Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Thương chiến Mỹ-Trung : Đàm phán mở lại qua điện thoại

Đúng như thông báo, Washington và Bắc Kinh mở lại thương thuyết vào ngày thứ Ba 09/07/2019 để tìm cách giải quyết xung khắc trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, điều được gọi là nỗ lực đàm phán chỉ là một cuộc điện đàm giữa đại diện Thương Mại và bộ trưởng Tài Chính Mỹ với hai đồng sự Trung Quốc.

Hàng xuất khẩu tại một cảng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 07/06/2019.
Hàng xuất khẩu tại một cảng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 07/06/2019. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Theo thông báo của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng như bộ Thương Mại xác nhận sau đó, ngày hôm qua đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã điện đàm với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và bộ trưởng Thương Mại Chung Sơn. Hai bên đồng ý « tiếp tục thương lượng để giải quyết các vấn đề thương mại » giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra thông cáo ngắn gọn : hai bên thảo luận về việc thực thi « đồng thuận » mà nguyên thủ Mỹ-Trung đạt được tại Osaka hồi cuối tháng sáu, nhân hội nghị G20.

Theo AFP, tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình quyết định nối lại đàm phán bị cắt đứt một tháng trước đó, cứu vãn tình hình căng thẳng đến cực độ. Theo Washington, do Trung Quốc đã phủ nhận những cam kết trong các đợt đàm phán trước khiến Mỹ phải phản ứng mạnh.

Để tạo điều kiện mở lại đàm phán, tổng thống Mỹ tạm ngưng thực thi lời đe dọa tăng áp thuế 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, cũng như giảm nhẹ lệnh cấm một số linh kiện của Hoa Vi. Theo Washington, Bắc Kinh sẽ nhập khẩu trở lại nông phẩm của Mỹ với khối lượng lớn.

Mục tiêu đi tới của Hoa Kỳ là buộc Trung Quốc cải cách sâu rộng chính sách thương mại, tôn trọng tài sản trí tuệ của đối tác, chấm dứt tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ và tài trợ bất chính, theo nhận định của Reuters.

Hệ quả thương chiến Mỹ-Trung : Nintendo, Sony ngắm nghé Việt Nam

Theo Financial Times, công ty sản xuất đồ chơi điện tử Nhật Bản Nintendo hôm thứ ba cho biết đã tính đến giải pháp dời một số nhà máy ở Trung Quốc qua một nước khác trước khi chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra.

Cụ thể là cơ sở sản xuất bộ điều khiển « Console Switch » được dự trù sẽ dời qua Việt Nam. Tiếp theo thông báo của Nintendo, tập đoàn Sony cũng tuyên bố sẽ « nghiên cứu các biện pháp tương tự ».

Theo giới phân tích, tùy theo cung cách của Trung Quốc giải quyết xung khắc với Mỹ mà Sony và cả Microsoft sẽ lấy quyết định theo gương Nintendo. Trong một hành động hiếm hoi, hồi giữa tháng sáu, trong một bức thư chung gửi bộ Thương Mại Hoa Kỳ, ba tập đoàn điện tử này báo động : nếu giá sản phẩm tăng 25% thì nhiều gia đình Mỹ không thể mua trò chơi điện tử thế hệ mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.