Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Bắc Kinh bóp nghẹt hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ?

Phong trào chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tại Hồng Kông tháng 6/2019, buộc chính quyền và Bắc Kinh lùi bước. Dự luật bị đình lại. Phong trào dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi hiếm hoi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cảnh báo: Bắc Kinh chỉ tạm nhân nhượng. Về dài hạn, Trung Quốc đang thực thi kế hoạch bóp nghẹt hệ thống bầu cử tại cựu thuộc địa Anh Quốc, vốn mang nhiều chất dân chủ. RFI giới thiệu nhận định của nhà bình luận chính trị Hồng Kông Tang Phổ (Sang Pu), trên mạng Asialyst (1).

Nhiều người biểu tình mang Dù vàng, biểu tượng của phong trào "Occupy Central/Chiếm lĩnh trung tâm", Hồng Kông, 9/6/2019.
Nhiều người biểu tình mang Dù vàng, biểu tượng của phong trào "Occupy Central/Chiếm lĩnh trung tâm", Hồng Kông, 9/6/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

1 - Thao túng quy chế bầu cử lãnh đạo đặc khu

Nhà bình luận Tang Phổ, trong bài « Trung Quốc hủy hoại dần mòn hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ? », trước hết nhấn mạnh đến sự thao túng của chính quyền Trung Quốc đối với việc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính và Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (tên viết tắt là LegCo, hay Nghị Viện đặc khu).

Trước hết là vấn đề lãnh đạo đặc khu Hồng Kông. Kể từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, người đứng đầu đặc khu này được bầu 5 năm một lần. Cử tri Hồng Kông không có quyền bầu trực tiếp lãnh đạo Hồng Kông. Người đảm nhiệm chức vụ này do một ủy ban bầu cử (có tên « Tuyển cử ủy viên hội ») quyết định.

Theo lịch trình mà Luật cơ bản của Hồng Kông vạch ra, đặc khu này sẽ phải trở thành « một nền dân chủ thực thụ », có nghĩa là lãnh đạo đặc khu phải được bầu lên thông qua con đường phổ thông đầu phiếu, sau khi được một ủy ban - mang tính đại diện thực sự - lựa chọn theo thể thức dân chủ (điều 45), cũng như việc mọi dân biểu của Nghị Viện cũng phải được chọn ra thông qua con đường phổ thông đầu phiếu (điều 68).

Tuy nhiên, hy vọng Hồng Kông đi đến một dân chủ thực sự đã bị bóp nghẹt. Ngày 31/08/2014, Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc đã dội gáo nước lạnh vào niềm hy vọng le lói của cử tri Hồng Kông, khi chính thức thông báo thể thức siết chặt việc bầu lãnh đạo đặc khu mới, kể từ năm 2017.

Ủy ban 1.200 thành viên (Tuyển cử ủy viên hội), với đa số thành phần do Bắc Kinh kiểm soát (2), có trách nhiệm chọn ra từ hai đến ba ứng cử viên chính thức, tranh cử chức vụ đứng đầu đặc khu, để sau đó đưa ra cho cử tri bỏ phiếu. Quy định này chặn đứng khả năng thực thi các nguyên tắc hướng đến dân chủ trong Luật cơ bản (Basic Law), hay Hiến pháp của Hồng Kông. Theo quyết định từ Bắc Kinh, tất cả các đảng phái chính trị tại Hồng Kông, hay cử tri Hồng Kông, dù với số lượng bao nhiêu, đều không có quyền trực tiếp cử người ra tranh chức lãnh đạo đặc khu.

Quyết định của Quốc Hội Trung Quốc gây một làn sóng phản kháng chưa từng có, với phong trào bất tuân dân sự « Cách mạng Dù vàng », kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đổi ý. Lãnh đạo Hồng Kông như vậy vẫn tiếp tục được bầu lên theo thể thức « bất công » lâu nay.

2 – Thao túng quy chế bầu cử Nghị Viện

Bên cạnh quy chế bầu lãnh đạo đặc khu, nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng chỉ trích cơ chế bầu cử Nghị Viện Hồng Kông hiện hành. Nghị Viện Hồng Kông với 70 nghị sĩ, được chia thành hai khối. Khối 35 dân biểu do cử tri 5 quận của Hồng Kông bầu lên trực tiếp và khối 35 nghị sĩ khác. Trong khối 35 nghị sĩ thứ hai, có 30 người được đại diện của khoảng 30 nhóm ngành nghề, và 5 người còn lại do 400 thành viên các hội đồng địa phương bầu chọn.

Các lực lượng chính trị dân chủ Hồng Kông nhìn chung được sự ủng hộ của khoảng từ 55 đến 60% cử tri đặc khu. Nhưng việc thiết kế quy chế bầu cử theo kiểu này đã cho phép Bắc Kinh gần như thao túng được toàn bộ các quyết định quan trọng.

Việc thiết kế hệ thống Nghị Viện theo hai nhóm đã tạo một rào cản khó vượt qua. Bởi một đề xuất lên Nghị Viện chỉ được thông qua, nếu được thông qua với đa số phiếu trong cả hai nhóm nghị sĩ. Mà chính quyền Trung Quốc lại đã có được sự ủng hộ của khoảng hai phần ba trong số đại diện các nhóm ngành nghề.

Viễn cảnh cải cách hướng đến cử tri bầu trực tiếp toàn bộ 70 nghị sĩ Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông trở nên bất khả thi sau quyết định của Quốc Hội Trung Quốc, chỉ chấp nhận thể thức bầu dân chủ nói trên, một khi thể thức bầu lãnh đạo đặc khu theo quy định mới được thông qua. Mà bầu theo thể thức mới có nghĩa là người dân Hồng Kông chỉ được phép chọn lựa người lãnh đạo trong số các ứng viên đã được Bắc Kinh phê chuẩn.

3 - Gài người vào các tổ chức dân chủ để gây chia rẽ

Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì quy chế bầu cử Nghị Viện đối với nhóm 35 dân biểu cử tri bầu trực tiếp tại các đơn vị địa lý – hành chính, nhìn chung khuyến khích nhiều ứng cử viên quyết định lập ra các đảng phái chính trị mới. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự nở rộ của nhiều đảng phái dân chủ ở Hồng Kông trong thập niên vừa qua. Để thể hiện sự khác biệt với các đảng phái truyền thống, họ phải tỏ ra sáng tạo, thậm chí cực đoan hơn. Các đảng phái chính trị mới cũng mở rộng cửa cho người dân tham gia. Đây chính là một cơ hội khiến Bắc Kinh thao túng một số đảng mới, để thực hiện chính sách « chia để trị ».

Một trong các biện pháp chủ yếu của chính quyền Trung Quốc là đưa người vào một số đảng mới xuất hiện, và sử dụng các tổ chức này để reo rắc tư tưởng cực đoan, mỵ dân, nhằm gây chia rẽ, xung đột nội bộ, khiến dân chúng ít tin tưởng hơn vào các đảng phái dân chủ... Cùng một chiến thuật này đã được Bắc Kinh sử dụng tại Đài Loan, Úc, Canada và thậm chí tại Mỹ.

Nhà bình luận chính trị Tang Phổ đặc biệt nhấn mạnh đến thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm chia rẽ các nhóm được coi là « ôn hòa » với các nhóm « triệt để », giữa các lực lượng dân chủ truyền thống với các nhóm ủng hộ tự trị hay độc lập cho Hồng Kông. Vụ rối loạn tại khu Mongkok năm 2016 bị điểm mặt là có bàn tay của Trung Quốc. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Tháng 10/2016, một người tên là Win-kin Cheng đã bị một tòa án cấp quận của Hồng Kông kết án, vì đã tìm cách hối lộ một số chính trị gia ủng hộ tự trị cho Hồng Kông (trong đó có ông Lương Tụng Hằng (Sixtus Leung), đảng Yongspiration - Thanh Niên Tân Chánh), nhằm thuyết phục họ ra ứng cử, nhằm phân tán phiếu bầu cho các ứng cử viên khác (không có chính trị gia nào chấp nhận). Win-kin Cheng khai đã nhận tiền của một doanh nhân Trung Quốc họ Lý. Theo Minh Báo Hồng Kông, thì môi giới cho Win-kin Cheng và doanh nhân họ Lý gặp nhau là một số người có quan hệ thân cận với Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại đặc khu Hồng Kông.

4 - Một số thủ đoạn mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ

Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì kể từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc thúc đẩy Hồng Kông có thêm một số biện pháp mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ ngay từ vòng đăng ký tranh cử, và trong trường hợp đã đắc cử, ứng cử viên đắc cử vẫn có thể bị loại do vướng vào quy định tuyên thệ không đúng cách.

Kể từ năm 2016, những người muốn tranh cử dân biểu phải ký vào một tờ khai in sẵn, khẳng định tôn trọng Luật cơ bản, đặc biệt là điều 1, đòi hỏi phải chấp nhận Hồng Kông là một bộ phận « không thể tách rời » của Trung Quốc. Những người muốn ứng cử cũng phải khẳng định trung thành với chính quyền Hồng Kông, bằng văn bản viết. Chính quyền Hồng Kông dành cho người đứng đầu ủy ban tổ chức bầu cử quyền hạn rất lớn trong việc thẩm định việc một cử tri có trung thành với Luật cơ bản một cách « thành thực » hay không.

Theo nhà bình luận Tang Phổ, chính quyền Hồng Kông liên tục chuyển dịch « lằn ranh đỏ », tùy theo đòi hỏi chính trị nhất thời, đi ngược lại Quy ước về quyền dân sự và chính trị của chính đặc khu Hồng Kông, khiến cán cân chính trị tại Hồng Kông ngày càng nghiêng về phe thân Bắc Kinh. Thể thức thẩm định độc đoán này hiện có xu hướng mở rộng sang các cuộc bầu cử địa phương, sắp diễn ra. Thể thức này hiện đã được một tòa án cấp dưới chấp thuận.

Việc không tuân thủ đúng quy định về tuyên thệ nhậm chức dân biểu cũng có thể bị coi là một tiêu chí để loại trừ một ứng cử viên đắc cử. Trong những đợt bầu cử trước, nhiều nghị sĩ phe dân chủ đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc đọc sai lời tuyên thệ, hoặc mang trang phục với dấu hiệu phản kháng, để thể hiện sự bất tuân đối với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, nhưng cho dù lời tuyên thệ bị đọc sai (ví dụ như đọc sai chữ « Trung Quốc » hay biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi chẳng hạn), các tân nghị sĩ vẫn có thể đọc lại.

Giờ đây, theo cách giải thích về điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông của Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc (2016), người đắc cử dân biểu không có quyền tuyên thệ lần thứ hai để sửa sai. Tòa thượng thẩm Hồng Kông đã chấp nhận cách giải thích của Quốc Hội Trung Quốc. Theo ông Tang Phổ, cách giải thích này là hết sức phi lý, chưa có tiền lệ và hoàn toàn không dựa vào luật Hồng Kông. Chưa kể việc điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông không hề nói đến việc tân dân biểu phải tuyên thệ trung thành nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Ngày 15/12/2017, phe dân chủ mất đa số tuyệt đối tại Nghị Viện, do một số dân biểu bị loại, vì các siết chặt nói trên.

Nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng nhấn mạnh đến chiến lược tổng thể của chính quyền Trung Quốc, cùng chính quyền Hồng Kông, đang hủy hoại dần dần từng bước một các định chế dân chủ tại Hồng Kông, như « bóc hành theo từng lớp vỏ ». Phương thức mà Bắc Kinh đang làm không khác những gì mà chính quyền phát xít Đức đã làm trước đây đối với các lực lượng chính trị cộng sản, nghiệp đoàn, các tổ chức của người Thiên Chúa giáo, người Do Thái… trước và trong Thế Chiến Hai (3).

Ghi chú :

1) Bài« Hong Kong : comment Pékin déconstruit patiemment le système électoral », Asialyst, 16 juin 2019 (người dịch sang tiếng Pháp David Bartel). Bài viết nằm trong cuốn China’s Sharp Power in Hong Kong, tác phẩm tập thể do Benny Yiu Ting-tai và một số lãnh đạo phong trào Occupy Central phụ trách.

2) Quy định thành phần hơn 1.000 thành viên ủy ban bầu chọn lãnh đạo đặc khu, trong Luật cơ bản Hồng Kông, được đánh giá là có lợi cho việc Bắc Kinh đưa người thân cận vào định chế quan trọng này.

3) Ông Tang Phổ cũng dự đoán Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các thủ đoạn nhằm hủy diệt dân chủ tại Hồng Kông, như sắp xếp lại các đơn vị bầu cử, kể từ cuộc bầu cử các hội đồng cấp quận năm 2019 (bổ sung thêm 21 đơn vị), cho phép người dân có giấy tờ thường trú - trong đó có nhiều thành phần thân cận với chế độ Bắc Kinh - bỏ phiếu, đầu tư tài lực hậu thuẫn để các ứng viên thân Bắc Kinh mua chuộc cử tri… hay giải tán một số đảng phái chính trị (như Đảng Dân Tộc Hồng Kông).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.