Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hồng Kông : luật dẫn độ dẫn Bắc Kinh vào ngõ hẹp

Đăng ngày:

Chính quyền Trung Quốc muốn biến Hồng Kông thành một đặc khu kiểu mẫu để chiêu dụ hoặc ép buộc Đài Loan hội nhập vào Hoa lục. Tuy nhiên, dân Hồng Kông xuống đường như biển người, vứt bỏ dự luật dẫn độ, cảnh báo Bắc Kinh là họ không để bị nuốt sống. Dự luật bị đình chỉ. Lãnh đạo Hồng Kông và Trung Quốc đều nằm trong thế kẹt.

Protesters hold a placard as they attend a demonstration demanding Hong Kong's leaders to step down and withdraw the extradition bill, in Hong Kong, China, June 16, 2019.
Protesters hold a placard as they attend a demonstration demanding Hong Kong's leaders to step down and withdraw the extradition bill, in Hong Kong, China, June 16, 2019. REUTERS/Jorge Silva
Quảng cáo

Chưa bao giờ chế độ Cộng Sản Trung Quốc bị thách thức mạnh mẽ như vậy kể từ sau phong trào dân chủ Thiên An Môn. Hồng Kông chỉ có 7,3 triệu dân mà hơn 2 triệu người xuống đường chống luật dẫn độ, chống toà án Trung Quốc thay thế tư pháp đặc khu.

Vào năm 2014, phong trào Dù Vàng nổi dậy kéo dài 80 ngày. Lúc đó dân Hồng Kông tranh đấu đòi được quyền bầu lãnh đạo một cách dân chủ và bác bỏ đề nghị « Đảng cử để đại cử tri bầu » của Bắc Kinh. Cuối cùng phe tranh đấu không đạt được gì hết.

Lần này, đối với người dân Hồng Kông, nếu dự luật dẫn độ được ban hành, thì đây sẽ là một bước lùi dân chủ rất lớn, trong khi Hồng Kông có pháp luật hẳn hoi và độc lập.

Dân Hồng Kông xem luật dẫn độ là một âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc. Một nhà tranh đấu lý giải : Nếu luật dẫn độ được ban hành thì người nước ngoài sẽ bỏ Hồng Kông. Không có đầu tư thì Hồng Kông nghèo đi. Hồng Kông nghèo đi thì tất cả mọi người không riêng gì tầng lớp trung lưu bị tổn hại và cuối cùng lệ thuộc vào Hoa lục.

Phá lá chắn « nhất quốc lưỡng chế »

Nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ », lá chắn bảo vệ bản sắc dân tộc từ năm 1997, bị đe dọa nghiêm trọng. Vì sao ? RFI tìm hiểu với giáo sư Jean- François Huchet, đại học ngôn ngữ Đông phương Inalco, Paris trong chương trình « Giải mã »: Nguyên tắc một nước hai chế độ bị đe dọa.

Dự luật này nếu được ban hành sẽ cho phép dẫn độ bất kỳ một người nào đang cư trú tại Hồng Kông bị cáo buộc là phạm pháp theo một định nghĩa rất mơ hồ, qua một nước khác nhất là Trung Quốc. Tất cả mọi người đều có thể bị luật này chi phối từ những nhà hoạt động chính trị cho đến các tổ chức thiện nguyện. Từ năm 1997, rất nhiều nhà hoạt động, nghiệp đoàn độc lập chạy sang lãnh địa này tị nạn. Một hiệp hội bảo vệ người lao động, bị cấm hoạt động tại Hoa lục, nếu đặt cơ sở ở Hồng Kông vẫn có thể bị truy tố theo luật Trung Quốc trong khi Hồng Kông có một hệ thống tư pháp độc lập. Luật Hồng Kông, do yếu tố lịch sử, là luật của Anh Quốc nên hoàn toàn khác với luật của chế độ Trung Quốc. Toà án Hồng Kông độc lập với chính quyền trong khi đó, luật pháp tại Hoa lục như thế nào thì mọi người đã rõ. Người Hồng Kông do vậy rất sợ viễn ảnh bị xét xử theo công lý một chiều của Trung Quốc không theo nguyên tắc tam quyền phân lập như ở Hồng Kông hiện nay.

Vì sao Bắc Kinh phá mô hình « một quốc gia hai chế độ », đề xuất của chính ông Đặng Tiểu Bình ? Giáo sư Jean- François Huchet :

Một quốc gia hai chế độ là nguyên tắc được thiết lập trong vòng đàm phán giữa Luân Đôn và Bắc Kinh trong những năm 1980, 1984. Đó là công thức cho phép Trung Quốc thu hồi một lãnh địa mà đời sống được tổ chức một cách hoàn toàn khác biệt với Hoa lục vẫn được tiếp tục sinh hoạt như thế thêm 50 năm nữa, từ 1997 đến năm 2047 thì chấm dứt.

Chúng ta thấy Hồng Kông được tự trị trong nhiều lĩnh vực. Về thương mại, Hồng Kông là thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, có hệ thống tài chính riêng, tiền tệ riêng. Trong thống kê hoạt động thương mại thế giới, Hồng Kông cũng độc lập với Trung Quốc.

Từ 22 năm qua, chính quyền Trung Quốc luôn cảm thấy khó chịu vì mảnh đất nhỏ dân chủ này cho dù chỉ là một nền dân chủ tương đối. Trong khi đó, người dân Hồng Kông muốn cải cách sâu rộng hơn nữa, muốn dân chủ hơn nữa nên xảy ra phong trào « Dù Vàng » năm 2014, đòi bầu trưởng đặc khu theo lối phổ thông đầu phiếu và tự do. Trung Quốc cũng gặp chống đối ngay từ năm 1997 khi muốn thụt lùi xóa đi những tiến bộ chính trị tại Hồng Kông mà vị toàn quyền cuối cùng là Chris Patten mang lại nhất là về bầu cử lãnh đạo và nghị viện.

Hồng Kông ra sao sau năm 2047 ?

Câu hỏi then chốt là sau năm 2047 thì Hồng Kông sẽ ra sao ? Theo thông tín viên Florence de Changy của RFI và Le Monde, dân Hồng Kông không nghĩ xa xôi. Nhiều người biểu tình cho biết họ chỉ mong « Hồng Kông là Hồng Kông từ nay cho đến 2047. Trước khi đến kỳ hạn chừng 15 năm thì họ sẽ tính đến thời hậu 2047 ». Tuy nhiên, công luận hy vọng trong 22 năm còn lại, tình hình sẽ có biến chuyển. Dường như trong các cuộc thương lượng, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Anh Margaret Thatcher ngầm dự đoán là vào thời điểm đó, chính sách mở cửa và tứ hiện đại hóa cộng với dân chủ hóa, Trung Quốc trở thành một nước dân chủ. Do vậy, thống nhất với Hoa lục không còn là một chướng ngại.

Còn theo giáo sư Jean-François Huchet , tất cả tùy thuộc vào diễn tiến tình hình tại Hoa lục và Hồng Kông từ nay cho đến 2047. Với Tập Cận Bình, liệu Trung Quốc tiếp tục làm mọi cách để siết chặt, để kềm tỏa Hồng Kông bằng những văn bản pháp lý như dự luật dẫn độ. Nếu chính quyền Trung Quốc thành công thì xem như xóa sạch nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ ». Năm 2047 sẽ đến một cách êm ả, không có chuyện gì đặc biệt để nói.

Vấn đề là dân Hồng Kông cương quyết bảo vệ văn hóa, bản sắc yêu chuộng tự do của mình :

Có rất nhiều khác biệt giữa Hồng Kông và Hoa lục. Tự do báo chí, người dân được tự do phát biểu, tự do học hành, không bị nhồi sọ tuyên truyền chính trị. Trong nhiều lãnh vực, Hoa lục không thể sánh bằng Hồng Kông. Dân Hồng Kông có quyền tự do lập hội, tự do thành lập nghiệp đoàn bảo vệ người lao động, có quyền biểu tình, có quyền đình công. Người dân Hồng Kông có dịp sang Hoa lục đều nhận ra được sự khác biệt giữa hai xã hội.

Vì sao có sự khác biệt văn hóa này ? Trước hết, dân Hồng Kông là dân tứ xứ. Một bộ phận là thế hệ hai, thế hệ ba, ông bà cha mẹ có gốc gác ở Hoa lục nhưng chạy qua Hồng Kông trốn chế độ cộng sản Mao Trạch Đông. Những người này có ký ức đau thương với quê cha đất tổ.

Thành phần thứ hai, cũng từ Hoa lục chạy sang nhưng gần đây hơn, vào thập niên 1980 khi Trung Quốc mở cửa. Thế nhưng, thành phần này, sau 15 năm, 20 năm sống tại Hồng Kông, họ tự xem mình là người Hồng Kông hơn là người Hoa lục, một phần cũng vì thừa hưởng cuộc sống tự do.

Do hiện tượng di dân này mà tỷ lệ người Hoa lục định cư tại Hồng Kông ngày càng tăng so với dân bản địa.Thế nhưng Bắc Kinh muốn nhanh chóng « Hán hóa » lãnh địa bằng những kế hoạch mà cuối cùng phải đình chỉ vì đụng với tinh thần phản kháng mãnh liệt. Cụ thể là dự án bắt học sinh phải được giáo dục ái quốc theo nghĩa không cho rèn luyện tinh thần phê phán. Phải học lịch sử Trung Quốc nhưng không được tìm hiểu về các sự kiện lịch sử quan trọng như vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 hoặc có thì cũng chỉ trình bày một chiều theo kiểu tuyên truyền ở Trung Quốc.

Mục đích của giáo dục ái quốc là làm cho người dân Hồng Kông trở thành ngoan ngoãn hơn, yêu Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, đụng đến giáo dục, Trung Quốc gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo, kiểm soát rất nhiều trường học ở Hồng Kông. Người ta không quên Hồng y Trần Nhật Quân, người bảo vệ triệt để nền dân chủ tại Hồng Kông cũng là động lực cỗ vũ cho các phong trào tranh đấu đẩy lùi các dự án siết chặt tự do trong đó có dự án cải cách giáo dục năm 2012.

Mưu toan « Hán hóa » không thành công. Trong đời sống hàng ngày, người ta thường xuyên chứng kiến những vụ cãi vã giữa du khách Hoa lục và dân cư Hồng Kông. Điều này cho thấy có sự xung khắc giữa hai nền văn hóa.

Hồng Kông, Đài Loan trong thế liên hoàn : ác mộng của Bắc Kinh

Một câu hỏi không kém quan trọng ở đây là phải chăng chính quyền thân Bắc Kinh ở Hồng Kông đánh giá thấp dân chúng đặc khu ? Hoặc là Tập Cận Bình muốn nhanh chóng « bình định chư hầu để củng cố quyền thiên tử » theo văn hóa phong kiến ? Theo giáo sư Jean- François Huchet, Bắc Kinhlo sợ một phong trào độc lập nổi dậy ở Hồng Kông, tạo thêm thanh thế cho Đài Loan :

Lúc khởi đầu, nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ » được Trung Quốc tôn trọng khá rộng rãi trừ trường hợp liên quan đến bầu cử tự do mà toàn quyền Chris Patten ban hành trong những ngày tháng cuối cùng. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, Bắc Kinh tiến hành chính sách cứng rắn tại khắp các lãnh thổ ven biên từ Tây Tạng cho đến Tân Cương. Tại Tân Cương, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tập trung cải tạo. Trung Quốc cũng lên giọng với Đài Loan và quốc tế. Hồng Kông cũng là nạn nhân trong chính sách này. Trong lãnh vực xuất bản xảy ra chuyện chủ nhân và nhân viên bị bắt cóc đem về Hoa lục. Ở đại học, ngày càng có nhiều giới hạn về chương trình giảng dạy. Tự do báo chí và độc lập tư pháp cũng bị siết từ từ.

Năm 2014, xảy ra phong trào « Dù vàng » khi Bắc Kinh muốn sửa luật bầu cử tại Hồng Kông. Một lần nữa, Trung Quốc đụng phải giới trẻ ý thức tương lai gắn liền với nền dân chủ. Đó là lần đầu tiên phong trào học sinh sinh viên tung ra khẩu hiệu « đòi độc lập ». Điều này làm Bắc Kinh lo sợ một phong trào độc lập nổi lên và lan rộng. Đó là lý do cần có một đạo luật dẫn độ để toà án Trung Quốc có thể trừng phạt các nhà hoạt động chính trị với những bản án nặng nề.

Dự luật dẫn độ làm tràn ly nước đầy vì đụng thẳng vào nguyên tắc cơ bản của quyền tự do vì vậy mà dân Hồng Kông cực lực phản đối.

Donald Trump xoa tay

Kế hoạch mở đường « pháp lý » triệt đối lập và đảng viên ly khai trốn qua Hồng Kông tạm thời bị ngưng lại.

Trên thực tế, Trung Quốc rơi vào ngõ cụt. Hoặc Bắc Kinh thú nhận sai lầm, nhìn nhận chiến thắng của phong trào xuống đường với hệ quả là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức. Nếu không, phe thân Bắc Kinh có nguy cơ bị thất bại lớn trong cuộc bầu cử hai năm tới (Le Monde 18/06/2019).

Điều nguy hiểm cho Bắc Kinh hơn nữa là tại Hoa Kỳ, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà cùng quyết định là nếu Hồng Kông không còn chính quyền thượng tôn pháp luật thì Washington sẽ đình chỉ các hiệp định kinh tế với đặc khu, chấm dứt những đặc quyền mà Bắc Kinh thụ hưởng gián tiếp. Nói cách khác, « luật dẫn độ » vô tình tặng cho Donald Trump một lá chủ bài mới trong canh phé chiến tranh thương mại với Tập Cận Bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.