Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

‘‘Người nhện Pháp’’ leo tháp treo cờ, kêu gọi Hoa lục-Hồng Kông hòa giải

Ông Alain Robert hôm qua, 16/08/2019, đã leo lên đỉnh tháp Cheung Kong Center, cao 68 tầng, hoàn toàn bằng tay không. Leo đến đỉnh tháp, « người nhện Pháp » treo một lá cờ biểu tượng cho sự hòa giải Hoa Lục - Hồng Kông.

Người nhện Alain Robert leo tháp Cheung Kong Center Hong Kong, 16/08/2019.
Người nhện Alain Robert leo tháp Cheung Kong Center Hong Kong, 16/08/2019. @REUTERS/Ann Wang
Quảng cáo

Thời tiết nóng và ẩm sáng thứ Sáu đã không cản nổi « người nhện » 57 tuổi leo lên đỉnh tòa nhà chọn trời, mà không dùng bất cứ phương tiện bảo hiểm nào. Lá cờ mà Alain Robert treo trên tháp là hai cờ Trung Quốc và Hồng Kông ghép lại, bên dưới là hai bàn tay siết chặt. Hình ảnh người nhện Pháp trên tháp cao được loan truyền rộng rãi trên truyền thông.

Chuyến leo tháp của người nhện Pháp diễn ra trong bối cảnh từ nhiều tuần nay, phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, chống lại lãnh đạo thần phục Bắc Kinh, bùng phát sau khi chính quyền định thông qua dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, không có dấu hiệu lắng xuống. Các đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông xảy ra ngày càng nhiều. Căng thẳng tăng cao với cuộc chiếm lĩnh sân bay quốc tế cuối tuần trước. Trong lúc đó, cảnh sát vũ trang Trung Quốc tập hợp đông đảo tại thành phố Thâm Quyến, đối diện Hồng Kông, Bắc Kinh nhiều lần để lộ khả năng sẵn sàng dùng vũ lực can thiệp.

Trước khi bắt đầu cuộc leo tháp mạo hiểm, ông Alain Robert công bố một thông điệp, giải thích : quyết định leo tháp Hồng Kông của ông là để phát đi « lời kêu gọi đối thoại khẩn cấp giữa người dân Hồng Kông và chính quyền ». Ông bày tỏ hy vọng hành động này sẽ góp phần hạ nhiệt căng thẳng, giúp nụ cười trở lại trên môi người dân Hồng Kông.

Theo mạng franceinfo, thông điệp mang thiện chí rõ ràng cùng với hành động quả cảm trên tuy nhiên đã không thuyết phục được tất cả mọi người. Nhà biếm họa Trung Quốc Badiucao, tị nạn tại Úc, bình luận : « Liệu ông có thực sự muốn bắt tay những kẻ độc tài, đao phủ ? ». Một dân mạng khác nhận xét : « Điều này cho thấy nhiều người nước ngoài không hề hiểu gì về gốc rễ của vấn đề tại Hồng Kông và Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.