Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BÁO CHÍ

Một nhà báo bị Bắc Kinh trục xuất vì bài viết về em họ Tập Cận Bình

Một nhà báo của Wall Street Journal làm việc tại Trung Quốc bị trục xuất vì bài viết về em họ của ông Tập Cận Bình, tin này được Bắc Kinh và tờ báo Mỹ xác nhận hôm nay 30/08/2019.

Ảnh minh họa: Nhà báo Ursula Gauthier (G) của tuần báo L'Obs, bị trục xuất khỏi Bắc Kinh ngày 31/12/2015.
Ảnh minh họa: Nhà báo Ursula Gauthier (G) của tuần báo L'Obs, bị trục xuất khỏi Bắc Kinh ngày 31/12/2015. AFP PHOTO / FRED DUFOUR
Quảng cáo

Vương Xuân Hàn (Chun Han Wong), công dân Singapore, là phóng viên thường trú tại Bắc Kinh từ năm 2014. Hồi tháng Bảy, ông cùng với đồng nghiệp Philip Wen viết bài về cuộc điều tra của chính quyền Úc nhắm vào Tề Minh (Ming Chai), em họ của chủ tịch Trung Quốc. Cha Tề Minh là Tề Nhuệ Tân (Qi Ruixin), em ruột của bà Tề Tâm (Qi Xin), mẹ của Tập Cận Bình.

Wall Street Journal khẳng định, ông Tề Minh nằm trong tầm ngắm của tình báo Úc, trong khuôn khổ một cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức, rửa tiền và buôn người, có liên quan đến Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Dow Jones, cơ quan chủ quản Wall Street Journal cho AFP biết, chính quyền Trung Quốc từ chối gia hạn thẻ nhà báo của Vương Xuân Hàn, như vậy trên thực tế là ông bị trục xuất vì sẽ không thể xin được giấy phép cư trú.

Về phía bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : « Chúng tôi kiên quyết phản đối việc một số nhà báo nước ngoài vu khống, tấn công Trung Quốc một cách ác ý. Kiểu nhà báo này không được chào đón ».

Trung Quốc từng hành động tương tự đối với nhiều nhà báo ngoại quốc. Cựu thông tín viên tại Bắc Kinh của báo mạng Mỹ BuzzFeed, cô Megha Rajagopalan năm ngoái không được gia hạn thẻ cư trú. Cô chuyên viết về nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Nhà báo Ursula Gauthier của tuần báo Pháp L’Obs năm 2015 cũng đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc, với cáo buộc « cổ vũ cho các hành động khủng bố » ở Tân Cương.

Một cuộc thăm dò do Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) tiến hành với 109 nhà báo, khẳng định « các điều kiện khi đi làm phóng sự tại Trung Quốc là tệ hại nhất trong lịch sử đương đại ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.