Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Ước mơ dân chủ tan vỡ nhưng ký ức không phai

Đăng ngày:

Ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, những sinh viên Trung Quốc thoát được súng đạn và xích xe tăng sống lưu vong hầu hết nghĩ rằng « ước mơ » một đất nước dân chủ ngày càng xa dần. Tổ quốc của họ chìm sâu trong độc tài và tuyên truyền thô bạo, vượt tầm quốc gia. Trở lại cuộc đấu tranh bất thành 1989 với Trương Luân và phóng viên Eric Meyer.

Ông Trương Luân, một trong những gương mặt đấu tranh phong trào Thiên An Môn 1989.
Ông Trương Luân, một trong những gương mặt đấu tranh phong trào Thiên An Môn 1989. Lun Zhang.© Seuil Delcourt,2019 Gombeaud, Zhang, Ameziane
Quảng cáo

Một biến cố đẫm máu

Cuộc đàn áp đẫm máu một cuộc nổi dậy tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh, cách nay đúng ba mươi năm, vẫn còn ghi đậm trong ký ức thế giới. Phát sinh từ tháng 04/1989, sau khi Hồ Diệu Bang, một nhà lãnh đạo có uy tín, bị cách chức tổng bí thư hai năm trước, từ trần, phong trào phản kháng tập hợp các thành phần sinh viên, trí thức, công nhân tố cáo tham nhũng và đòi hỏi cải cách dân chủ theo tư tưởng của… Đặng Tiểu Bình.

Có lúc một triệu người kéo về Thiên An Môn. Nhưng đêm mồng 03 rạng mồng 04/06, chiến xa và lính Trung Quốc tràn vào quảng trường bắn giết, « tiêu diệt 300 kẻ phản động », theo con số của chính quyền ; ít nhất « 1400 nạn nhân » không một tấc sắt trong tay bị thảm sát, theo Amnesty International. Những xác người đẫm máu và nhất là hình ảnh một thanh niên vô danh một mình ngăn đoàn xe tăng đã ghi sâu vào ký ức thế giới. Ba mươi năm sau, cuộc thảm sát Thiên An Môn vẫn bị chế độ xem là « nhạy cảm ».

Xóa ký ức dân hay ký ức Đảng

Nhân 30 năm thảm sát Thiên An Môn, AFP đặt câu hỏi với một số cựu sinh viên. Châu Phong Tỏa (Zhou Feng Suo) cách nay 5 năm, để đánh dấu 25 năm Thiên An Môn, cựu lãnh tụ sinh viên Bắc Kinh còn liều lĩnh sử dụng hộ chiếu Mỹ quá cảnh Hoa lục 72 tiếng đồng hồ miễn chiếu khán. Năm nay thì không.

Guồng máy Nhà nước được trang thiết bị công nghệ tối tân để theo dõi từng công dân, trừng phạt mọi chỉ trích. « 1984 » tiểu thuyết của nhà văn George Orwell (tác giả « Trại súc vật » ) không kinh khiếp bằng chế độ Tập Cận Bình. Chính sách đàn áp đã lên đến mức độ cao nhất, theo nhận định của người đứng hàng thứ năm trong danh sách truy nã của an ninh Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền nhồi nhét tư tưởng dân tộc cực đoan vào đầu một thành phần trẻ ở đại học. Bức tường lửa đã loại trừ mọi thông tin liên quan đến phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, người dân bị tuyên truyền từ lúc còn thơ ấu trong khi những tác nhân trực tiếp tham gia nay đều ở tuổi 50.

Bao nhiêu người Trung Quốc biết hay còn nhớ đến những năm 1987, 1988, 1989 khi sinh viên, giáo sư, công nhân, trí thức muốn tham gia vào tiến trình mở cửa Trung Quốc trong niềm hy vọng sau những thập niên u ám của chủ nghĩa Mao ?

Để canh tân Trung Quốc, phải giải quyết hai vấn nạn : độc tài và tham nhũng. Xu hướng cải cách trong đảng Cộng Sản, với tổng bí thư Hồ Diệu Bang được cả một thế hệ trẻ nhiệt tình ủng hộ : thế hệ Thiên An Môn, tên quảng trường lớn nhất của thủ đô Trung Quốc. Nhưng niềm hy vọng cải cách đã tan vỡ. Một trong những người trẻ đó là Châu Phong Tỏa, là Ngô Nhĩ Khai Hy ( Wu’er Kaixi), là Vương Đan (Wang Đan) hay là Trương Luân ( Zhang Lun).

Gió mới

Tham gia chương trình « Bước tiến của thế giới » trên đài RFI, giáo sư xã hội học Trương Luân, 56 tuổi, tị nạn tại Pháp phân tích tình huống xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, nguyên nhân nguồn cội đưa đến phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh. Tác giả quyển sách « Tiananmen 1989, Nos Espoirs Brisés » (Tạm dịch là Thiên An Môn 1989, Niềm Hy Vọng Tan Vỡ) hồi tưởng :

« Cuộc tranh luận vào thời điểm đó chủ yếu là xoay chung quanh hướng cải cách và mở cửa Trung Quốc. Nếu có mở cửa kinh tế thì sẽ có mở cửa chính trị, đó là quan điểm của các nhà cải cách trong đảng Cộng Sản và của phong trào sinh viên thời thập niên 1980. Trong khi đó, quan điểm của phe bảo thủ là cải cách vừa phải thôi, chỉ phát triển kinh tế trong mục đích cho dân làm ăn giàu lên một chút để củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản.

Cuộc đối đầu giữa hai xu hướng này được thể hiện qua các cuộc xuống đường của sinh viên và những cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng suốt thập niên 1980. Đó chính là chiếc chìa khóa để hiểu tình hình Trung Quốc trong thập niên 1980. »

Cũng theo Trương Luân, trong lịch sử không riêng gì Trung Quốc, hiếm khi người dân chứng kiến một giai đoạn đặc biệt như thế : vừa qua khỏi đêm dài lạnh cóng của thời Mao thì gặp được ngay ngọn gió mát của mùa xuân. Năm 1976, cái chết của Mao Trạch Đông, lúc đầu mang lại ít nhiều lo lắng, không biết Trung Quốc sẽ đi về đâu. Nhưng sau đó là một niềm vui lớn bởi vì Mao qua đời cho phép Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài, người dân cảm thấy có quyền ước mơ một tương lai không bị áp đặt.

Tại Trung Quốc lúc đó, người người ra đường ca hát, nhảy múa. Bị cấm đoán lâu năm, giới trẻ không biết các điệu khiêu vũ Tây phương thì có thế hệ già thời Dân Quốc hướng dẫn. Công viên, góc phố biến thành trường khiêu vũ.

Về phần chính quyền, Đặng Tiểu Bình ban hành chính sách bốn hiện đại hóa : nông nghiệp, công nghiệp,quốc phòng, khoa học kỹ thuật và còn táo bạo thêm bước thứ năm : dân chủ hóa.

Từ người hùng Hồ Diệu Bang…

Từ năm 1978, người được trao trọng trách thi hành là Hồ Diệu Bang, và cũng sẽ là người gồng gánh thảm kịch 10 năm sau đó. Giáo sư Trương Luân :

« Hồ Diệu Bang tham gia cách mạng cộng sản từ lúc còn trẻ. Ông có nhãn quan chính trị canh tân,nhân bản. Ông cũng nói đến dân chủ nhưng điều cốt lõi hơn hết là ông là một nhà cải cách lớn. Hồ Diệu Bang cố gắng bảo vệ một số nhà trí thức tự do. Nhưng ông đã phải trả giá đắt cho lập trường canh tân.

Khi phong trào sinh viên xuống đường diễn ra liên tiếp vào cuối năm 1986 và năm 1987, phe thủ cựu đổ tội lên đầu ông. Họ nói rằng đó là lỗi của Hồ Diệu Bang. Họ thành công đuổi ông ra khỏi chính quyền. Đối với sinh viên chúng tôi, Hồ Diệu Bang là điểm tựa trong Đảng (tổng bí thư từ 1980 đến 1987). Ngày ông qua đời, 15/04/1989 cũng là ngày niềm hy vọng đổi mới tắt lịm. »

… đến các sinh viên dũng cảm ở Thiên An Môn

Phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh đã bùng phát mạnh hơn với cái chết của nhân vật lãnh đạo rất được sinh viên và trí thức Trung Quốc mến mộ và kỳ vọng, theo như nhà báo Pháp, Eric Meyer, lúc đó là phóng viên trẻ đến Bắc Kinh chưa được bao lâu. Nhân chứng này cho biết ông đã tháp tùng sinh viên mỗi ngày đi bộ 20 km từ khu cư xá đại học ra quảng trường Thiên An Môn. Một trong những biểu ngữ của sinh viên gắn trên mộ cố tổng bí thư là « Hồ Diệu Bang : anh hùng bảo vệ dân chủ ».

Trong cư xá, sinh viên treo những tấm biển lớn : « Dân Chủ, Tự Do cho người dân và Tiền cho giáo dục ». Đêm 15/04, hai ngàn sinh viên kéo ra quảng trường Thiên An Môn. Ban lãnh đạo Trung Quốc, trừ tổng bí thư Triệu Tử Dương ôn hoà, quyền hành trong tay thủ tướng Lý Bằng và « thượng hoàng Đặng Tiểu Bình » không hài lòng.

Công an được lệnh giải tán biểu tình trong đêm. Hành động này bị sinh viên phản ứng tức khắc. Sáng hôm sau, Vương Đan, sinh viên ban Sử, tuyên cáo bản yêu sách đầu tiên : phục hồi Hồ Diệu Bang, phục hồi danh dự các nạn nhân của chiến dịch đánh tư sản, bài trừ nạn tham ô, công nhận tự do báo chí, tự do học hành, tự do biểu tình và đòi các lãnh đạo đảng Cộng Sản phải công khai xin lỗi nhân dân.

Để gây sức ép, từng đoàn sinh viên Trung Quốc, trên toàn quốc và ở Mỹ kéo về hợp với hai đại học ở Bắc Kinh là Bắc Đại và Thanh Hoa, ít nhất 50.000 người tham gia bãi khóa, nhưng không phải để lật đổ chế độ. Giáo sư Trương Luân khẳng định :

« Chính từ ngày 16 tháng 04 năm 1989, sinh viên phát động một phong trào bãi khóa trên khắp nước. Không phải chỉ ở Bắc Kinh mà tất cả các đại học trên toàn quốc đều tham gia. Tự do báo chí, tự do học hành, tự do biểu tình …. là những đòi hỏi của thời đại.

Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã nói đến việc tiến tới một chế độ dân chủ hơn với một chế độ biết thượng tôn pháp luật. Nhưng tôi muốn nói thêm ở đây là nhãn quan của phương Tây về cuộc cách mạng Thiên An Môn phạm nhiều sai lạc. Họ cho rằng sinh viên nổi dậy lật đổ chế độ. Trên thực tế, qua các yêu sách đòi dân chủ, nhân quyền, sinh viên Trung Quốc tìm cách thúc đẩy cải cách nhanh hơn, nhiều hơn, hỗ trợ cho nỗ lực của phe cải cách trong đảng để công cuộc đổi mới được tiến hành một cách sâu rộng, một cách dân chủ với mục tiêu tối hậu là làm cho Trung Quốc trở thành một đất nước tân tiến. »

Nhà báo Pháp Eric Meyer cho biết thêm là không riêng gì sinh viên, mọi người dân Trung Quốc đều nghĩ rằng Thiên An Môn là « điểm hẹn sau cùng », là cuộc tranh đấu cuối cùng tiến tới một cuộc giải phóng ôn hoà, một nền dân chủ, một cuộc đại hòa giải dân tộc, một niềm tin « không tưởng ». Ba mươi năm nhìn lại, nhà báo Pháp nhìn nhận chính ông, phóng viên trẻ lúc đó, trong tận đáy tim, cũng bị tinh thần lạc quan lây nhiễm, cũng tin một cách chân thật là sẽ có một cuộc hòa giải dân tộc, đảng Cộng Sản trao quyền lại cho dân.

Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình và phe Lý Bằng chuẩn bị các biện pháp mạnh. Đợt đầu tiên, lệnh giới nghiêm bị sinh viên xem thường, binh lính gốc thủ đô không thi hành lệnh đàn áp. Đặng Tiểu Bình gọi điện cho tất cả các tỉnh gặn hỏi theo ai : Triệu Tử Dương hay theo họ Đặng ?

Phải đánh tan ước mơ của tuổi trẻ để tồn tại

Đến ngày 26/04, Nhân Dân Nhật Báo của Trung ương đảng đăng một bài xã luận gọi phong trào Thiên An Môn là một âm mưu lật đổ đảng Cộng Sản của một nhóm nhỏ phản loạn. Giáo sư Trương Luân thuật tiếp :

« Bài xã luận nổi tiếng đó đã làm cho sinh viên nổi giận. Bởi vì mục tiêu tranh đấu của sinh viên là Trung Quốc được canh tân sâu rộng, không bao giờ chúng tôi có ý định làm đất nước hỗn loạn. Chúng tôi nổi giận dựng lên bức tượng nữ thần tự do ở quảng trường Thiên An Môn đối diện với chân dung của Mao bị ném sơn là một hành động biểu tượng : tuổi trẻ hết sợ hãi.

Khi chính quyền ban hành lệnh giới nghiêm và chọn giải pháp huy động quân đội đàn áp, cơn giận càng bốc lên cao vì chúng tôi hiểu ra rằng không thể đối thoại với chế độ này. Chính quyền coi dân là kẻ thù. Lúc bấy giờ, khẩu hiệu tranh đấu là : đòi cách chức Lý Bằng, đòi một quốc hội đại diện dân đúng nghĩa, đòi báo chí phải tự do thật sự không viết những điều gian dối. Chúng tôi muốn thế hệ lãnh đạo già nua ra đi nhường chỗ cho những người trẻ có đầu óc đổi mới để Trung Quốc được tự do và hy vọng. »

Lần này, chính quyền Trung Quốc, sau khi cách chức tổng bí thư Triệu Tử Dương, sử dụng biện pháp mạnh. Ngày 15/05, Bắc Kinh đón tiếp một sự kiện ngoại giao quan trọng : chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev sang thăm trong bối cảnh Đông Âu bắt đầu sôi sục đổi mới. Đúng vào lúc này, sinh viên tranh đấu đưa ra hai yêu sách : công nhận phong trào sinh viên là một phong trào ôn hòa và thứ hai là đối thoại chân thật.

Lý Bằng không chấp nhận điểm nào chỉ ra lệnh cho sinh viên rút về cư xá. (Trong hồi ký, Lý Bằng cho biết chính Giang Trạch Dân là người chỉ đạo cuộc thảm sát để sau đó lên thay Triệu Tử Dương).

Bạo lực không dừng lại ở Trung Quốc ?

Theo nhà báo Eric Meyer, tin đồn đàn áp được tung ra, sinh viên thủ đô được cha mẹ gọi về nhà. Cuối cùng trừ những sinh viên thật trẻ nhất định không bỏ cuộc và đồng bạn từ các tỉnh không có tiền hồi hương cố thủ, hàng ngũ tranh đấu bị thưa dần. Đặng Tiểu Bình huy động gần nửa triệu quân từ Mãn Châu, trong đó có sư đoàn 27, đa số là nông dân không biết chuyện gì diễn ra tại Bắc Kinh, về thủ đô « dẹp loạn » : từ 1400 người đến 10.000 người chết, theo thẩm định của nhiều nguồn tin. Đông nhất là chết ở các con đường quanh Thiên An Môn, theo giáo sư Trương Luân. Cuộc đàn áp vẫn kéo dài đến nay.

Ngày 02/06/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà tuyên bố tại Diễn đàn an ninh Singapore : đàn áp Thiên An Môn là quyết định đúng.

Bình luận về sự kiện này, nhật báo Pháp Le Monde cảnh báo các nền dân chủ trên thế giới là Trung Quốc không chỉ đàn áp trong nước mà nay đã đủ mạnh để lũng đoạn Liên Hiệp Quốc trong mưu toan thiết lập một giá trị nhân quyền theo kiểu độc tài Trung Quốc.

Trước khi qua đời, Triệu Tử Dương để lại di chúc : một chế độ nếu không biết nghe sự thật để thay đổi sẽ bị sụp đổ. Dự báo « hiền triết » nhất có lẽ là của cựu sinh viên Vương Đan, bị trục xuất sang Mỹ sau 5 năm tù. Tác giả các yêu sách tranh đấu 30 năm về trước chia sẻ với AFP : Cuối cùng thì Tập cũng sẽ theo Mao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.