Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Vụ Cathay Pacific, Bắc Kinh càng lộ rõ bộ mặt độc đoán

Trong lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ đang tiếp diễn gay gắt, Trung Quốc cố chiêu dụ giới doanh nhân nước ngoài. Bắc Kinh đã hứa đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Thế nhưng mới đây, với vụ tấn công vào hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông là Cathay Pacific, Trung Quốc đã cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác.

Một chiếc Boeing 777 của hãng Cathay Pacific đáp xuống sân bay Hồng Kông khi phi trường mở cửa trở lại sau xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh ngày 14/08/2019.
Một chiếc Boeing 777 của hãng Cathay Pacific đáp xuống sân bay Hồng Kông khi phi trường mở cửa trở lại sau xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh ngày 14/08/2019. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Trong bài “Vì sao việc Trung Quốc tấn công vào hãng Cathay Pacific sẽ làm các tập đoàn nước ngoài hoảng sợ” công bố hôm 22/08/2019, tuần báo Anh The Economist đã phân tích lại những đòn hiểm mà Bắc Kinh đã dùng để tấn công hãng hàng không Hồng Kông về tội đã để cho nhân viên đình công ủng hộ phong trào dân chủ đang bùng lên ở đặc khu. Tờ báo Anh cho rằng: “Trung Quốc có thể thao túng được các ban điều hành doanh nghiệp, nhưng sẽ tự hại mình với chiến thuật gây sức ép”.

Không được làm phật ý Bắc Kinh !

Ghi nhận đầu tiên của The Economist là trong vụ Cathay Pacific, Trung Quốc cho thấy rõ chủ trương cứng rắn đối với những tập đoàn nước ngoài làm Bắc Kinh phật ý, công kích lãnh đạo các tập đoàn đó, buộc họ phải phục tùng, không khác gì như các công ty nội địa. Các công ty ở Hồng Kông đang trong tầm nhắm, nhưng theo tuần báo Anh, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc sẽ dừng lại ở các công ty Hồng Kông.

Với 26.000 nhân viên ở Hồng Kông, Cathay lúc đầu giữ thái độ trung lập trước các cuộc biểu tình. Như lời của vị chủ tịch tập đoàn này, có mơ họ cũng không dám nghĩ đến việc bắt nhân viên phải suy nghĩ theo một chiều hướng nhất định. Thế nhưng thái độ cứng cỏi của nhân vật này đã giảm đi khi áp lực từ Trung Quốc gia tăng.

Khi cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc, một cách phi lý, cho rằng hãng Cathay đã lâm vào tình trạng mất an toàn khi nhân viên của hãng tham gia phong trào phản kháng, biểu tình. Và Cathay Pacific đã loại bỏ vị giám đốc điều hành của mình.

Một bầu không khí sợ hãi đang bao trùm lên tập đoàn Cathay. Các thanh tra viên Trung Quốc đã khám xét điện thoại của nhân viên phi hành đoàn để tìm kiếm tài liệu chống Bắc Kinh.

The Economist cho rằng các tập đoàn khác có thể tự trấn an khi nghĩ chỉ có Cathay là dễ bị Trung Quốc thao túng do đặc thù của tập đoàn này. Cho dù là hãng bay quốc tế lớn nhất Châu Á, một địch thủ đáng gờm trong bảng xếp hạng các hãng hàng không tốt nhất thế giới, nhưng số phận của Cathay gần như hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc. 70% hàng hóa và hành khách đều băng qua không phận Trung Quốc. Cổ đông lớn nhất của Cathay là Swire Pacific, một tập đoàn mà trụ sở ở Hồng Kông nhưng lợi ích lại nằm ở Trung Quốc, từ nước giải khát cho đến bất động sản. Và các lãnh đạo của Swire dường như đã đi đến kết luận là kháng cự lại Bắc Kinh sẽ là một hành động tự sát của tập đoàn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của The Economist, Cathay không phải là một trường hợp cá biệt, mà nằm trong một danh sách các tập đoàn nước ngoài bị Bắc Kinh liệt vào diện “không phải đạo”. Thường khi biện pháp tháo gỡ sức ép (của họ) khá đơn giản nếu không muốn nói là buồn nôn. Một loạt nhãn hiệu hàng sang trọng nổi tiếng, Versace, Coach, Givenchy đã phải rạp mình xin lỗi vì đã cho bán những chiếc T-shirt mà trên đó đã in chữ Hồng Kông – Hồng Kông, chứ không phải là Hồng Kông – Trung Quốc. Cách viết Hồng Kông – Hồng Kông bị cho là có ý tách rời Hồng Kông khỏi Trung Quốc.

Lợi ích càng gắn bó với Trung Quốc thì càng đáng ngại

Đối với The Economist, nhìn chung, tập đoàn nước ngoài có lợi ích càng gắn bó với Trung Quốc thì họ càng phải lo sợ. Tuần báo Anh đã nêu bật ví du của ngân hàng HSBC.

HSBC là một ngân hàng lớn của Châu Âu, nhưng đã bị Trung Quốc gây sức ép vì đã chia sẻ thông tin với Mỹ, giúp Mỹ lập hồ sơ về vụ gian lận của giám đốc tài chính Hoa Vi. Với chiến lược phát triển ở Trung Quốc, HSBC không thể để mình bị Bắc Kinh liệt vào danh sách đen, và trong tháng này đã bãi nhiệm cả tổng giám đốc của ngân hàng lẫn lãnh đạo của đơn vị phụ trách Trung Quốc. Dĩ nhiên là HSBC đã phủ nhận việc quyết định của họ có liên quan đến hồ sơ Hoa Vi.

Tình trạng khó khăn của Cathay, cho thấy tại sao hội đồng quản trị các doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng lo lắng hơn về sự tức giận của Trung Quốc. Mối lo ngại chính cho đến nay là thường là quyết định tẩy chay của người tiêu dùng, được truyền thông nhà nước kích động. Những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà bán lẻ Hàn Quốc đã bị tổn hại vì những hành động này, nhưng doanh số của họ tại Trung Quốc thường phục hồi lại sau một vài quý.

Cuộc tấn công vào Cathay Pacific lần này đã đi xa hơn. Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc  tuyên bố hãng Cathay không an toàn, chi nhánh quốc tế của ngân hàng công thương Trung Quốc ICBC thì khuyến nghị bán cổ phần của Cathay đi, còn ngân hàng CITIC đã quyết định tẩy chay hãng hàng không Hồng Kông.

Những lời cảnh báo không có cơ sở của các định chế điều hòa kể trên đã cho tất cả các công ty Trung Quốc một cái cớ để tẩy chay Cathay. Dù không được biết đến nhiều ở ngoại quốc, nhưng các ngân hàng Trung Quốc vừa kể đang hoạt động khắp thế giới. ICBC là ngân hàng lớn nhất hành tinh nếu căn cứ vào tài sản, còn CITIC là một trong những tập đoàn nhà nước Trung Quốc có tính chất toàn cầu mạnh nhất.

Kết luận của The Economist rất gay gắt: Sử dụng các công ty nhà nước làm công cụ tấn công đã nêu rõ tính dối trá trong lập luận của Trung Quốc theo đó họ đang quản lý theo nguyên tắc của thị trường. Việc biến các cơ quan quản lý thành vũ khí đã làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc muốn đóng một vai trò quốc tế lớn hơn.

Cơ quan giám sát hàng không Trung Quốc gần đây đã giành được sự tôn trọng khi đi đầu trong việc cấm bay loại phi cơ bị sự cố Boeing 737 MAX. Thế nhưng lời cảnh báo cơ quan này đưa ra về hãng hàng không Cathay Pacific lại mang dáng dấp một thủ đoạn chính trị.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo The Economist, có thể buộc được các công ty nước ngoài tuân thủ đường lối của Bắc Kinh về Hồng Kông. Nhưng trong quá trình ép buộc, Trung Quốc đã cho thấy  rõ bản chất thực sự của mình.

Cường độ và quy mô tấn công vào Cathay Pacific càng gây lo ngại

Trong một bài viết khác, The Economist đã cho rằng đòn tấn công của Bắc Kinh vào Cathay Pacific gây lo ngại nơi các công ty đa quốc gia tại Hồng Kông do quy mô và cường độ dữ dội chưa từng thấy.

Theo tuần báo Anh, cho đến gần đây, các công ty đa quốc gia ở Hồng Kông đã hoạt động với ảo tưởng được Đảng Cộng Sản Trung Quốc nuôi dưỡng là Bắc Kinh sẽ không can thiệp (quá nhiều) vào đặc khu này. Niềm tin đó, vốn đã bị lung lay do nhiều tuần lễ biểu tình chính trị chống lại chính quyền thân Bắc Kinh, nay lại bị chấn động do cách đối xử thô bạo của Trung Quốc đối với Cathay Pacific, một hãng hàng không có trụ sở tại Hồng Kông.

Các tập đoàn đa quốc gia có lý khi lo ngại. Cuộc tấn công vào Cathay là điều chưa từng thấy cả về tốc độ và phạm vi của nó.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt lên tiếng đả kích Cathay, trong lúc các mạng xã hội tràn ngập những lời phẫn nộ kêu gọi tẩy chay hãng hàng không Hồng Kông. Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã loan báo việc ông Rupert Hogg, lãnh đạo Cathay Pacific từ chức nửa tiếng đồng hồ trước thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi Cathay được yết giá. Ngay cả khi ông Hogg đã từ chức, tờ  Hoàn Cầu Thời Báo còn tiếp tục tố cáo Cathay là “thờ ơ” trong việc kỷ luật “các nhân viên cực đoan” của mình.

Nhưng đáng ngại hơn chính là các áp lực kinh tế có phối hợp đồng thời chồng chất lên công ty.

Thế lưỡng nan

Theo The Economist, vụ Bắc Kinh tấn công Cathay khiến nêu bật mâu thuẫn mà các công ty đa quốc gia ở Hồng Kông làm ăn tại Hoa Lục phải đối mặt: Làm hài lòng cả Trung Quốc độc tài lẫn nhân viên yêu dân chủ của họ ở Hồng Kông.

Một nhà quản lý trái phiếu tư nhân nước ngoài tại Hồng Kông nói rằng các công ty đang phải đi trên vỏ trứng.

Một cựu nhân viên tại một công ty luật lớn của phương Tây nói rằng phong trào biểu tình sẽ không được thảo luận tại nơi làm việc vì sợ làm phiền các đồng nghiệp và khách hàng Đại Lục. Nhà tuyển dụng địa phương của tập đoàn Finnair đã cảnh báo phi hành đoàn của hãng hàng không Phần Lan rằng họ có thể bị cấm bay nếu họ liên kết tên công ty với các cuộc biểu tình trên phương tiện truyền thông xã hội.

Mới đây, các lãnh đạo tại Hoa Lục của một doanh nghiệp nhà nước lớn đã nói với các đồng nghiệp thuộc công ty con ở Hồng Kông rằng họ muốn thuê thêm nhân viên, nhưng tất cả sẽ phải được xét duyệt để đảm bảo sao cho không có ai đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

Nhiều người ở Hồng Kông đã chỉ trích thái độ quỵ lụy Trung Quốc như vậy. David Webb, một nhà đấu tranh đồng thời là một nhà đầu tư được kính trọng, đã gọi những nhượng bộ của Cathay, là một hành vi khấu đầu trước Bắc Kinh đáng chê trách nhất. Đối với nhân vật này, những lời kêu gọi đáng xấu hổ của Cathay đã gây thiệt hại lớn cho thương hiệu này.

Hôm 20 tháng 8, Jeremy Tam, một phi công Cathay, cũng là một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, cho biết ông đã rời khỏi hãng hàng không. Trước đó một ngày, một quảng cáo trên báo của các nhân viên địa phương thuộc 4 hãng kế toán quốc tế lớn Del Delo, Ernst & Young, KPMG và PwC, đã phê phán các chi nhánh ở Hồng Kông của các hãng này là đã làm ngơ trước phong trào phản kháng. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đòi các hãng này là phải điều tra xem ai đã chủ trương đăng bài quảng cáo đó và sa thải các thủ phạm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.