Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - CÔNG NGHỆ

Camera Trung Quốc tiếp tục theo dõi các căn cứ quân sự Mỹ

Chỉ còn không đầy một tháng nữa, cụ thể là kể từ ngày 13/08/2019, là luật NDAA 2019 đã được tổng thống Mỹ ký ban hành, cấm các cơ quan Nhà Nước Mỹ sử dụng thiết bị của nhiều tập đoàn công nghê Trung Quốc vì lý do an ninh, chính thức có hiệu lực. Trong số các tập đoàn bị cấm có hãng Hikvision (Hải Khang) và Đại Hoa (Dahua) chuyên sản xuất camera và các thiết bị hình ảnh. Thế nhưng, trong một bài điều tra công bố hôm nay, 18/07/2019, nhật báo Anh Financial Times đã nêu bật sự kiện là thiết bị Hikvision vẫn đang được sử dụng rất nhiều tại những cơ sở quan trọng ở Mỹ.

Một gian triển lãm của Hikvision tại hội chợ trí thông minh nhân tạo tại Thiên Tân, 16/05/2019.
Một gian triển lãm của Hikvision tại hội chợ trí thông minh nhân tạo tại Thiên Tân, 16/05/2019. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Nhật báo Anh đã tìm hiểu việc sử dụng các sản phẩm Trung Quốc sẽ bị cấm tại nhiều nơi trên đất Mỹ, đặc biệt là tại các căn cứ quân sự, trụ sở cảnh sát Mỹ, các cơ quan an ninh và ngoại giao, những nơi mà vấn đề bảo mật, chống gián điệp được xem là thiết yếu. Kết quả điều tra, theo tờ báo Anh, rất đáng quan ngại.

Hikvision ngay tại các cơ quan trọng yếu trên đất Mỹ

Ghi nhận đầu tiên của Financial Times là camera của Hikvision, một tập đoàn có 42% vốn của chính phủ Trung Quốc, vẫn được sử dụng tại căn cứ không quân Peterson ở bang Colorado, nơi đặt bản doanh của của Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian Bắc Mỹ NORAD và trụ sở của Bộ Chỉ huy Không Gian của Không Quân Mỹ.

Căn cứ Peterson đã chi ra 112.000 đô la để mua camera Hikvision vào năm 2016, và một phát ngôn viên của căn cứ này khẳng định rằng các camera ra đó « không có liên quan gì đến vấn đề an ninh của căn cứ hoặc các khu vực cần bảo mật ». Ngoài ra, các camera này cũng không được kết nối với mạng internet hoặc mạng của lực lượng không quân Mỹ.

Phát ngôn viên này còn cho biết thêm rằng căn cứ Peterson đã có kế hoạch để « đánh giá và thay thế các hệ thống này ».

Không chỉ có thế ! Một cơ sở nghiên cứu của Hải Quân Hoa Kỳ tại Orlando, bang Florida, cũng đã chi ra 4.000 đô la để mua camera Hikvision ngay cả sau khi đạo luật NDAA cấm dùng thiết bị của ba hãng Trung Quốc Hikvision, Đại Hoa và Hải Năng Đạt (Hytera) được thông qua.

Tại đây cũng vậy, các quan chức có trách nhiệm cho biết là hợp đồng mua sắm không liên quan đến an ninh của cơ sở và các camera, dùng cho việc đào tạo, không được kết nối với internet.

Financial Times còn ghi nhận thêm là cơ quan cảnh sát ở các bang Massachusetts, Colorado và Tennessee cũng vẫn đang dựa vào hệ thống camera của Hikvision. Riêng sở Cảnh Sát thành phố Memphis đã triển khai ít nhất 1.500 chiếc.

Bộ Ngoại Giao mua máy bộ đàm Hytera

Không chỉ sử dụng camera made in China, các cơ quan chính quyền Mỹ còn dùng máy bộ đàm Trung Quốc.

Theo Financial Times, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã mua hơn 20.000 đô la thành phần máy bộ đàm do hãng Trung Quốc Hytera, tức Hải Năng Đạt sản xuất, để trang bị cho đại sứ quán Hoa Kỳ ở Guatemala, cũng sau khi luật NDAA được thông qua. Một quan chức Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là việc dùng sản phẩm này của Trung Quốc sẽ được xem xét lại sau khi đạo luật có hiệu lực.

Cũng theo Financial Times, vào năm 2017, một bản ghi nhớ của quân đội Mỹ cho biết máy bộ đàm Hytera đang được sử dụng trong công tác huấn luyện Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, kể từ khi thương hiệu này được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sử dụng rộng rãi.

Đối với Financial Times, mối lo ngại về tính chất an toàn của công nghệ do Trung Quốc sản xuất đã tăng cao trong 18 tháng gần đây, kể từ khi quan hệ giữa Mỹ-Trung xấu đi.

Riêng về trường hợp camera Hikvision, trong những năm trước lệnh cấm, theo báo Financial Times, sản phẩm này đã được nhiều binh chủng của quân đội Mỹ đặt mua, cho dù các quan chức Mỹ không muốn tiết lộ việc còn sử dụng các thiết bị đó hay không. Căn cứ quân sự Fort Drum, từng mua 30.000 đô la camera Hikvision vào tháng 6 năm 2018 chẳng hạn đã từ chối bình luận.

Cuộc đấu thầu cung cấp camera an ninh của Căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Camp Lejeune hồi tháng Giêng năm ngoái 2018 đã lưu ý rằng chỉ có thiết bị Hikvision mới có thể hoạt động trong mạng với các camera khác. Căn cứ này giờ đây từ chối, không cho biết liệu mạng an ninh còn dựa vào camera do Trung Quốc sản xuất hay không.

Một căn cứ hải quân ở Florida cũng được trang bị loại camera.

Không riêng ở Mỹ, kể từ năm 2015, Cơ Quan Hậu Cần Quốc Phòng Mỹ đã chi gần 180.000 đô la để mua camera Hikvision trang bị cho các lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Giới chức Mỹ tại Hàn Quốc không thể xác nhận là liệu camera Trung Quốc còn được sử dụng hay không.

Thế mạnh của camera Trung Quốc: giá rẻ

Việc camera giám sát Hikvision phát triển mạnh trên thị trường Mỹ khởi sự từ những năm 2010, khi hãng này bắt đầu bán các sản phẩm giá rẻ hơn các thiết bị do các hãng Axis và Bosch làm ra.

Theo nghiên cứu của IHS Markit, từ con số không lúc ban đầu, vào năm 2016, Hikvision đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm giám sát video lớn thứ hai ở Mỹ, chiếm 8,5% thị trường camera giám sát, chỉ đứng sau mức 11% của đại gia truyền thống là Axis,

Giá rẻ của camera Trung Quốc đặc biệt thu hút các doanh nghiệp nhỏ và các cơ quan chấp pháp địa phương.

Thế nhưng, theo các chuyên gia an ninh mạng, tất cả các loại thiết bị kết nối internet, bao gồm cả camera, đều có thể trở thành mối đe dọa cho các mạng mà các thiết bị này được truy cập, nếu các mạng này có lỗ hổng bảo mật. Các thiệt bị có thể được kẻ lừa đảo dùng làm cửa hậu để thâm nhập vào các mạng nhạy cảm, và một khi vào được, chúng có thể đánh cắp thông tin hoặc phá sập toàn bộ hệ thống.

Ngay cả những mạng có trang bị hệ thống bảo mật cũng không tránh khỏi nguy cơ bị thâm nhập.

Ông Steven Humphreys, giám đốc điều hành công ty bảo mật Identiv, giải thích: “Bất kỳ thiết bị nào cũng tạo ra bề mặt tấn công - một cửa ngõ để xâm nhập vào bất cứ thứ gì được kết nối với thiết bị đó”. Một ví dụ được chuyên gia này nêu lên là mạng lưới của bộ phận cảnh sát địa phương chẳng hạn có thể được kết nối với các tổ chức lớn hơn, và để vào được các tổ chức đó, chỉ cần một cái cửa.

Chuyên gia này kết luận: “Đó là lý do tại sao chính phủ Mỹ đang lo lắng.

Áp lực đòi chính quyền Mỹ dùng thiết bị khác

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ngày càng lên tiếng cảnh báo rằng một số công nghệ do Trung Quốc sản xuất có thể được Bắc Kinh sử dụng làm vũ khí và tấn công vào các mạng tin học của Mỹ.

Theo báo Wall Street Journal, vào tháng 1 năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã loại bỏ các camera Hikvision khỏi Fort Leonard Wood, một căn cứ ở Missouri, trong bối cảnh lo ngại về an ninh mạng gia tăng.

Hikvision cũng đã bị phê phán nặng nề tại Mỹ vì là hãng bán các công cụ giám sát cho chính quyền ở Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Nhiều cơ quan hiện đang chịu áp lực phải chuyển sang các hệ thống khác. Một công ty bảo mật nói rằng họ đã được  hơn một chục cơ quan liên bang tham khảo ý kiến, và khoảng một nửa trong số này đang muốn thay thế hệ thống camera. Các bệnh viện, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhạy cảm, như ngân hàng và các công ty cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ tương tự.

Năm 2018, lần đầu tiên doanh số của Hikvision từ Mỹ giảm. Giá cổ phiếu của nó đã giảm 20% kể từ khi luật NDAA được công bố.

Cái khó cho chính quyền Mỹ trong việc cấm dùng camera Hikvision nằm ở chỗ tập đoàn này có hợp đồng với nhiều công ty ở nước khác, và đặc biệt ở Mỹ, theo đó các công ty này mua phần cứng của Hikvision, đóng gói lại và bán dưới tên riêng của công ty đó.

Đây là chính là vấn đề “thực sự đáng quan ngại” cho giới chức chính quyền Mỹ đảm trách vấn đề an ninh vì nhiều cơ quan, khi mua thiết bị, lại không biết rõ xuất xứ của sản phẩm….

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.