Vào nội dung chính
IRAN - HẠT NHÂN

Iran dọa sẽ không tuân thủ các cam kết hạt nhân khác "trong 60 ngày tới"

Phát biểu trước báo chí hôm 07/07/2019 tại Teheran, thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi vừa tuyên bố là nước này sẽ không tuân thủ các cam kết khác về hạt nhân « trong 60 ngày tới », trừ phi Teheran và các đối tác trong hiệp định hạt nhân tìm ra một giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của Iran.

Thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi, tại Vienna, Áo, ngày 28/06/2019.
Thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi, tại Vienna, Áo, ngày 28/06/2019. ALEX HALADA / AFP
Quảng cáo

Trước mắt, Iran xác nhận ngày 07/07 sẽ vượt quá giới hạn cho phép về tỷ lệ làm giàu chất uranium theo quy định của hiệp định hạt nhân năm 2015. Quyết định làm giàu chất uranium với tỷ lệ trên 3,67% đã được tổng thống Rohani thông báo vào ngày 03/07.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :

« Sau khi đã vượt quá khối lượng 300 kg uranium được làm giàu mà hiệp định hạt nhân cho phép, Iran đã tuyên bố sẽ không tuân thủ giới hạn tỷ lệ làm giàu uranium ở mức 3,67% và sẽ khởi động trở lại nhà máy nước nặng Arak.

Người dân Iran, đặc biệt là tầng lớp nghèo và tầng lớp trung bình, gánh chịu ngày càng nhiều hậu quả của tình trạng kinh tế suy sụp kể từ khi Hoa Kỳ tái lập các trừng phạt, lại có suy nghĩ khác nhau về chiến lược của chính quyền Teheran.

Đối với Omid Mohammadi, một tài xế taxi nay buộc phải chuyển sang làm nghề bán hàng rong, những trừng phạt của Mỹ có sức tàn phá nặng nề. Anh nói : « Tình hình nay trở nên tồi tệ hơn gấp nghìn lần. Hoa Kỳ đã gây áp lực lên người dân. Cần phải dỡ bỏ các trừng phạt đó. Hai bên cần phải tìm ra đồng thuận. Nếu kinh tế tiếp tục trì trệ như vậy, đất nước sẽ ngày càng bị tê liệt ».

Đối với Rahman, một người lao động 50 tuổi, tuy mục tiêu là bãi bỏ các trừng phạt, nhưng ông đồng tình với chiến lược của chính phủ khởi động lại việc làm giàu chất uranium. Ông nói : « Làm giàu chất uranium để gây áp lực lên các nước châu Âu là một cách làm còn tốt hơn. Bằng mọi giá các trừng phạt phải được dỡ bỏ, vì chính người dân thường đang gánh chịu áp lực ».

Các lãnh đạo Iran vẫn tuyên bố rằng họ sẵn sàng quay trở lại tình hình như trước nếu các nước châu Âu cũng tuân thủ cam kết của họ, cho phép Iran, tuy đang bị Mỹ trừng phạt, vẫn được xuất khẩu dầu hỏa và duy trì các quan hệ ngân hàng và thương mại bình thường với các nước khác trên thế giới ».

Hoa Kỳ cảnh cáo Iran

Trong những ngày qua, chính quyền Donald Trump đã liên tục cảnh cáo Iran là Washington có thể sẽ trả đũa Teheran nếu nước Cộng Hòa Hồi Giáo này tiếp tục thách thức thế giới về hạt nhân.

Từ New York, thông tín viên Daniel Hoffman tường trình :

« Nhà Trắng đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo kể từ khi tổng thống Hassan Rohani thông báo Iran sẽ làm giàu chất uranium với một tỷ lệ cao hơn mức được quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Trên mạng Twitter, ông Donald Trump đã ngụ ý cho biết là những lời đe dọa của Iran có thể sẽ gây tác dụng ngược đối với nước Cộng Hòa Hồi Giáo này, nhưng không nói cụ thể là Hoa Kỳ sẽ trả đũa như thế nào.

Hiện giờ, Washington tuyên bố muốn duy trì áp lực tối đa lên Teheran. Hoa Kỳ đặc biệt đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA vào thứ Tư 10/07. Cơ quan này xác nhận Iran đã vượt quá khối lượng chất uranium làm giàu với tỷ lệ thấp theo quy định của hiệp định hạt nhân 2015.

Bên cạnh những hành động ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng trong giới thân cận tổng thống Trump, nhiều cố vấn đang công khai dự tính phương án quân sự. Vào cuối tháng Sáu, sau khi tổng thống Trump hủy bỏ vào giờ chót cuộc oanh kích vào Iran, nhân vật hiếu chiến nhất, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã cảnh cáo Teheran không nên xem thái độ thận trọng của Mỹ là một sự yếu kém ».

Pháp bày tỏ quan ngại

Về phản ứng của Pháp, tổng thống Emmanuel Macron hôm 06/07 đã bày tỏ với đồng nhiệm Iran Rohani mối quan ngại rất lớn của ông trước nguy cơ hiệp định hạt nhân Iran bị làm suy yếu và những hậu quả kèm theo đó. Trong cuộc điện đàm hơn một tiếng đồng hồ với ông Rohani, ông Macron cho biết từ đây đến 15/07 sẽ thăm dò những điều kiện để tái lập đối thoại giữa các bên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.