Vào nội dung chính
G20 - KHÍ HẬU

Thượng đỉnh Osaka: 19 nước G20 cam kết thực thi Hiệp định Khí hậu Paris

Sau nhiều thương lượng cam go, rốt cuộc khối G20 đã ra được một thỏa thuận chung về vấn đề khí hậu, tái khẳng định các cam kết thực thi Hiệp định Paris 2015, theo công thức 19+1. Tức tất cả các quốc gia thành viên G20, ngoại trừ Hoa Kỳ.

Thượng đỉnh G20 tại Osaka. Ảnh 29/06/2019.
Thượng đỉnh G20 tại Osaka. Ảnh 29/06/2019. G20 Osaka Summit Photo/Handout via Reuters
Quảng cáo

Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận là G20, sau nhiều đàm phán căng thẳng, rốt cục đã đạt được một « văn bản tương tự » khẳng định « tính chất không thể đảo ngược » của các mục tiêu về Khí hậu, như hồi năm ngoái 2018, tức tại thượng đỉnh của khối tại Buenos Aires. Theo AFP, văn bản chỉ đã được thông qua ngay trước phiên bế mạc thượng đỉnh sáng hôm nay, 29/06/2019, tại Osaka, Nhật Bản.

Trong những ngày gần đây, giới quan sát nhiều lần nêu khả năng thượng đỉnh sẽ không ra được thỏa thuận chung, do các chia rẽ trong vấn đề khí hậu. Một số cường quốc, như Brazil, Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ngả theo Mỹ, quốc gia tuyên bố rút khỏi một hiệp định, vốn đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng cảnh báo là Paris sẽ không ký vào Tuyên bố chung, nếu G20 không đạt đồng thuận về vấn đề Khí hậu.

Theo phủ tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu đã hết sức nỗ lực để « tối thiểu là duy trì được các cam kết (về khí hậu) tương tự với các thượng đỉnh trước ».

Trong cuộc họp báo sau khi G20 ra được Tuyên bố chung, hướng tới các lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu :

« Tôi cho rằng chúng ta đang ngày càng thoát ly khỏi thế giới. Các nhà khoa học mỗi ngày liên tục nhắc lại với chúng ta về các nghĩa vụ đối với vấn đề khí hậu, cũng như về lĩnh vực đa dạng sinh thái. Giới trẻ của chúng ta tại nhiều quốc gia thường xuyên nhắc nhở chúng ta về các nghĩa vụ. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục tranh luận xem : Liệu chúng ta còn có quyền nói đến Thỏa thuận khí hậu Paris hay không.

Nhờ sự nỗ lực của Nhật Bản, với tư cách là chủ tọa, chúng ta đã đạt được các yếu tố cho phép duy trì mục tiêu của chúng ta. Cụ thể là tất cả các thành viên G20, bao gồm 19 nước, không kể Hoa Kỳ, đã tái khẳng định trong bản Tuyên bố chung các cam kết nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris. Nhưng chúng ta sẽ phải đi xa hơn. Đó chính là thách thức của những tháng tới ».

Thượng đỉnh của khối G20 năm tới sẽ được tổ chức tại Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới, và đối tác chiến lược chính của Hoa Kỳ.

Bên cạnh khí hậu, khối 20 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới cũng tìm được một thỏa hiệp trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là « cam kết vì một nền thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và không kỳ thị », cũng như mệnh lệnh khẩn cấp cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) », như nhận định của thủ tướng Đức Angela Markel.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.