Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Luật dẫn độ Hồng Kông : Trung Quốc lên án Châu Âu can thiệp nội bộ

Trong khi người biểu tình tại Hồng Kông tiếp tục cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, lần lượt Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc lên tiếng kêu gọi chính quyền Hồng Kông không  thông qua dự luật này. Hôm nay, 13/06/2019, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, Bắc Kinh lên án Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và cũng là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Biểu tình tại Hồng Kông ngày 12/06/2019 phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.
Biểu tình tại Hồng Kông ngày 12/06/2019 phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Trước đó, vào chiều ngày 12/06, trong một thông cáo, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi phải « tôn trọng » các quyền biểu tình và bày tỏ chính kiến của người Hồng Kông. Bruxelles cũng tỏ ý dồng tình với nhiều điểm trong số những lo ngại của người biểu tình Hồng Kông về dự luật dẫn độ.

Trong thông cáo, phát ngôn viên ngoại giao Châu Âu, bà Maja Kocijancic, bày tỏ quan điểm về dự luật dẫn độ : « Đây là vấn đề nhạy cảm, có hậu quả tiềm ẩn đáng kể cho Hồng Kông và người dân, cho các công dân Châu Âu và các nước, cũng như cho lòng tin của các công ty tại Hồng Kông ».

Riêng Anh Quốc, nước có thuộc địa cũ là Hồng Kông, cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngừng thông qua dự luật đang bị đông đảo người dân phản đối.

Trước Nghị Viện, thủ tướng Theresa May hôm qua tuyên bố : « Chúng tôi lo ngại về hệ quả tiềm ẩn của dự luật ( dẫn độ), nhất là khi rất đông công dân Anh đang sống tại Hồng Kông ». Bà May nhấn mạnh, « điều cốt lõi là dự luật dẫn độ được áp dụng tại Hồng Kông phải phù hợp với luật pháp và các quyền tự do ghi trong « Tuyên bố chung Anh-Trung », văn kiện ký giữa Luân Đôn và Bắc Kinh khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997 dưới quy chế Đặc khu hành chính.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khá chừng mực khi tuyên bố rằng ông hy vọng người biểu tình Hồng Kông sẽ tìm được « một giải pháp » với Trung Quốc về dự luật này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc: Biểu tình tại Hồng Kông là « bất hợp pháp »

Một số tờ báo nhà nước Trung Quốc trong số ra ngày hôm qua, 12/06/19, cho rằng biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông là « bất hợp pháp ».

Tờ nhật báo Anh ngữ China Daily cho rằng các điều trong dự luật về dẫn độ của Hồng Kông hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế nhưng « phe đối lập và các ông chủ ngoại quốc phản đối dự luật đó nhằm những mục đích cá nhân bất chấp nhà nước pháp quyền, sự an toàn của người dân, và công lý ». Tờ báo viết thêm : « Chính là sự bất hợp pháp sẽ gây nguy hại cho Hồng Kông, chứ không phải dự luật về dẫn độ».

Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo đổ lỗi cho « các thế lực đối lập cực đoan » « các thế lực phương Tây đứng đằng sau » chính trị hóa và thổi phồng dự luật dẫn độ. Tờ báo viết : « Đùa giỡn với chính trị đường phố không kiểm soát sẽ khiến Hồng Kông trở nên lạc hậu và bất ổn », « đây không phải hướng đi khôn ngoan cho Hồng Kông ».

Hồng Kông tiếp tục tạm hoãn thảo luận luật dẫn độ vô thời hạn

Hôm nay, 13/06/2019, Nghị Viện Hồng Kông tiếp tục hoãn thảo luận dự luật cho phép dẫn độ về Trung Quốc, nguyên nhân của các cuộc biểu tình lớn trong những ngày qua. Không khí căng thẳng xung quanh tòa nhà Nghị Viện cũng giảm bớt. Tại khu vực này hôm qua đã xảy ra các cuộc xô xát dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình.

Thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình:

"Trạm tàu điện ngầm Kim Chung (Admyralty) hôm qua làm nơi tạm lánh của hàng ngàn người biểu tình, bị đóng cửa theo lệnh của cảnh sát, giờ đã mở cửa trở lại.

Có một số thanh niên quay lại hiện trường, gần tòa nhà Nghị Viện hôm nay. Họ không còn đội mũ bảo hiểm và khẩu trang, mà mang theo các túi đựng rác để dọn dẹp những thứ hỗn độn hôm qua. Mưa lớn cùng với việc dự luật được hoãn thảo luận vô thời hạn ở Nghị Viện đã làm người biểu tình nản chí.

Chủ đề tranh luận bao trùm ngày hôm nay là thống kê kết quả cuộc biểu tình và vũ lực cảnh sát, cũng như khái niệm « bạo loạn » mà lãnh đạo đặc khu hành chính, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) sử dụng.

Theo số liệu thống kê về biểu tình, có 70 người bị thương, trong đó một phụ nữ bị hỏng một mắt. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, việc cảnh sát đã sử dụng quá đáng đạn cao su và các công cụ trấn áp khác để giải tán người biểu tình, chủ yếu gồm các sinh viên.

Ngoài ra, việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một lãnh đạo đặc khu hành chính rất mất lòng dân, dùng từ « bạo loạn » để chỉ các cuộc biểu tình đã gây sốc dư luận. Theo luật Hồng Kông, tham gia vào các vụ bạo động có thể bị án tù 10 năm. Theo nhiều tổ chức nhân quyền, đa số người biểu tình là bất bạo động."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.