Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH

Hồng Kông tiếp tục huy động chống dự luật dẫn độ

Hai ngày sau cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ của hơn một triệu người, hôm nay 11/06/2019, Hồng Kông chuẩn bị cho một ngày hành động mới. Trong khi đó, chính quyền đặc khu vẫn tỏ quyết tâm thông qua dự luật.

Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019. REUTERS/Thomas Peter/File Photo
Quảng cáo

Một kiến nghị trên mạng kêu gọi 50 nghìn người tập hợp vào lúc 22 giờ địa phương (14h GMT) trước trụ sở Hội đồng Lập pháp (Nghị Viện Hồng Kông). Người biểu tình dự kiến sẽ bám trụ qua đêm cho đến ngày mai, ngày mà Nghị Viện thảo luận về dự luật cho phép đặc khu hành chính dẫn độ các đối tượng phạm pháp tại Hồng Kông về Hoa lục theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Phong trào phản đối dự luật đã cuốn hút được đông đảo các tầng lớp xã hội ở Hồng Kông tham gia, từ học sinh – sinh viên, giới luật sư, doanh nhân và giới đấu tranh vì dân chủ, cho đến các cộng đồng tôn giáo.

Trên thực tế, Hồng Kông đã có cam kết với Bắc Kinh về việc trả về Trung Quốc các nghi phạm để xét xử. Dự luật dẫn độ lần này nhằm đơn giản hóa các thủ tục.

Nguyên do dự luật vấp phải sự phản đối quyết liệt là vì dư luận Hồng Kông cho rằng tư pháp Trung Quốc không công bằng, xét xử hay bắt giữ người tùy tiện, bức cung ép tội…

Theo Reuters, gần 2000 người buôn bán nhỏ, cửa hiệu ăn, cửa hàng sách, văn phòng luật sư thông báo đình công trên internet. Khoảng 4000 giáo viên dự định tham gia vào cuộc tập hợp ngày mai trước trụ sở Nghị Viện.

Công đoàn lái xe bus kêu gọi chiến dịch chạy xe chậm gây ùn tắc. Trên Facebook 10 nghìn người đăng ký sẽ cắm trại gần khu vực các tòa nhà chính quyền.

Như muốn thách thức phong trào phản kháng, lãnh đạo chính quyền Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trong một cuộc họp báo hôm nay hứa sẽ cho thông qua dự luật và cảnh cáo nhuwnxgn người tham gia phong trào.

Hôm qua, Hoa Kỳ, qua phát ngôn viên Ngoại Giao Morgan Ortagus, đã bày tỏ lo ngại về dự luật dẫn độ, cho rằng dự luật này có nguy cơ « phá hỏng » quy chế tự trị của Hồng Kông cũng như môi trường làm ăn kinh tế của đặc khu này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.