Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - ĐÀI LOAN

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan : một công đôi ba việc

Bất chấp thái độ giận dữ và đe dọa của Bắc Kinh, cuối cùng Washington quyết định cung cấp một loạt vũ khí mới, thỏa mãn một phần nhu cầu quân sự của Đài Loan. Ngoài lý do thương mại, hợp đồng tổng trị giá 2,2 tỷ đôla còn là vũ khí lợi hại của Washington trong ván cờ địa chiến lược tại Biển Đông và thương chiến Mỹ-Trung.

Xe tăng Mỹ M1A2 Abrams nổ súng trong cuộc tập trận Noble Partner 2016, tại Vaziani, ngoại ô Tbilisi, Gruzia, ngày 18/05/2016
Xe tăng Mỹ M1A2 Abrams nổ súng trong cuộc tập trận Noble Partner 2016, tại Vaziani, ngoại ô Tbilisi, Gruzia, ngày 18/05/2016 Vano Shlamov / AFP
Quảng cáo

Tiếp theo quyết định của bộ Ngoại Giao, Lầu Năm Góc, ngày 08/07/2019 đã thông báo với Quốc Hội Mỹ danh sách vũ khí gồm 108 chiến xa Abrams M1A2 thế hệ ba, và 250 tên lửa phòng không Stinger trang bị hệ thống nhận dạng bạn-thù. Chỉ riêng 108 chiến xa mới nhất đã chiếm đến 90% tổng trị giá hợp đồng 2,2 tỷ.

Theo luật Hoa Kỳ, tiến trình bán vũ khí cho nước ngoài bắt đầu từ khi một quốc gia gửi thư đặt hàng. Bộ Ngoại Giao quản lý và phối hợp chặt chẽ với bộ Quốc Phòng, cơ quan chính phủ hợp tác với doanh nghiệp vũ khí. Chính phủ Mỹ xem xét và nếu chấp thuận thì Quốc Hội sẽ cho ý kiến chậm lắm là một tháng sau đó.

Trong trường hợp Đài Loan, vì những lý do nào mà hợp đồng đặt mua vũ khí được tiến hành rất nhanh, không đầy 6 tháng, đã được chính phủ Mỹ bật đèn xanh ?

Một thương vụ ba mục tiêu : kinh tế, địa chiến lược và thương chiến

Trên nguyên tắc, xuất khẩu vũ khí là một loại thương vụ được tổng thống Donald Trump xem là để làm giàu cho nước Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.

Theo thông báo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, bán chiến xa cho Đài Loan vừa phục vụ « kinh tế quốc gia » vừa giúp Đài Loan tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng võ trang và duy trì khả năng phòng thủ. Tên lửa Stinger sẽ giúp Đài Loan « cân bằng tương quan lực lượng, bảo vệ ổn định để phát triển kinh tế trong vùng ».

Tuy nhiên, theo một viên chức Nhà Trắng được báo mạng l’Opinion của Pháp trích dẫn, bán vũ khí cho Đài Loan có thể cản trở tiến trình đàm phán hiệp định thương mại Mỹ-Trung đang ở giai đoạn tế nhị. Cho đến nay, Washington, tuy là nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự cho Đài Loan nhưng vẫn tôn trọng chính sách « một nước Trung Hoa duy nhất » của Bắc Kinh.

Thế nhưng, phe diều hâu, nhất là cố vấn an ninh John Bolton đã thắng thế và thuyết phục được tổng thống Donald Trump với lập luận « củng cố quan hệ với Đài Loan là nhu cầu cần kíp để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ tại châu Á ». Trong vấn đề an ninh, Đài Loan mạnh về quân sự sẽ « đối trọng » với tham vọng của Bắc Kinh : Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại Đài Loan sẽ giúp hải đảo đương đầu với mọi dự án bành trướng của Trung Quốc ra ngoài biên giới.

Trong Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa còn xem việc ủng hộ nền dân chủ Đài Loan như là ưu tiên chính trị số một.

Cũng theo tạp chí l’Opinion, tổng thống Donald Trump rất đắc ý với các luận điểm này.Từ tháng Ba đến nay, chủ nhân Nhà Trắng xem Đài Loan là một lá chủ bài, song song với biện pháp áp thuế, trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tháng Tư vừa qua, cố vấn an ninh John Bolton tuyên bố : những hành động khiêu khích của Bắc Kinh không những không chinh phục được tâm trí người dân Đài Loan mà còn giúp củng cố quyết tâm của những người trên khắp thế giới muốn phát huy nền dân chủ.

Tháng Tư, cố vấn an ninh John Bolton tiếp đồng nhiệm Đài Loan David Lee tại Nhà Trắng, sự kiện có một không hai từ khi Washington bỏ Đài Bắc để công nhận Bắc Kinh vào năm 1979.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cần 108 chiến xa thế hệ ba, 1240 hỏa tiễn chống tăng TOW, 409 tên lửa chống tăng Javelin và 250 hỏa tiễn phòng không Stinger, vũ khí tự vệ duy nhất có thể bắn hạ máy bay đối phương tại Hoa lục.

Đài Loan còn đặt mua 66 chiến đấu cơ F-16V và đã nhận được 4 chiếc. Cho đến nay Hoa Kỳ còn lưỡng lự không bán F-35. Lại thêm một lá chủ bài để đàm phán với Trung Quốc ?

Ông Tập phải gặp ông Trump

Theo nhận định của chuyên gia quốc phòng Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS, Bắc Kinh ngày càng lo ngại Washington sẽ không dừng lại ở mức quan hệ « không chính thức » với Đài Loan thậm chí « không còn ủng hộ nguyên tắc một nước Trung Quốc ».

Tuy nhiên, để thuyết phục Mỹ, chỉ có một cách duy nhất là tiếp xúc trực tiếp với Donald Trump. Bà Bonnie Glaser hiến kế « nếu muốn than phiền hợp đồng vũ khí, Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng ».

Phản ứng đe dọa của bộ Ngoại Giao Trung Quốc « tác hại quan hệ song phương » chứng tỏ tâm lý bất lực của chế độ Bắc Kinh trước chiến thuật « nhất cử lưỡng tiện » của chính quyền Mỹ.

Chủ Nhật vừa qua, tổng thống Donald Trump giải thích với báo chí là các biện pháp áp thuế đã góp phần thúc đẩy đàm phán Mỹ -Trung.

Chủ Nhật, tức là vài giờ trước khi bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo chấp thuận hợp đồng vũ khí bán cho Đài Loan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.