Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Hồng Kông tê liệt vì biểu tình, dự luật dẫn độ bị hoãn lại

Chính quyền Hồng Kông hôm nay 12/06/2019 hoãn lại việc thảo luận dự luật cho phép dẫn độ các nghi can sang Trung Quốc, trong lúc khoảng mấy chục ngàn người biểu tình phong tỏa nhiều đại lộ chính ở trung tâm thành phố.

Biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày 12/06/2019.
Biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày 12/06/2019. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Đặc phái viên Stéphane Lagarde tại Hồng Kông tường thuật :

« Cũng là một rừng dù của những người phản kháng, cũng là những rào cản bằng kim loại trên đại lộ Harcourt và Long Hòa (Lung Wo) kết nối với nhau để cố gắng ngăn trở các dân biểu đến khu Kim Chung (Admiralty).

Tiếp theo đợt thủy triều áo trắng hôm Chủ nhật, là một đám đông thanh niên mặc áo đen, xuất hiện tại trung tâm Hồng Kông từ sáng sớm nay, phong tỏa lối vào Quốc Hội. Một số người đã ngủ qua đêm trong công viên bên cạnh, với các vật dụng đủ để tọa kháng : thức ăn, nước uống, khăn, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và nilon để bao cánh tay trong trường hợp phải đối đầu với cảnh sát chống bạo động trang bị khiên, nón sắt.

Một lớp trẻ đầy quyết tâm, có sự hỗ trợ của những tín đồ Công giáo đến cầu nguyện ngay trước mặt lực lượng an ninh tối qua. Giáo dân hưởng ứng thông cáo của giám mục Hồng Kông kêu gọi chính quyền hoãn lại, thậm chí từ bỏ dự luật dẫn độ đang gây lo ngại cho cả giới kinh doanh.

Trên 100 tiệm buôn đóng cửa hôm nay để các nhân viên có thể đi biểu tình. Những văn phòng kiểm toán lớn như Deloitte, KPMG…, các cơ quan tư vấn và ba ngân hàng lớn của Hồng Kông (Standard Chartred, HSBC, Hang Seng) cũng cho phép các nhân viên muốn phản đối dự luật dẫn độ được làm việc từ xa. »

Chính quyền nói rằng dự luật nhằm bổ sung một khiếm khuyết trong luật pháp hiện nay, cam đoan không nhắm vào các nhà đối lập chính trị. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dân Hồng Kông không còn tin tưởng vào chính quyền đặc khu, nghi ngờ các ý đồ của Bắc Kinh. Cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, với 1 triệu trên tổng số 7 triệu cư dân xuống đường hôm Chủ nhật 9/6 đã dẫn đến quyết định tạm hoãn thảo luận dự luật dẫn độ, dự kiến sẽ được biểu quyết vào ngày 20/6.

Thông tín viên Florence de Changy nhận định :

« Đó là một sự lùi bước, thậm chí còn là sự nhìn nhận chính quyền đã thất bại khi tỏ thái độ không nhân nhượng. Đặc biệt trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), vốn nổi tiếng là cố chấp, nghĩ rằng có thể cứ cho thông qua dự luật. Một mặt, bà ta làm ngơ trước lời kêu gọi của một triệu người Hồng Kông đã đồng loạt xuống đường hôm Chủ nhật vừa rồi, mặt khác cho tăng cường lực lượng cảnh sát – việc này đã góp phần làm căng thẳng tăng cao trong những ngày gần đây.

Điều mà người ta vẫn chưa biết được, là dự luật được hoãn lại vô thời hạn và sẽ bị bỏ quên trong nhiều tháng hay nhiều năm ; hay chỉ là một sự thụt lùi tạm thời, rồi sau đó dấn tới mạnh mẽ hơn. Dù sao đi nữa, quyết định này không đủ để xoa dịu người biểu tình. Những người phản kháng muốn chính quyền hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ, và đã có dự định xuống đường ồ ạt ngay từ tối nay ».

Theo tin giờ chót, những vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra ở khu vực xung quanh Quốc Hội từ sau 15 giờ, thời hạn mà những người phản kháng đưa ra cho chính phủ để rút lại dự luật. Hơi cay, vòi rồng và dùi cui được sử dụng để đối phó với người biểu tình, hầu hết là thanh niên, sinh viên. Cảnh sát chống bạo động trang bị đầy đủ vũ khí dàn hàng tiến lên, nhưng nhanh chóng bi đám đông người biểu tình áp đảo. Một số người đã xâm nhập được vào khuôn viên nghị viện.

Người ta lo ngại cuộc chiến đấu để bảo vệ bản sằc Hồng Kông sẽ còn gay go : Bắc Kinh đã không hề khoan nhượng trước phong trào dân chủ « Cách mạng Dù » hồi cuối năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.