Vào nội dung chính
CHÂU Á - HỒNG KÔNG

Hồng Kông : Bất chấp trấn áp, người dân tiếp tục biểu tình

Chính quyền Hồng Kông phải đối mặt với hai ngày cuối tuần đầy căng thẳng do phong trào phản đối ngày càng lan rộng. Ngay tối thứ Sáu 02/08/2019, lần đầu tiên, khoảng 40.000 nhân viên ngành y tế đã tuần hành ở khu tài chính Hồng Kông để lên án bạo lực cảnh sát. Nhiều cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra trong hai ngày cuối tuần 03 và 04/08.

Cuộc tuần hành tại khu Mongkok, Hồng Kông, chống luật dẫn độ ngày 03/08/2019.
Cuộc tuần hành tại khu Mongkok, Hồng Kông, chống luật dẫn độ ngày 03/08/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Cuộc tuần hành đầu tiên diễn ra chiều 03/08 tại khu thương mại sầm uất Mongkok, từng là nơi đối đầu giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014. Hai cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra vào Chủ Nhật 04/08, trên đảo Hồng Kông và khu vực Tướng Quân Áo (Tseung Kwan O). Một cuộc tổng đình công được dự kiến diễn ra thứ Hai 05/08 cùng với nhiều cuộc tập hợp ở 7 địa phương.

Đặc phái viên RFI Liu Zhifan, có mặt trong đoàn tuần hành ở Mongkok:

Các nhà tổ chức cuối cùng cũng được phép tổ chức tuần hành ở Mongkok, một khu phố thương mại rất sầm uất và có nhiều phố nhỏ. Cuộc tuần hành không được phép kéo dài quá 30 phút.

Ban tổ chức hy vọng có khoảng 3.000 người tham gia dù trời đang mưa tầm tã ở trung tâm thể thao, nơi xuất phát cuộc tuần hành.

Trước đó, một số người lên phát biểu để nêu rõ những yêu cầu của người biểu tình, như phải rút hẳn dự luật dẫn độ sang Hoa lục, thành lập một ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát.

Cuộc tuần hành hôm nay (03/08) là bước tiếp của cuộc tuần hành tối thứ Sáu 02/08 của giới công chức với hơn 40.000 người tham gia.

Người dân Hồng Kông muốn chứng minh cho chính phủ rằng trong hoàn cảnh khó khăn họ vẫn đoàn kết. Chính vì vậy, chiều nay (03/08), họ lại tiếp tục xuống đường.

Theo đặc phái viên Liu Zhifan, nhân viên ngành y tế muốn lên án cảnh sát lạm quyền và vi phạm đời tư của bệnh nhân. Trả lời phóng viên của RFI, bác sĩ Tony Hung, chuyên khoa X quang, lo ngại việc cảnh sát tự tiện vào bệnh viện truy tìm bệnh nhân bị tình nghi tham gia biểu tình, cũng như tình trạng quá tải ở các bệnh viện sau các cuộc trấn áp của cảnh sát.

Ngoài bạo lực cảnh sát, mafia Hồng Kông cũng được huy động hành hung người biểu tình. Vào cuối tuần trước, Reuters tiết lộ một quan chức Hồng Kông thuộc Phòng Liên lạc Bắc Kinh đã xúi giục người dân ở một vùng ngoại ô tấn công người biểu tình.

Vài ngày sau, hàng trăm người cầm gậy đánh đập người biểu tình và phóng viên ở ga tầu điện Nguyên Lãng (Yuen Long) hôm 21/07. Tuy nhiên, trước sức ép của Bắc Kinh, nhà cung cấp thông tin tài chính Refinitiv đã phải rút bản tin của hãng tin Anh phát hành tại Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.