Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Gặp Trump lần ba : Nước cờ mạo hiểm của Kim Jong Un ?

Ngày 30/06/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lần ba tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Sự kiện còn mang đậm ý nghĩa lịch sử vì ông Donald Trump là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, trong khi hai nước về mặt nguyên tắc vẫn còn đối đầu nhau. Một số nhà quan sát nhận định : Cuộc gặp lần này đã được Kim Jong Un tính toán kỹ lưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Sự kiện đã khiến cả thế giới sững sờ trong hai ngày cuối tuần qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ các quy tắc ngoại giao, mời gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm trong một dòng tweet ngắn ngủi. Bình Nhưỡng sau một hồi do dự đã chấp nhận lời mời vào phút chót.

Vậy Kim Jong Un đang toan tính gì nhận lời mời gặp không tuân theo một nghi thức ngoại giao nào ? Trước hết, nhật báo Pháp Le Figaro nhìn nhận, sau thượng đỉnh Hà Nội và Singapore, cú bắt tay « lịch sử » này đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhiều mối lợi chính trị và ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ mời Kim Jong Un một ngày đến thăm Nhà Trắng là một « bước nhảy vọt » mới cho chế độ « độc tài » đang tìm kiếm một sự nhìn nhận về ngoại giao từ cộng đồng quốc tế.

Về mặt phương pháp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn nối lại đối thoại trực tiếp giữa hai nguyên thủ. Sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội, chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố không muốn hai nhân vật « diều hâu » là ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton có mặt trong các cuộc đàm phán.

Bắc Triều Tiên cáo buộc hai nhân vật này tìm cách phá hỏng các cuộc thương lượng và yêu cầu chỉ đàm phán với Donald Trump, được cho là linh động hơn. Cuộc gặp lần này gần như xác nhận cách tiếp cận trên của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia đặc biệt lưu ý là trong buổi gặp ngày Chủ Nhật 30/06 không có sự hiện diện của ông John Bolton. Một dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang thay đổi phương pháp đàm phán ?

Thượng đỉnh lần ba này cũng có thể được xem như là kết quả của một tháng chiến dịch « quyến rũ » tổng thống Mỹ từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, như viết thư hỏi thăm hay gởi thiệp chúc mừng sinh nhật ngày 14/06. Dường như Kim Jong Un sợ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hồ sơ Iran có thể làm cho nguyên thủ Mỹ « lơ là » Bắc Triều Tiên.

Đây quả là một nước cờ được tính toán, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng. Áp lực của phe chủ trương cứng rắn trong nội bộ chế độ ngày càng tăng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội. Những người này  cho rằng, tại Hà Nội, Kim Jong Un không những đã không có được một sự nhượng bộ nào về các trừng phạt , mà còn bị kẻ thù Hoa Kỳ sỉ nhục. Kết quả là một đợt thanh trừng đã diễn ra và nhà thương thuyết chính của Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol vô hình chung bị biến thành vật tế thần để giải tỏa các lời chỉ trích ông Kim Jong Un.

Khi chấp nhận đến gặp Donald Trump tại khu phi quân sự, nhà độc tài trẻ tuổi hy vọng được tổng thống Donald Trump giảm nhẹ trừng phạt kinh tế, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế đất nước, nhằm làm hài lòng người dân và những tầng lớp lãnh đạo. Nhưng nếu lần này về tay không, hình ảnh lãnh đạo tối cao sẽ bị sứt mẻ. Thật ra, ông Kim Jong Un không thể không nhận lời gặp tổng thống Donald Trump, vì làm như thế là sĩ nhục chủ nhân Nhà Trắng, gây tác hại cho mối quan hệ của ông với vị tổng thống nổi tiếng « khó lường » này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.