truyền trực tiếp. Ông cũng coi việc Twitter, Facebook và YouTube khóa một số tài khoản dư luận viên là « không có tự do ngôn luận ». Lô Sa Dã cho rằng Bắc Kinh « luôn tôn trọng » nguyên tắc « nhất quốc lưỡng chế », còn nếu chỉ đòi « lưỡng chế » mà bác bỏ « nhất quốc » là vi phạm chủ quyền Trung Quốc.

Donald Trump : Trung Quốc sẽ phải quy hàng

Về thương chiến Mỹ-Trung, Les Echos cho biết ông « Donald Trump tự tin vào việc sẽ làm Bắc Kinh phải quy hàng ».

Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz mới đây, tổng thống Mỹ cho rằng cuộc chiến tranh thương mại trước sau gì cũng phải xảy ra, và hôm Chủ nhật ông tái khẳng định « chúng tôi sẽ chiến thắng ». Theo ông, chính Quỹ dự trữ liên bang mới là nguyên nhân của việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chứ không phải do thương chiến với Trung Quốc.

Về phía Bắc Kinh, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm, nên chính quyền đang tính đến các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế như tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường vốn, và một loạt biện pháp kích cầu khác.

Doanh nghiệp thích ứng với « hậu toàn cầu hóa »

Trong bài xã luận « Hậu toàn cầu hóa », Les Echos nhận định, không còn ai nghi ngờ rằng cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài, và lối thoát vẫn bất định.

Thế giới đã đổi thay, tự do mậu dịch trở thành cấm kỵ, ngay cả phe Dân Chủ cũng không còn bảo vệ. Cử tri Mỹ không còn muốn nhìn thấy các nhà máy ở miền trung tây phải đóng cửa để giúp làm nổi lên giai cấp trung lưu ở Hoa lục.

Giới kinh doanh Mỹ bắt đầu ý thức được sự thay đổi này. Thấy rằng quá bị lệ thuộc vào Trung Quốc, một số ông chủ cân nhắc nhiều hướng. Chẳng hạn kéo dài thời gian làm việc trong các nhà máy Mỹ để giảm bớt sản lượng tại Trung Quốc, hoặc dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, sang Mêhicô.

Trước mắt thì tương đối dễ, nhưng về lâu về dài liệu có phải di chuyển nhà máy, thay đổi nhà cung cấp, tổ chức lại dây chuyền sản xuất và chi phí người tiêu dùng phải gánh ? Bây giờ là lúc để doanh nghiệp phải thích ứng với môi trường mới. Họ sẽ tăng trưởng chậm hơn, có lợi nhuận ít hơn, nhưng sẽ phải hòa nhập, và các nhà đầu tư cũng vậy. Họ không có chọn lựa : cần phải biết sáng tạo trong thời kỳ hậu toàn cầu hóa.

Trung Quốc hay Châu Âu ? Nga cần chọn lựa

Liên quan đến châu Âu, trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard nhận xét « Giữa Trung Quốc và Châu Âu, Nga phải chọn lựa ». Khi tiếp ông Vladimir Putin tại Brégançon hôm 19/8 và thúc đẩy tái thương lượng về Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần đối thoại thay vì cô lập Nga. Nhưng liệu điện Kremlin có sẵn sàng nắm lấy bàn tay đang chìa ra của Pháp hay không ?

Theo tác giả, không nên ảo tưởng. Nga sẽ không bao giờ trả lại Crimée, bán đảo đã bị sáp nhập tháng 3/2014. Đa số dân tại đây cảm thấy gần với Nga hơn là Ukraina, còn đối với người dân Nga, họ luôn coi Sébastopol là một cảng của Nga. Matxcơva cũng đã xây dựng một cây cầu khổng lồ vượt qua eo biển Kertch để nối liền với Crimée.

Nhưng việc ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraina và chiếm đa số trong Quốc Hội đã mở ra một cơ hội để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass đã làm hơn 10.000 người chết. Đưa việc thương thảo với Nga lên hàng đầu, ông Zelensky có đủ quyền lực để nhượng bộ. Putin có thể đòi Kiev ra luật ân xá cho quân ly khai – do Nga xúi giục, trang bị vũ khí - và cho sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính ở vùng này, nhưng tổng thống Ukraina có lẽ sẽ không bao giờ cho phép Donbass tự trị. Liệu tổng thống Nga có để cho các tàu Ukraina được tự do đi qua eo biển Kertch để đến cảng Marioupol ?

Đây là những nhượng bộ không đáng kể, nhưng sẽ giúp cải thiện quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Putin biết rằng Trung Quốc rất riết róng trong việc làm ăn, đã bắt chẹt Matxcơva phải hạ giá dầu đến 20% với cái cớ « tình hữu nghị ». Ông cảm nhận được Bắc Kinh đang dòm ngó vùng Xibêri. Nga chưa bao giờ thoải mái trong quan hệ với Trung Quốc, trong khi nếu hội nhập vào châu Âu thì đây chính là giấc mơ của tầng lớp tinh hoa trẻ tuổi Matxcơva.

Ông Putin sẽ phải chọn lựa, hoặc hướng về một mô hình toàn trị theo kiểu Trung Quốc, hoặc xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Ông sẽ tìm kiếm bạn bè ở Bắc Kinh, hay Paris, Berlin ? Lãnh đạo là chọn lựa, và đây là lúc mà tổng thống Nga phải biết lựa chọn.

Không thể để mọc lên một bức tường Berlin mới

Tại Đức, trong bài xã luận mang tựa đề « Tránh một bức tường mới », Le Monde nhận định thắng lợi của đảng cực hữu AfD tại hai bang Brandenburg (Brandebourg) và Sachsen (Saxe) thuộc Đông Đức cũ, là rất đáng ngại trong lúc nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.

Ở các bang Đông Đức cũ, cư dân già đi nhanh hơn Tây Đức, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, thu nhập bình quân trên đầu người thấp hơn, và chỉ có 37/500 công ty lớn nhất nước đặt trụ sở chính tại đây. Một ví dụ nữa là trong số 17 bộ trưởng của chính phủ liên bang, chỉ có một mình bà Angela Merkel có đơn vị bầu cử ở Đông Đức.

Theo Le Monde, ba thập niên sau khi thống nhất đất nước, Đức không thể để mọc lên một bức tường mới, không thể để mặc cho một sự rạn vỡ về dân chủ.

Nhà nghiên cứu về tội ác Stalin ra tòa

Còn tại Nga, thông tín viên La Croix nói về « Phiên tòa đáng ngại dành cho nhà sử học Nga Iouri Dimitriev », người đã dành 30 năm để nghiên cứu các vụ đàn áp đại quy mô của Stalin.

Nhà nghiên cứu này đã lập được danh sách 40.000 người bị hành quyết hoặc lưu đày trong thời kỳ Stalin. Ông còn phát hiện ra ngôi mộ tập thể ở Sandarmokh giữa một khu rừng lạnh giá, nhận dạng được 6.214 nạn nhân. Dimitriev bị cáo buộc ấu dâm trong một vụ án được cho là hoàn toàn dàn dựng, và mặc dù năm ngoái đã được trắng án, ông lại bị bắt vào tù với cái cớ có những « bằng chứng » mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.