Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - LIÊN HIỆP QUỐC

Cao ủy Nhân Quyền LHQ tố cáo Miến Điện tiếp tục đàn áp người Rohingya

Tình trạng người Rohingya Miến Điện tiếp tục tồi tệ. Hôm qua, 10/07/2019, trong kỳ họp thứ 41 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, phủ cao ủy Nhân Quyền đã cập nhật tình hình người Rohingya tại bang Rakhine và tại các trại tị nạn ở Bangladesh.

Một nhóm người Rohingya trên một con đường gần Shah Barir Dip, Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 03/12/2017
Một nhóm người Rohingya trên một con đường gần Shah Barir Dip, Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 03/12/2017 Ed JONES / AFP
Quảng cáo

Nếu như đời sống của người tị nạn tại Cox’s Bazar, Bangladesh, được ghi nhận nhìn chung bảo đảm, thì triển vọng hồi hương của cộng đồng Rohingya gần như là vô vọng. Trong thời gian gần đây lại xảy ra thêm nhiều bạo lực nhắm vào người Ronhingya còn ở lại trong nước. Chính quyền Miến Điện bị tố cáo không thực tâm tạo điều kiện để người tị nạn trở về như cam kết.

Thông tín viên Jérémy Lanche tường trình từ Genève :

« Làng mạc bị đốt phá, người bị bắt đi biệt tích, hãm hiếp… Liên Hiệp Quốc lo ngại về mức độ bạo lực kéo dài tại bang Rakhine. Khoảng 126.000 người Rohingya phải bỏ nhà đi tị nạn trong nước. Đối với họ, cũng như đối với hơn 700.000 người chạy sang Bangladesh, dường như không thể hồi hương. Phó Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Kate Gilmore, tố cáo một thủ đoạn của chính quyền Miến Điện :

‘‘Tại tiểu bang Rakhine, nhân viên chính quyền đến từng nhà một để cập nhật danh sách thành viên các hộ gia đình. Họ sẽ gạch tên những người không có mặt ở nhà. Đối với nhiều người Rohingya, danh sách này là tài liệu chính thức duy nhất chứng minh quyền sở hữu hay gốc gác xuất thân của họ. Không có bằng chứng này, đối với người tị nạn, không thể có chuyện được trở về Miến Điện’’.

Đối với những người Rohingya nào vẫn ở lại bản quán, tình trạng cũng rất mong manh. Chính quyền Miến Điện buộc họ phải làm chứng minh thư. Có điều là họ sẽ phải đăng ký là người Bangladesh, chứ không được khai là người Rohingya. Người Rohingya cũng phải thông báo ngày nhập cảnh vào lãnh thổ Miến Điện, cho dù trên thực tế họ sinh ra trên đất Miến Điện. Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt chính sách này và công nhận những người thuộc cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya là công dân Miến Điện ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.