Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TÂN CƯƠNG

Indonesia, đồng minh bất ngờ của Trung Quốc về Tân Cương

Vùng Tân Cương, Trung Quốc, lại thu hút chú ý trong tuần qua, trước tiên với chuyến thăm của phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách chống khủng bố, bị Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích, cho rằng chuyến đi gọi là thị sát này sẽ chứng thực cho luận điểm chống khủng bố được Bắc Kinh dùng để biện minh cho việc đàn áp, bắt giữ cả triệu người Hồi Giáo.

Cổng dẫn vào một trung tâm đào tạo nghề đang được xây dựng ở Dabancheng, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Cổng dẫn vào một trung tâm đào tạo nghề đang được xây dựng ở Dabancheng, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh minh họa. REUTERS/Thomas Peter/File Photo
Quảng cáo

Trong bối cảnh chính sách Tân Cương của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án, Bắc Kinh vừa có được một đồng minh không ai ngờ : Indonesia, quốc gia đông dân cư Hồi Giáo nhất hành tinh.

Theo tờ báo lớn Indonesia, Kompas, ngày 18/06/2019, có cuộc gặp tại đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và đại diện các tổ chức Hồi Giáo Indonesia lớn trên vấn đề khủng bố trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.

Tờ báo trích lời tổng thư ký Hội Hữu Nghị của các tổ chức Hồi Giáo Indonesia, Lufti Amir Attamini, cho rằng « khủng bố ngày nay là kẻ thù chung lớn nhất của chúng ta. Trung Quốc được hoan nghênh khi đến hợp tác với Indonesia vì chúng tôi rất có kinh nghiệm trong việc chống khủng bố ».

Kompas cũng trích nguyên văn lời đại diện Ủy Ban Luật Pháp Quốc Hội Trung Quốc, đã tham gia cuộc gặp và giải thích rằng « trong khuôn khổ áp dụng luật chống khủng bố, chúng tôi cũng áp dụng biện pháp trừng phạt nhằm giúp các công dân hội nhập vào cộng đồng, vào gia đình. Chúng tôi giúp họ, giáo dục họ, cho họ những kỹ năng tốt và có ích cho cộng đồng ».

Một chuyến thăm Tân Cương để phủ nhận việc có đàn áp

Cuộc gặp tại Jakarta nói trên là kết luận của một chuyến đi thăm Tân Cương của đại diện các tổ chức Hồi Giáo Indonesia do Trung Quốc tổ chức vào tháng 02/2019, có sự tham gia của Hội Đồng Các Nhà Thần Học Indonesia, rất bảo thủ, các nhà giáo lý truyền thống của hiệp hội Nahdlatul Ulama và các giáo sĩ tiến bộ của tổ chức Muhammadiyah.

Lãnh đạo Hội đồng Các Nhà Thần Học, ông Mujidin Junardi, vào lúc ấy, đã giải thích với báo Kompas : « Ngoài việc thắt chặt quan hệ với những người Hồi Giáo khác, chuyến đi còn nhằm phản bác các thông tin và lời tố cáo, theo đó người người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp, truy bức, kể cả việc bị bắt bớ, giam cầm trong các trại cải tạo ».

Nhân vật này còn nói thêm là « không nên để bị các truyền thông phương Tây ảnh hưởng, nhất là trong thời buổi chiến tranh thương mại, phải thận trọng trước tin thất thiệt có lợi cho một số quốc gia ».

Báo Kompas nhắc lại là tại Trung Quốc có 23 triệu người Hồi Giáo thuộc 13 sắc tộc khác nhau. Người Duy Ngô Nhĩ chiếm khoảng 10 triệu, và có 720 tổ chức Hồi Giáo tập hợp trong một tổ chức Hồi Giáo duy nhất ở cấp toàn quốc.

Tờ báo Indonesia tỏ vẻ tán thưởng : « Tuy là một quốc gia Cộng Sản tách biệt nghiêm ngặt giữa tôn giáo và Nhà nước, nhưng Trung Quốc qua nhiều cách, đã góp phần cho việc phát triển tôn giáo. Ví dụ đã trợ cấp cho tất cả các đền thờ, tài trợ cho chương trình giáo dục đối với những người muốn trở thành chức sắc Hồi Giáo ».

Tại sao Jakarta không lên tiếng về Tân Cương

Cuộc gặp tại đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta tuần qua và thái độ hậu thuẫn Trung Quốc từ phía các tổ chức Hồi Giáo Indonesia đã được tờ South China Morning Post chú ý. Trong bài báo ngày 23/06/2019, tờ báo tìm cách giải thích : Vì sao Indonesia lại im lặng trước vấn đề các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ (ở Trung Quốc), trong lúc lại phẫn nộ trước cuộc khủng hoảng người Rohingya (ở Miến Điện) ?

Tờ báo Hồng Kông trích một bản báo cáo mới công bố ngày 20/06 của Viện Phân Tích về Chính Sách các Tranh Chấp, trụ sở ở Jakarta, nêu bật trước tiên sự kiện là một số nhân vật và tổ chức Hồi Giáo Indonesia nhìn thấy những thông tin về đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc là những luận điệu tuyên truyền của phương Tây nhằm hạ bệ Trung Quốc, trong lúc mà Bắc Kinh đang có tranh chấp thương mại với Mỹ.

Lý do thứ hai là phía chính quyền của tổng thống Joko Widodo lo ngại rằng việc lên tiếng mạnh mẽ hơn trên vấn đề Tân Cương sẽ khuyến khích cánh Hồi Giáo cực đoan, giúp phe này có ảnh hưởng nhiều hơn trên chính trường Indonesia.

Báo cáo của Viện nghiên cứu nói trên đã trích lời tiến sĩ Munajat Stain một cố vấn cấp cao của tổng thống Joko Widodo, giải thích rằng chính quyền « không muốn dấn thân vào chuyện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ vì điều đó chỉ làm tăng sức mạnh của phe Hồi Giáo cực đoan trong cánh đối lập ».

Cố vấn này xác định : « Các vấn đề ngoại giao của chúng tôi đối với Trung Quốc không phải là chuyện Tân Cương, mà là các hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông và gây bất ổn định an ninh cho vùng Đông Nam Á, chứ không phải là người Duy Ngô Nhĩ ».

Về người Duy Ngô Nhĩ, Indonesia xem hành động của Bắc Kinh là câu « trả lời chính đáng trước vấn đề ly khai », Jakarta có phần nể nang đối tác thương mại quan trọng, không muốn can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc…

Vả lại, hai tổ chức Hồi Giáo lớn của Indonesia là Nahdlatul Ulama và Muhammadiyah đã đến Tân Cương và đã tin vào lời bảo đảm của Trung Quốc là họ bảo vệ tự do tôn giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.