Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Thiên An Môn trong những ca khúc nhạc rock bị cấm tại Trung Quốc

Đăng ngày:

Suốt 30 năm, sự kiện Thiên An Môn trở thành cụm từ « húy » tại Trung Quốc. Càng đến ngày 04/06 kỉ niệm vụ thảm sát những người đấu tranh đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc càng hoạt động hết công suất. Âm nhạc không phải là trường hợp ngoại lệ !

Ca sĩ nhạc rock Trung Quốc Lý Chí (Li Zhi) trong một buổi biểu diễn. Ảnh chụp màn hình YouTube.
Ca sĩ nhạc rock Trung Quốc Lý Chí (Li Zhi) trong một buổi biểu diễn. Ảnh chụp màn hình YouTube. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Lý Chí (Li Zhi), một ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc rock Trung Quốc, biến mất một cách bí ẩn từ tháng 02/2019 mà theo một bài viết của AP ngày 03/06, « những nghệ sĩ dám nói về Thiên An Môn bị đẩy vào bóng tối ». Sau hai ca sĩ nhạc rock đàn anh Thôi Kiện (Cui Jian) và Hà Dũng (He Yong), Lý Chí dám đề cập về vụ thảm sát Thiên An Môn trong một số bài hát của mình.

Vẫn hãng tin AP, vào đầu tháng 04/2019, đưa tin « Một nghệ sĩ bị Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Tứ Xuyên cấm lưu diễn 23 buổi » trên địa bàn tỉnh vì có « các hành động không phù hợp ». Công chúng bắt đầu chú ý và liên hệ đến việc Lý Chí mất tích từ hồi tháng Hai sau khi anh đăng một tấm ảnh chụp đang được truyền nước trong một bệnh viện.

Theo Hermine Roumilhac, phóng viên của ban tiếng Hoa đài RFI, Lý Chí chỉ nổi tiếng và có ảnh hưởng trong giới nhạc rock tại Trung Quốc, nhưng chính nhờ lệnh cấm trên, ca sĩ sinh năm 1978 được công chúng biết đến nhiều hơn :

« Người ta khám phá ra rằng đây là một ca sĩ dấn thân và dám hát nhiều bài hát về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn. Vì thế người ta cũng hiểu hơn về « các hành động không phù hợp » mà Lý Chí bị cáo buộc. Từ một ca sĩ không tên tuổi, Lý Chí bỗng trở thành một ngôi sao dù bị cấm biểu diễn ở Trung Quốc.

Như nhận xét của nhiều nhà báo, các biện pháp kiểm duyệt, cấm đoán của chính quyền Trung Quốc lại càng giúp các nghệ sĩ bị kiểm duyệt trở nên nổi tiếng hơn. Lý Chí là một trường hợp như vậy. Nếu không có quyết định kiểm duyệt trên, rất ít người biết rằng ca sĩ nhạc folk rock đã sáng tác nhiều ca khúc về sự kiện Thiên An Môn ».

Ba bài hát gợi nhắc Thiên An Môn trong vòng kiểm duyệt

Ba bài hát của Lý Chí đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về Thiên An Môn thường được nhắc đến là Dân tộc không cần tự do, Quảng trường, Mùa Xuân 1990...

Trong bài thứ nhất Dân tộc không cần tự do, Lý Chí hát : « Một người anh em đến tìm tôi, mang tiền và những câu chuyện tới. Cậu ấy vừa cười vừa nói : dân tộc không cần tự do vì chúng ta đang sống trong thời kỳ đẹp nhất, trong giai đoạn đẹp nhất. Có những người thầm lặng theo dõi, lại có những người chồng chất hoài nghi về cuộc đời, nhưng tôi nghe thấy họ đồng thanh hô : Dân tộc không cần tự do ».

Hermine Roumilhac nhấn mạnh : « Nếu như nghe kỹ lời bài hát và âm điệu, chúng ta thấy bài hát mang vẻ chế giễu, mỉa mai. Đó là lời nói đùa khi cho rằng « Dân tộc không cần đến tự do ». Thực ra đó là cách Lý Chí nói rằng « người dân cần tự do ».

Bài hát thứ hai, Mùa Xuân 1990, nhắc đến kỷ niệm một năm ngày mất của một nữ sinh 17 tuổi :« Tối nay, chị gái của em, em nghĩ tới chị. Bạn bè của chị già đi, còn chị mãi ở tuổi 17 ».

Hermine Roumilhac cho rằng « lời bài hát hẳn nhắc đến cái chết của một ai đó trên quảng trường Thiên An Môn. Đó là cách để thể hiện tình yêu đối với những người đến quảng trường rồi không trở về. Trong bài hát, Lý Chí không nói chính xác về chuyện gì nhưng người nghe có thể đoán được qua tựa đề bài hát Mùa Xuân 1990 rằng ai đó đã chết trên quảng trường Thiên An Môn ».

Bài hát thứ ba, Quảng trường, trực tiếp nhắc đến quảng trường Thiên An Môn và phong trào sinh viên 1989. Lý Chí cố tình sử dụng những từ ngữ rất mạnh, gây sốc cho người nghe, nhưng để cảnh tỉnh thế hệ trẻ.

« Hôm nay, quảng trường này là mồ chôn tôi, bài hát này dành tưởng nhớ bạn. Bạn sẽ được giáo dục và bạn sẽ thành một người xấu, chỉ biết ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện. Bạn sẽ như một con vật, sẽ không biết cứu những người đang dần chết ».

Trong điệp khúc, có đoạn : « Giết nó đi ! Đâm cho nó thêm phát nữa ! Còn tôi, tôi không hề tin về điều này ! » Có thể là Lý Chí bắt chước giọng của một quân nhân quát những người biểu tình có mặt trên quảng trưởng Thiên An Môn.

Hermine Roumilhac kể tiếp : « Trong một buổi biểu diễn, khi bắt đầu đến bài Quảng trường, một người nào đó trong thính phòng hét lên : « Gọi xe cứu thương ! Gọi cứu thương ngay ! » Hình ảnh này làm liên tưởng tới đoạn video rất nổi tiếng về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn, trong đó người ta thấy nhiều học sinh, sinh viên vừa kêu « Cứu thương ! Cứu thương ! » vừa mang người bị thương đến các xe cấp cứu nhưng hẳn đó có người bị chết trước khi được cấp cứu ».

Cả ba bài hát trên của Lý Chí xuất hiện vào khoảng năm 2015 và vẫn được hát trong các buổi biểu diễn nhỏ. Bỗng nhiên từ tháng 04/2019, tất cả các tài khoản mạng xã hội Weibo và WeChat của ca sĩ bị đóng. Các trang nghe nhạc trực tuyến xóa hết tất cả các bài hát của Lý Chí… không để lại bất kỳ dấu vết nào như Lý Chí chưa từng tồn tại. Hermine Roumilhac giải thích :

« Vì vào đúng đợt 30 năm sự kiện Thiên An Môn, hoặc là vì ca sĩ bị ai đó tố cáo, hoặc do Lý Chí bắt đầu có chút tiếng tăm. Nếu như chỉ hát trên sân khấu nhỏ khoảng 30 người, ca sĩ không có vẻ gì là nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhưng giới trẻ bắt đầu biết đến anh. Ca sĩ nhạc rock có ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ.

Trong một đoạn video mà tôi xem được, một số thanh niên đến xem Lý Chí biểu diễn, họ nói là nhờ Lý Chí, họ học được cách hiểu cuộc sống. Họ ủng hộ anh vì Lý Chí giúp họ nhận ra cuộc sống thực. Đúng là nhờ sự chân thành, với những ca từ trong bài hát của mình, Lý Chí dần trở thành người quan trọng đối với những người ủng hộ anh ».

30 năm Thiên An Môn, 30 năm nhạc rock bị cấm ở Trung Quốc

Xuất hiện tại Trung Quốc vào thời kỳ cải cách kinh tế trong những năm 1980 sau 10 năm khổ nhục dưới thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), nhạc rock gắn liền với một phần lịch sử Trung Quốc. Hermine Roumilhac giải thích tiếp :

« Có nhiều người đi nước ngoài về hoặc sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc du học đã mang vào đất nước nhiều dòng nhạc nước ngoài. Vì thế, trong các trường đại học, sinh viên được tiếp xúc với nhạc rock và bắt chước phong cách này, thành lập các nhóm nhạc rock. Ngay từ năm 1979 đã xuất hiện những nhóm rock đầu tiên trong nhiều trường đại học ở Bắc Kinh (Wan Li Ma Wang, Bu Dao Weng), sau đó là nhiều nhóm rock khác (Dalu Yuedui của người nước ngoài) ».

Trong một bài viết về « Lịch sử chính trị của dòng nhạc punk-rock Trung Quốc », nhà nghiên cứu Pháp Nathanael Amar nhận định nhạc rock trở thành công cụ phản kháng của sinh viên và thể hiện niềm hy vọng dân chủ cho cả một thế hệ trẻ.

Thôi Kiện (Cui Jian, sinh năm 1961), là một trong những ca sĩ dấn thân thể hiện khát khao tự do của giới trẻ. Được mệnh danh là « người đỡ đầu cho nhạc rock Trung Quốc », chính Thôi Kiện giúp nhạc rock trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc. Theo Hermine Roumilhac, các bài hát của anh rất nổi tiếng, trong đó phải kể đến bài Tôi chẳng có gì (1986), ghi dấu ấn trong làng nhạc rock Trung Quốc :

« Trong bài hát này, ông nói đến chuyện tình của một chàng trai và một cô gái. Chàng trai kể : « Tôi hỏi một cô gái, em có muốn đến với anh không ? » Cô gái cười trả lời tôi : « Ồ, anh chẳng có gì. Không tiền, không tự do ! ».

Thực ra, người ta có thể hiểu câu chuyện này theo nhiều cách khác nhau. Theo nghĩa đen, đó là một câu chuyện tình, nhưng cũng có một số phân tích cho rằng « cô gái » trong bài hát được ví như Trung Quốc, kiểu : Tôi sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước, nhưng đất nước lại nói rằng tôi chẳng có gì để trao cho đất nước, vì thế đất nước không cho tôi gì hết, kể cả tự do ».

Qua những lời ca, Thôi Kiện gián tiếp thể hiện quan điểm của anh về cuộc sống và xã hội, về chính trị và tự do trong những năm 1980. Điều đặc biệt là Thôi Kiện đã hát ca khúc này, cùng với nhiều bài khác, trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 05/1989 khi phong trào sinh viên bắt đầu. Từ đó, Tôi chẳng có gì trở thành bài ca của cả một thế hệ trẻ Trung Quốc.

« Cũng từ đó, Thôi Kiện bị cấm, như nhiều nhóm nhạc rock khác. Lịch sử nhạc rock Trung Quốc chấm dứt cùng với sự kiện Thiên An Môn. Họ bị cấm biểu diễn trước công chúng. Vì thế, họ chỉ biểu diễn nhỏ lẻ trong những quán bar hoặc tại sân khấu tư nhân. Rất nhiều nhóm bị tan rã. Thôi Kiện tiếp tục hát nhưng bị cấm tổ chức những chương trình biểu diễn lớn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.