Vào nội dung chính
LHQ - MIẾN ĐIỆN

Khủng hoảng Rohingya : « Sự bất lực mang tính hệ thống » của LHQ

Theo một báo cáo hôm 17/06/2019, Liên Hiệp Quốc đã thể hiện « sự bất lực mang tính hệ thống » ở giai đoạn 2010 - 2018 trong vụ hàng trăm ngàn người sắc tộc Hồi Giáo thiểu số Rohingya phải chạy khỏi Miến Điện sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn kể từ tháng 08/2017.

Hàng trăm người Rohingya Miến Điện tị nạn tại Bangladesh phản đối hồi hương tại trại Unchiprang, Teknaf, Bangladesh, ngày 15/11/2018.
Hàng trăm người Rohingya Miến Điện tị nạn tại Bangladesh phản đối hồi hương tại trại Unchiprang, Teknaf, Bangladesh, ngày 15/11/2018. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Quảng cáo

Trên đây là kết luận trong báo cáo mà nhà ngoại giao người Guatemala, Gert Rosenthal, thực hiện theo yêu cầu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress. Báo cáo 36 trang được trình lên tổng thư ký Guteress vào ngày hôm qua 17/06/2019, trước khi được công bố cho toàn thể thành viên Liên Hiệp Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, quan chức ngoại giao Gert Rosenthal chỉ trích Liên Hiệp Quốc hoạt động « thiếu sự phối hợp chặt chẽ mang tính hệ thống, thiếu một chiến lược rõ ràng và thống nhất, thiếu những phân tích hệ thống và thống nhất từ thực địa ».

Ông Rosenthal nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc cần có « các kênh liên lạc rõ ràng, minh bạch theo cả chiều dọc và chiều ngang », để bảo đảm các quyết định được đưa ra từ cấp cao nhất được tất cả các thành viên có liên quan hiểu rõ và thực hiện. Liên Hiệp Quốc cũng cần cải tiến việc « tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu và các phân tích ».

Theo ông Gert Rosenthal, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Rohingya là cộng đồng quốc tế ban đầu chỉ mải mê quan tâm đến tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện, với biểu tượng là bà Aung San Suu Kyi. Hồi cuối năm 2017, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, khi đó là bà Renata Lok-Dessallien, đã bị tố cáo là ưu tiên cho các hoạt động trợ giúp phát triển kinh tế cho Miến Điện hơn là bảo vệ nhân quyền. Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ cáo buộc nói trên.

Trong một thông cáo, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) chỉ trích việc thiếu biện pháp xử lý nhắm vào các quan chức Liên Hiệp Quốc, đã gây ra sự bất lực của định chế quốc tế này trong hồ sơ người Rohingya ở Miến Điện.

Từ tháng 08/2017, khoảng 740.000 người Hồi Giáo thiểu số Rohingya đã phải trốn chạy khỏi các chiến dịch đàn áp của quân đội Miến Điện. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã kết luận quân đội Miến Điện phạm « tội diệt chủng ». Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An vẫn bị chia rẽ và không thể ngăn cản chiến dịch đàn áp người Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.