Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - XÃ HỘI

Hồng Kông : Cứu vớt những gì còn lại của vùng tự trị

Hơn một triệu người Hồng Kông đã xuống đường hôm Chủ Nhật (09/06/2019), theo con số của các nhà tổ chức, để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Cuộc huy động lớn lần này tiếp tục kéo dài, một lần nữa cho thấy mối lo ngại sâu sắc của người dân Hồng Kông khi thấy họ đang dần dần bị Bắc Kinh tước đi các quyền cơ bản trong vùng đất được gọi là tự trị.

Người dân tập hợp trước Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, ngày 11/06/2019.
Người dân tập hợp trước Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, ngày 11/06/2019. Reuters
Quảng cáo

Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ khi  thuộc địa cũ của Anh Quốc được trao trả lại Trung Quốc dưới quy chế một đặc khu hành chính tự trị. Theo thỏa thuận năm 1997, nước Anh trả lại mảnh đất này cho Trung Quốc với điều kiện Hồng Kông được hưởng quy chế “Đặc khu hành chính” trong vòng 50 năm.

Là vùng đất thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngoài vấn đề quốc phòng và ngoại giao, Hồng Kông được toàn quyền tự quyết. Hơn 7 triệu người dân của hòn đảo phải được hưởng một hệ thống chính trị, lập pháp, tư pháp và tài chính riêng, không lệ thuộc vào Hoa Lục.

Đó là trên giấy tờ, còn trên thực tế thì từ khi trở về trong quy chế đặc biệt do cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất, gọi là “một đất nước, hai chế độ”, trong 12 năm qua, Hồng Kông luôn là vùng đất đầy biến động chính trị, xã hội, mà căn nguyên là các nỗ lực của chính quyền Hoa Lục muốn bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, đưa dần Hồng Kông vào khuôn phép của một chế độ Cộng sản toàn trị.

Người Hồng Kông ngày càng cảm thấy các quyền tự trị của họ bị Bắc Kinh, bằng cách thao túng chính quyền sở tại, cắt xén dần. Các điều luật, quy định được chính quyền đặc khu sửa đổi, lái theo ý muốn của chính quyền Cộng sản Hoa lục.

Mùa thu năm 2014, phong trào Dù Vàng bùng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên chiếm đóng khu trung tâm Hồng Kông trong nhiều tuần lễ, để đòi quyền tự bầu chọn lãnh đạo đặc khu nhưng không thành.

Năm 2018, chính quyền Hồng Kông đã cấm đảng chủ trương độc lập HKNP hoạt động, các dân biểu đối lập bị Nghị Viện đa phần thân Bắc Kinh tìm cách loại bỏ. Trước đó vào năm 2015 -2016, đã xảy ra vụ các chủ hiệu sách tại Hồng Kong đột ngột mất tích, để rồi sau đó “xuất hiện trở lại” ở Trung Quốc, với lời “xin lỗi” chế độ Bắc Kinh. Họ có một điểm chung là đều bán các tác phẩm chỉ trích Bắc Kinh.

Lần này, phần đông người dân cảm thấy dự luật dẫn độ như giọt nước làm tràn ly. Dư luận đã bày tỏ sự phẫn nộ trên truyền thông từ nhiều tuần qua, và giờ đây là xuống đường đấu tranh. Bản thân các thẩm phán ở Hồng Kông đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ dự luật. Nếu được thông qua, luật dẫn độ sẽ cho phép chính quyền đặc khu hành chính đưa bất kỳ một công dân nào từ Hồng Kông về Trung Quốc lục địa để xét xử, kể cả những đối tượng mà đảng Cộng sản Trung Quốc không ưa.

Nhà tài phiệt báo chí nổi tiếng Hồng Kông, Jimmy Lai, được nhật báo Pháp Libération trích dẫn nhận định, nếu ai đó bị dẫn độ thì tức là họ “sẽ bị xét xử tại Hoa lục, nơi không có Nhà nước pháp quyền, luật pháp được cắt gọt theo nhu cầu của đảng Cộng Sản…. Nếu văn kiện được thông qua thì sẽ vô cùng rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, kể cả với người nước ngoài. Chỉ cần một chút không hài lòng, người ta có thể chế ra các cáo buộc đủ loại để bẫy người khác và phục vụ kế hoạch của chế độ (Bắc Kinh)"

Giới quan sát nhận định, dự luật dẫn độ rồi sẽ được chính quyền của Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho thông qua, vì Bắc Kinh đã muốn và đã chỉ đạo Hồng Kông làm đến cùng. Cuộc huy động phản kháng luật dẫn độ lần này có hơi hướng giống khi khởi phát phong trào Occupy Central năm 2014 đòi quyền tự bầu cử lãnh đạo.

Phong trào Dù Vàng đã diễn ra quyết liệt, nhưng cuối cùng đã không mang lại kết quả, ngoài hình ảnh của một thế hệ người Hồng Kông khát khao dân chủ, ý thức được những quyền cơ bản của mình đang bị đe dọa từ Bắc Kinh và sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ.

Thêm một lần nữa người Hồng Kông đương đầu kháng cự với đại lục để cứu vớt những gì còn lại của một quy chế tự trị ở Hồng Kông, vốn đã bị Bắc Kinh làm xói mòn và rỗng dần về nội dung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.