Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Dồn dập thử tên lửa : Bình Nhưỡng mất kiên nhẫn ?

Trong vòng chưa đầy 10 ngày, Bắc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí từ tên lửa tầm ngắn, đạn rốc-két đến vũ khí chiến thuật mới, dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong Un (ngày 25/07, 31/07 và 02/08/2019). Theo giới phân tích, đây là một lời nhắc nhở về những cam kết mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng là một lời cảnh báo đến Hàn Quốc.

Tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/07/2019, truyền hình chiếu cảnh một tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên được bắn đi.
Tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/07/2019, truyền hình chiếu cảnh một tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên được bắn đi. REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Các vụ bắn thử tên lửa và vũ khí mới được tiến hành trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung khai diễn hôm nay. Với Bình Nhưỡng, những cuộc tập trận này là « những sáng kiến nguy hiểm và thù địch, đi ngược lại với những tiến triển hướng đến hòa bình đang diễn ra trên bán đảo ».

Một mặt, Bình Nhưỡng muốn bắn đi một thông điệp đến Washington nhằm nhắc nhở rằng tại cuộc gặp thượng đỉnh Bàn Môn Điếm hôm 30/06/2019, tổng thống Mỹ đã tái khẳng định cam kết ngưng các « trò chơi chiến tranh ». Một lời hứa mà Donald Trump từng đề cập đến tại thượng đỉnh Singapore.

Mặt khác, theo phân tích của giới chuyên gia được báo Le Monde (05/08/2019) trích dẫn, các vụ bắn thử tên lửa này còn nhắm vào Seoul, không chỉ trong vấn đề quân sự mà cả về kinh tế.

Việc quân đội Hàn Quốc trang bị thêm hai chiến đấu cơ tàng hình F-35 tối tân đã khiến Bắc Triều Tiên quan ngại, đánh giá là « cực kỳ nguy hiểm ». Do vậy, việc bắn thử tên lửa theo nhiều quỹ đạo khác nhau dường như cho phép Bình Nhưỡng phá tan những nghi vấn về độ vững chắc của hệ thống phòng không Hàn Quốc.

Sự việc cũng cho thấy Bắc Triều Tiên tỏ ra « mất kiên nhẫn » và cảm thấy bị « hụt hẫng » trước tiến độ hợp tác kinh tế liên Triều. Kể từ khi căng thẳng trên bán đảo hạ nhiệt bắt đầu từ năm 2018, giao thương giữa hai miền chỉ giới hạn ở những hành động mang tính biểu tượng, như gặp gỡ giữa các vận động viên thể thao, tổ chức hòa nhạc hay một số dự án nhân đạo.

Nhà nghiên cứu Andrei Lankov, trường đại học Kookmin tại Seoul, nhận định trên báo Le Monde rằng « Bình Nhưỡng muốn tái khởi động lại khu công nghiệp phức hợp Kaesong và nhiều dự án kinh tế. Nói một cách khác, Bình Nhưỡng cần Seoul bơm một số vốn đầu tư đáng kể vào nền kinh tế nước này ».

Dù hụt hẫng, mất kiên nhẫn, nhưng có một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng dường như cũng không dám đi quá đà « chọc tức Washington ». Phản ứng trước các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, tổng thống Donald Trump cho rằng các cuộc thương lượng về phi hạt nhân hóa không bị ảnh hưởng gì, vì tên lửa bắn đi chỉ là « tầm ngắn ». Ông nói : « Chúng tôi chưa bao giờ nói thảo luận về tên lửa này. Chúng tôi chỉ nói đến hạt nhân ». Một lời an ủi, vỗ về chăng ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.