Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Bình Nhưỡng vẫn khiêu khích Mỹ ở mức độ vừa phải

Bắc Triều Tiên đã ba lần bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tháng 5/2019 đến nay. Sau hai lần giảm thiểu tầm mức của hành vi khiêu khích nói trên, lần này chính quyền Trump sẽ phản ứng ra sao ?

Một vụ phóng tên lửa tầm ngắn tại Bắc Triều Tiên. Ảnh KCNA đưa lên ngày 26/07/2018.
Một vụ phóng tên lửa tầm ngắn tại Bắc Triều Tiên. Ảnh KCNA đưa lên ngày 26/07/2018. AFP PHOTO/KCNA VIA KNS
Quảng cáo

Càng gần đến đợt tập trận chung Mỹ- Hàn dự trù mở ra từ Thứ Hai tuần tới và sẽ kéo dài 16 ngày, nhịp độ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa càng có vẻ dồn dập hơn. Truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết đích thân ông Kim Jong Un đã giám sát vụ bắn hai tên lửa hôm 25/07/2019 và khẳng định đó là một lời cảnh cáo nhắm vào láng giềng phương nam. Bình Nhưỡng bất bình vì Seoul mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và đang chuẩn bị tập trận chung với Hoa Kỳ.

Thế nhưng, chưa đầy một tuần sau, Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa về phía biển Nhật Bản, mà Seoul và Bình Nhưỡng còn gọi là Biển Đông Triều Tiên. Chính quyền Kim Jong Un chưa lên tiếng về hành vi khiêu khích mới này, nhưng vụ phóng hỏa tiễn sáng nay diễn ra đúng vào lúc ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đặc sứ Hoa Kỳ về hạt nhân Bắc Triều Tiên Stephen Biegen đang có mặt tại Bangkok dự diễn đàn an ninh với các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên thì vắng mặt trong sự kiện ngoại giao diễn ra tại thủ đô Thái Lan.

Thêm vào đó, cách nay hai ngày, một quan chức Bắc Triều Tiên được đài truyền hình Mỹ CNN trích dẫn cho biết đã thông báo với Nhà Trắng rằng đối thoại Mỹ- Bắc Triều Tiên về hạt nhân "sắp được nối lại trong tương lai không xa". Nhưng đến hôm 30/07/2019, trên đường đến họp tại Bangkok, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Pompeo lại không mấy lạc quan nói rằng ông "không biết khi nào" đôi bên sẽ gặp lại nhau và hy vọng rằng thời gian chờ đợi sẽ "không quá lâu". Đồng thời ngoại trưởng Mỹ thận trọng cho rằng tiến trình đàm phán "đòi hỏi thời gian".

Về phần đặc sứ Hoa Kỳ về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Stephen Biegen, cho biết cuối tháng 6/2019, khi Donald Trump bắt tay Kim Jong Un tại đường biên giới Liên Triều, nguyên thủ hai nước đã cam kết nối lại đàm phán trong "một vài tuần lễ nữa". Một tháng đã trôi qua. Đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng không mấy tiến triển.

Cũng tuần trước, truyền thông Bắc Triều Tiên cho hay đích thân ông Kim Jong Un đã đến thị sát một chiếc tàu ngầm mới có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn phát triển chương trình tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm.

Vậy phải tất cả các động thái nói trên là dấu hiệu cho thấy Kim Jong Un đã hết kiên nhẫn ?

Thứ nhất Bình Nhưỡng từng đe dọa rằng đợt tập trận chung Mỹ -Hàn lần này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy vậy, theo giám đốc viện nghiên cứu Mỹ về Bắc Triều Tiên,  Jeong Young Tae, được hãng tin AP trích dẫn, tới nay, Bình Nhưỡng chỉ bắn tên lửa tầm ngắn, tránh để hành động khiêu khích đi quá xa, vĩnh viễn đóng cửa đối thoại với Donald Trump ở Nhà Trắng.

Vẫn theo chuyên gia này, mục tiêu thứ nhì mà Bắc Triều Tiên nhắm tới là chỉ gây sức ép một cách vừa phải để thúc giục Washington "quay trở lại đàm phán và dễ chấp nhận một số đòi hỏi của Bình Nhưỡng hơn". Bằng chứng rõ rệt nhất là tên lửa được thử nghiệm hôm nay có tầm bay thấp hơn so với hồi tuần trước. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có lẽ chỉ muốn gây áp lực với Mỹ, nhưng tránh chọc giận Hoa Kỳ. Nhất là về phía Washington mọi người đều nhận thấy Donald Trump thường tỏ ra kiên nhẫn và độ lượng với Kim Jong Un. Tuần trước, Nhà Trắng nhanh chóng cho rằng, vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng không phải là một lời "cảnh cáo nhắm vào Hoa Kỳ", mà ngay giữa hai nước Triều Tiên cũng có những xung khắc với nhau. Tờ báo uy tín tại Seoul, Korea Times cho rằng "đánh giá này của Washington là "một sự ngây thơ quá đáng" và thậm chí là nguy hiểm. Bởi vì theo nhật báo Korea Times, ông Trump gián tiếp để yên cho Kim Jong Un thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ngày nào mà an ninh của Mỹ không bị đe dọa. Nhưng còn an ninh của các đồng minh châu Á của Hoa Kỳ, của khoảng 30.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc thì sao ? Mọi con mắt đang hướng về Washington, chờ đợi phản ứng của Nhà Trắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.