Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH

Không một ai ở Hồng Kông biểu tình ủng hộ luật dẫn độ!

Sau cuộc biểu tình vĩ đại ở Hồng Kông hôm Chủ nhật 16/06/2019, độc giả báo Le Monde đã đặt nhiều câu hỏi cho thông tín viên của tờ báo tại Hồng Kông, Florence de Changy. Sau đây là một số nội dung trao đổi trên trang web của tờ báo Pháp.

Người biểu tình Hồng Kông chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đối mặt với cảnh sát, 16/06/2019.
Người biểu tình Hồng Kông chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đối mặt với cảnh sát, 16/06/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Tôi nghe nói rằng hệ thống bầu cử Hồng Kông dành ưu tiên cho các đảng thân Bắc Kinh. Quý báo có thể giải thích ?

Đây chỉ là tóm lược nhiều tình hình khác nhau tùy theo loại bầu cử. Bắt đầu bằng cấp cao nhất : bầu trưởng đặc khu Hồng Kông. Chỉ có 1.200 « cử tri » có quyền bỏ phiếu, và cử tri đoàn này gồm nhiều nhân tố trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị ; hầu hết thân Hoa lục. Thế nên hầu như bảo đảm rằng đa số các « đại cử tri » này đều bầu cho ứng cử viên được Bắc Kinh ưa thích. Trong số 1.200 phiếu đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã được 777 phiếu, và người tiền nhiệm của bà là Lương Chấn Anh (C.Y. Leung) mang biệt danh 689, vì ông được đúng số phiếu đó để giành đa số. Trước thời kỳ này, các ứng cử viên dân chủ rất khó đắc cử, tuy cũng đã có người chiến thắng.

Tại LegCo, tức Nghị viện Hồng Kông, phân nửa số ghế được phân bố cho các đại biểu đại diện cho ngành nghề hoặc nhiều giới trong xã hội, và phe thân Bắc Kinh luôn luôn chiếm đa số. Phân nửa số ghế còn lại được phân phối theo khu vực bầu cử, và nhìn chung, các ứng cử viên dân chủ thường giành được quá bán số ghế này. Ngoài ra còn có 5 « ghế đặc biệt » mà tất cả mọi người đều có thể bầu.

Nhưng từ sau cuộc bầu cử lập pháp năm 2016, chính quyền đã áp đặt các quy định mới, ngăn trở một số ứng cử viên đối lập ra tranh cử - đây là trường hợp của tất cả các thành viên đảng Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí). Chính quyền còn loại ra sáu dân biểu đối lập, chủ yếu vì lý do họ « tuyên thệ không đúng đắn ».

Về bầu cử địa phương thì dân chủ hơn, nhưng các ứng cử viên thân Bắc Kinh thường có trong tay nhiều phương tiện hùng hậu để lấn át đối lập.

Các cuộc biểu tình lần này có mang ý nghĩa lịch sử ? Người dân Hồng Kông đã từng xuống đường rất nhiều lần trong cuộc « Cách mạng Dù » trước đó…

Đương nhiên là các cuộc biểu tình kỳ này mang tầm vóc lịch sử to lớn, chỉ nói riêng về quy mô. Hồng Kông chỉ có 7,3 triệu dân ; nên thật đáng nể khi rầm rộ như thế mà rất ôn hòa, kỷ luật, không hề bạo lực - ở đây tôi chỉ đề cập đến hai cuộc xuống đường hôm Chủ nhật 9 và 16/6. Còn cuộc « Cách mạng Dù » kéo dài 79 ngày trước đây thì mục đích đấu tranh có khác.

Năm 2014, người Hồng Kông tranh đấu để có thể bầu ra trưởng đặc khu một cách dân chủ hơn, từ chối phương án của Bắc Kinh. Rốt cuộc người dân không được nhượng bộ gì cả. Nhưng dự luật dẫn độ đã dẫn đến các cuộc biểu tình hiện nay, theo quan điểm của người Hồng Kông, là một bước thụt lùi quá lớn. Nếu được thông qua, thì đó sẽ là sự xóa bỏ nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » mà lẽ ra họ được hưởng cho đến năm 2047. Vì vậy mà dự luật này đụng chạm sâu sắc đến bản sắc của Hồng Kông.

Liệu Trung Quốc có chịu dừng lại ở đây hay không ? Tương lai Hồng Kông sẽ ra sao ?

Tối thứ Hai 17/06/2019 Bắc Kinh vừa tái khẳng định sự ủng hộ đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Sẽ rất nhạy cảm, thậm chí tai hại cho Trung Quốc nếu bỏ rơi bà ta ngay sau khi người dân biểu tình, điều này có nguy cơ tạo ra một tiền lệ không thể quản lý nổi. Đồng thời, nếu chính quyền không chấp nhận một số yêu cầu của người biểu tình trong những ngày, những tuần sắp tới, cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng và trở nên phức tạp hơn.

Tất cả cho thấy chính quyền trung ương đang tìm kiếm một « kế hoạch B ». Nhưng một trưởng đặc khu đủ trung thành với Bắc Kinh và lại chiếm được lòng tin của người Hồng Kông, thì không dễ tìm ra !

Trung Quốc có thể tự cho phép mình « nhả » Hồng Kông ra, với nguy cơ lây lan sang các lãnh thổ khác mà họ muốn khống chế (như Đài Loan chẳng hạn) ?

Không có bất kỳ trường hợp nào Trung Quốc có thể để cho Hồng Kông được tự do. Đó là thành phố duy nhất mang tính quốc tế thực sự của Trung Quốc, Hồng Kông tiếp tục đóng vai trò trung gian quan trọng giữa Hoa lục và phần còn lại của thế giới.

Còn Đài Loan thì độc lập từ năm 1949 (từng bị Nhật kiểm soát trong vòng 50 năm, từ 1985 đến 1945). Cho dù Trung Quốc của Tập Cận Bình có muốn chiếm lấy Đài Loan đi nữa, thì sự độc lập của vùng đất này trên thực tế đã kéo dài suốt 70 năm. Đài Loan từ hơn 20 năm qua đã là một đất nước dân chủ. Hai trường hợp này rất khác nhau.

Trung Quốc có thể xé toạc hiệp ước đã ký, về quyền tự trị của Hồng Kông cho đến năm 2047 ?

Trung Quốc phải tôn trọng hiệp ước, vì đã cam kết giữ nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » cho đến 2047. Basic Law (luật căn bản, tức Hiến pháp Hồng Kông) quy định đặc khu được « tự trị ở mức độ cao » đối với công việc nội bộ của mình (tư pháp độc lập, đồng tiền quy chiếu với đô la…). Ngược lại Hồng Kông giao phó cho Trung Quốc vấn đề quốc phòng.

Vì sao bằng ấy người dân Hồng Kông lại ồ ạt xuống đường ? Quyền tự do nào đang bị đe dọa ?

Cư dân Hồng Kông cảm thấy bị đe dọa, bởi sự can thiệp ngày càng lớn của Trung Quốc vào cuộc sống và cách sống của họ. Họ nhận ra rằng với dự luật gây tranh cãi, Bắc Kinh bất kỳ lúc nào cũng có thể yêu cầu dẫn độ một công dân Hồng Kông, thậm chí một người ngoại quốc quá cảnh sang đây. Chỉ riêng ý nghĩ này đã không thể chấp nhận được. Hơn nữa tư pháp Hồng Kông nổi tiếng là nghiêm minh, cho dù Trung Quốc có thể can thiệp trong một ít trường hợp đặc biệt.

Cuối cùng thì có ích lợi gì khi đi biểu tình, vì dù sao đi nữa đến năm 2047 Hồng Kông cũng sẽ thuộc về Trung Quốc ? Người dân chỉ làm chậm lại điều không thể tránh khỏi.

Những người biểu tình khi tôi hỏi câu tương tự, họ trả lời : « Năm 2047 à, hãy còn quá sớm để nghĩ đến ». Điều mà họ muốn, là Hồng Kông vẫn là Hồng Kông, như đã thỏa thuận. Lẽ tự nhiên là mươi, mười lăm năm trước khi đến kỳ hạn, người ta sẽ bàn bạc đến hậu 2047, nhưng từ nay cho đến lúc đó sẽ có nhiều sự kiện xảy ra.

Khi kỳ hạn này được Đặng Tiểu Bình và bà Margaret Thatcher ấn định, chừng như ý tưởng được hiểu ngầm là từ đây đến đó, với chủ trương mở cửa của Bắc Kinh trong thập niên 80, Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ và sự hợp nhất giữa hai chế độ sẽ gần như là điều tự nhiên…

Tác động từ sự ủng hộ của quốc tế ra sao ?

Sự can thiệp của cộng đồng quốc tế khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng điều này cũng chứng tỏ là họ không thể làm ngơ được. Đây có thể là con dao hai lưỡi, vì Trung Quốc thích lu loa rằng người biểu tình bị « thế lực thù địch » bên ngoài xúi giục, cho dù kiểu tuyên truyền này chẳng mấy khả tín.

Có cuộc biểu tình nào ủng hộ dự luật dẫn độ không, và nếu có, thì số người xuống đường là bao nhiêu ?

Theo tờ báo nhà nước China Daily, thì có đến 800.000 người, nhưng bản thân tôi có mặt tại chỗ, thì tôi chẳng thấy mống nào !

Thật sự mà nói, những người biểu tình thân Trung Quốc rất dễ nhận ra, vì họ thường được trả tiền để tham gia một số sự kiện. Các « biểu tình viên » này có thật, người ta từng thấy họ khá đông đảo khi chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hồng Kông hôm 01/07/2017, nhưng sự hiện diện của họ chẳng có giá trị gì. Những người ủng hộ giả hiệu này thường từ chối trả lời, và mỗi khi đặt câu hỏi, tôi cảm thấy họ chả hiểu gì về sự kiện mà họ tham gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.