Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ Đài Bắc cho biết cụm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan hôm qua, 25/06/2019.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan trên trang web của bộ này, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng với 5 chiến hạm hộ tống đã đi vào eo biển Đài Loan khi đang trên đường từ khu vực Biển Đông về quân cảng Thanh Đảo, căn cứ thường trú của tàu sân bay Trung Quốc.

Cuộc hành trình của cụm tàu sân bay Liêu Ninh đã bắt đầu trong tháng này, đi qua eo biển Miyako của Nhật, ngang qua đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ, trước khi đi vào vùng Biển Đông mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Nhật báo South China Morning Post nhắc lại là trong những năm gần đây, hải quân và không quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra tại vùng biển chung quanh Đài Loan. Nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh cũng đã gia tăng hoạt động tại khu vực này. Kể từ khi quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc xấu đi, chủ yếu do căng thẳng thương mại, các chiến hạm của hải quân Mỹ hầu như tháng nào cũng đi qua eo biển Đài Loan. Vào tuần trước, hai chiến hạm của Canada cũng đã đi qua khu vực này để tiến hành chiến dịch bảo đảm « tự do hàng hải ».

Vào tháng trước, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết ủng hộ Đài Loan, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải cho phép « thường xuyên chuyển giao các thiết bị quốc phòng » cho Đài Bắc, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu bảo vệ an ninh của đảo này. Nghị quyết này còn phải được đưa ra biểu quyết tại Thượng Viện mới có thể trở thành luật. Tuy nhiên, hiện chưa biết khi nào nghị quyết mới được chuyển qua Thượng Viện Mỹ.

Vào lúc đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã xem nghị quyết về Đài Loan được thông qua tại Hạ Viện Mỹ là một hành động « can thiệp vào công việc nội bộ » của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.