Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hồng Kông: Cuộc chiến bất cân xứng đòi dân chủ

Đăng ngày:

Hồng Kông và cuộc chiến bất cân xứng đòi dân chủ ; Iran « quấy rối » ở eo biển Hormuz để tìm cách đàm phán trên thế mạnh ; Margaret Hamilton, người phụ nữ giúp Nhân loại đặt chân lên Mặt trăng ; Triển lãm kho báu của Toutânkhamon thu hút hơn 1 triệu khách tham quan ở Paris : trên đây là một số chủ đề nổi bật trong tháng 07/2019.

Hồng Kông : Tuần hành ở Nguyên Lãng (Yuen Long) ngày 27/07/2019, chống băng đảng hành hung người biểu tình.
Hồng Kông : Tuần hành ở Nguyên Lãng (Yuen Long) ngày 27/07/2019, chống băng đảng hành hung người biểu tình. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Hồng Kông : Cuộc chiến bất cân xứng đòi dân chủ

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hồng Kông vẫn chưa có hồi kết. Bắt đầu từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ, hiện người dân đặc khu đòi lại những quyền tự do dân chủ mà lẽ ra, họ tiếp tục được hưởng cho đến năm 2049.

Phong trào này cũng là « cách thể hiện sự thiếu tin tưởng của người dân Hồng Kông vào chính quyền đặc khu », được cho là thân Bắc Kinh, theo nhận định với RFI (ngày 13/07/2019) của giáo sư Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) :

« Tôi cho rằng nguyên nhân của phong trào đang diễn ra hiện nay được tích tụ trong suốt nhiều năm. Đó là sự khẳng định bản sắc của Hồng Kông. Đó là sự từ chối phục tùng đảng Cộng Sản Trung Quốc và những người đại diện của đảng tại đặc khu.

Phong trào này có thể sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ… Chính phủ Hồng Kông vẫn không hề lùi bước. Vấn đề không chỉ còn ở dự luật dẫn độ, mà là cơ hội để Hồng Kông tiếp tục được là Hồng Kông. Thế nhưng, chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông không công nhận yêu sách của người biểu tình, chủ yếu là những yêu cầu xã hội cơ bản được cô đọng lại trong yêu sách của người biểu tình. Nhưng nhìn chung yêu sách của họ khó có thể được thỏa mãn ».

Giáo sư Jean-Philippe Béja cho rằng Bắc Kinh không thể mạnh tay « như đã từng làm ở Thiên An Môn cách đây 30 năm ». Tuy nhiên, nhiều băng đảng xã hội đen, được cho là có quan hệ với một số nghị sĩ thân Bắc Kinh, đã hành hung người biểu tình ở Nguyên Lãng (Yuen Long, cách trung tâm khoảng 20 km) tối 21/07 để dằn mặt. Khoảng 45 người bị thương và người dân Hồng Kông vẫn chưa hết bàng hoàng.

Tại sao lại ở Nguyên Lãng ? Nhà xã hội học Dixon Sing, đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, phân tích với RFI (26/07) :

« Trước tiên, Nguyên Lãng là khu vực mà các băng đảng mafia hoạt động từ rất lâu… Tôi nghĩ rằng các vụ đánh người biểu tình chỉ nằm trong phạm vi Nguyên Lãng, mà không xảy ra ở các khu hành chính, thương mại mà người biểu tình đi qua, đó là vì chủ mưu vụ hành hung này muốn hạn chế thiệt hại. Vì nếu khu văn phòng bị nhắm đến, hình ảnh của Hồng Kông, một trung tâm kinh tế và tài chính thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ».

Ngày 24/07, chính quyền trung ương cảnh báo : Nếu người biểu tình Hồng Kông còn thắc mắc về quyền tối cao của Bắc Kinh, việc dùng vũ lực là chuyện « có thể ».

Quấy rối eo biển Hormuz : Iran muốn đàm phán ở thế mạnh

Eo biển Hormuz trở thành điểm nóng đối đầu giữa Iran và Hoa Kỳ mà nguyên nhân sâu xa là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Căng thẳng tăng thêm một bậc sau khi tầu chở dầu Stena Impero của Anh bị lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran bắt giữ ở Vịnh Ba Tư, trong khi Anh Quốc vừa triển hạn việc giữ một tầu dầu của Iran bị bắt ngoài khơi Gibraltar, do bị tình nghi chở dầu sang Syria.

Bất chấp lời kêu gọi của Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Teheran kiên quyết không thả tầu Stena Impero, nhưng hôm 24/07/2019, đã hé ngỏ khả năng « tầu đổi tầu ». Tại sao Iran lại phải sử dụng chiến lược này ? Bà Mahnaz Shirali, giám đốc nghiên cứu Viện Công giáo Paris, kiêm giảng viên trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), phân tích trên đài RFI ngày 22/07/2019 :

« Cơ chế INSTEX được Liên Hiệp Châu Âu thiết kế và áp dụng trong một năm qua đã không mang lại kết quả. Thực vậy, các bên phải cung cấp khoản tín dụng lên đến vài trăm tỉ euro cho Iran. Tuy nhiên, không một nước nào trong Liên Hiệp Châu Âu có ý định thi hành. Vì thế mà giới lãnh đạo Iran thất vọng về cơ chế INSTEX.

Hiện tại, Iran bị bóp nghẹt từ cả hai phía : Một mặt, chính sách cấm vận kinh tế mà Mỹ áp dụng đã có kết quả, nền kinh tế Iran gần như bị tê liệt ; mặt khác, xã hội Iran không thấy chính sách hung hăng của chính quyền Teheran mang lại hiệu quả.

Đối mặt với hai trở ngại này, chính quyền Teheran không tìm được lối thoát bằng đường ngoại giao, mà phải sử dụng đến chiến lược trao đổi. Các nhà lãnh đạo Iran đang cố lên gân để chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy khả năng gây hại của họ. Thông điệp ẩn sau thái độ cứng rắn này : Nếu như Iran không xuất được dầu lửa, thì cũng không nước nào có thể làm được.

Hiện tại, Iran không đủ khả năng trực tiếp gây chiến với Hoa Kỳ, đây là điều hiển nhiên, nhưng ít ra họ cũng có khả năng gây tác hại rất lớn ».

Margaret Hamilton, người phụ nữ giúp Nhân loại đặt chân lên Mặt trăng

Ngày 20/07/2019 đánh dấu tròn 50 năm Con người đặt chân lên Mặt trăng. Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đã xuất phát hôm 16/07/1969 từ bang Florida trên chiếc phi thuyền Apollo 11. Đằng sau bước chân của hai phi hành gia trên Mặt trăng là công lao của một người phụ nữ, nhà toán học Margaret Hamilton.

Sinh ngày 17/08/1936 ở bang Indiana, Margaret Hamilton có bằng cử nhân toán năm 22 tuổi. Năm 1960, khi mới 24 tuổi, bà được nhận vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng để phát triển phần mềm dự báo thời tiết. Tại đây, nhờ tài năng, nhà toán học trẻ được tuyển làm nhà phát triển phần mềm cho chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) mà phòng nghiên cứu Draper của MIT là đối tác.

Margaret Hamilton được giao thiết kế hệ thống nhúng (embedded system) của chương trình Apollo. Sau đó, bà đã phát triển thành công hệ thống ưu tiên hóa những nhiệm vụ quan trọng, điểm mấu chốt để Apollo 11 thành công. Phát hiện này tình cờ đến với bà khi quan sát con gái chơi với hệ thống mô phỏng Apollo :

« Tôi nhớ là tôi hay mang con gái đến phòng làm việc vào buổi đêm cuối tuần. Một lần, cháu chơi trò phi hành gia, bỗng nhiên hệ thống mô phỏng bị trục trặc. Tôi thấy là cháu chọn PO1 - chương trình hạ cánh - trong lúc bay. Tôi bắt đầu lo lắng và nghĩ rằng chuyện gì sẽ xảy ra khi các phi hành gia làm tương tự điều mà con gái tôi vừa làm. Sau đó, tôi đến gặp ban giám đốc và nói rằng phải điều chỉnh chương trình. Nhưng họ nói với tôi rằng « Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra, các phi hành gia được huấn luyện rất kỹ, họ sẽ không mắc sai lầm ». Đáng tiếc là điều tôi lo ngại đã xảy ra : Trong chương trình Apollo 8, PO1 đã được các phi hành gia chọn khi đang bay ».

Ngày 20/07/1969, khi module Eagle chở Amstrong và Aldrin chuẩn bị đáp xuống Mặt trăng, rất nhiều báo động hiện lên : máy tính trên module bị quá tải, không thể xử lý cùng lúc tất cả các thông tin. Nhờ phần mềm được phát triển dưới sự giám sát của Margaret Hamilton, máy tính đã có thể phân loại nhiệm vụ để lần lượt thực hiện những ưu tiên quan trọng nhất để module Eagle hạ cánh trên Mặt trăng.

Cuối cùng, năm 2003, công lao của bà Margaret Hamilton đã được Cơ quan Hàng Không và Vũ trụ Hoa Kỳ ghi nhận khi trao tặng Giải thưởng Không gian đặc biệt (Exceptional Space Act Award). Đến năm 2017, đích thân tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng bà Huân chương Tự do của Tổng thống (Presidential Medal of Freedom), danh hiệu cao quý nhất của Hoa Kỳ.

Toutânkhamon thu hút hơn 1 triệu khách tham quan ở Paris

Tính đến ngày 09/07/2019, triển lãm « Toutânkhamon, Kho báu của Pharaon », bắt đầu từ cuối tháng 03, ở Paris, đã thu hút hơn 1 triệu khách tham quan và có thể sẽ vượt qua kỉ lục 1,2 triệu khách của triển lãm năm 1967 vì triển lãm còn kéo dài đến ngày 22/09.

Triển lãm trưng bày gần 150 báu vật (móc và néo - biểu tượng cho quyền lực, quạt vàng lông đà điểu, quan tài, giường…), còn nguyên vẹn từ 3000 năm nay, và chiếm 1/36 kho báu được chôn cùng vị pharaon trẻ qua đời năm 1323 TCN. Tất cả là đồ dùng cá nhân để Toutânkhamon giữ liên lạc với thế giới người sống và để sử dụng ở thế giới bên kia.

Khu hầm mộ của Toutânkhamon được nhà khảo cổ trẻ Howard Carter phát hiện vào năm 1922. Sự kiện này tạo nên một cơn chấn động trên toàn thế giới. Nhà nghiên cứu Ai Cập Dominique Farout, cố vấn khoa học của triển lãm « Toutânkhamon, Kho báu của Pharaon », thuật lại trên đài France Culture thời điểm Howard Carter khám phá kho báu :

« Cứ thử hình dung là bạn không biết có gì ở trong đó, bạn mở cửa và nhờ ánh sáng của ngọn nến, bạn phát hiện ra đồ vật được đặt ở khắp nơi. Có rất nhiều hòm rương, cỗ xe, rồi cả giường ngủ nữa… Cả một kho đồ chồng chất lên nhau mà toàn là đồ mạ vàng. Những người khám phá ra hầm mộ chắc phải xúc động vô cùng vì họ là những người đầu tiên được nhìn thấy và được sờ vào những đồ vật có từ mấy nghìn năm qua. Những người cuối cùng nhìn thấy kho báu này là những người đóng cửa khu hầm mộ cách đây vài nghìn năm và từ đó, không một ai chạm vào được khu vực này ».

Khoảng 40% tổng số gần 150 đồ vật được trưng bày chưa từng rời khỏi Ai Cập trước đó. Paris nằm trong chuyến triển lãm tại khoảng 10 thành phố lớn trên thế giới của « Toutânkhamon, Kho báu của Pharaon », trong đó có Los Angeles, Luân Đôn, Tokyo. Năm 2020, toàn bộ kho báu của Toutânkhamon sẽ được triển lãm trong Bảo tàng Ai Cập, dự kiến mở cửa cùng năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.