Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - ĐẤT HIẾM

Mỹ : Bộ Quốc Phòng tìm cách tránh phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc

Trung Quốc cung cấp hơn 90% lượng đất hiếm cho nhu cầu của thế giới, trong đó Hoa Kỳ nhập 80% trong giai đoạn 2004-2017. Bị Hoa Kỳ gây sức ép khi đưa Hoa Vi vào đàm phán thương mại, Trung Quốc cảnh báo chính quyền Trump về khả năng cắt nguồn cung cấp đất hiếm.

Khu khai thác đất hiếm Bayan Obo, tại Nội Mông. Ảnh minh họa, chụp ngày 16/07/2011.
Khu khai thác đất hiếm Bayan Obo, tại Nội Mông. Ảnh minh họa, chụp ngày 16/07/2011. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Hai nhật báo Le Figaro và Les Echos đều bình luận về « vũ khí chiến lược » của Trung Quốc trong số ra ngày 31/05/2019.

Nhật báo Les Echos nhận định : « Đất hiếm là vũ khí chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc xung đột với Washington ». Bắc Kinh tự tin cảnh báo Washington « đừng đánh giá thấp khả năng đáp trả của Trung Quốc ». Ngày 29/05/2019, tờ Nhân Dân nhật báo dọa : « Trung Quốc có khả năng làm ngừng hoạt động hầu hết dây chuyền sản xuất xe hơi, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay trên thế giới, nếu Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu các loại kim loại hiếm này ».

« Liệu đất hiếm sẽ trở thành vũ khí để Trung Quốc đáp trả sức ép vô cớ của Hoa Kỳ ? », Nhân Dân nhật báo cho rằng « câu trả lời chẳng có gì là bí ẩn » trước « hành động khủng bố kinh tế » của Hoa Kỳ. Les Echos nhắc lại rằng Bắc Kinh từng dùng đất hiếm làm vũ khí đáp trả Nhật Bản vào năm 2010 khi xảy ra tranh chấp biển đảo.

Cũng vì quyết định áp dụng hạn ngạch trên của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đề phòng cho tái thúc đẩy hoạt động khai thác đất hiếm trên lãnh thổ vốn bị tạm ngừng trong thập niên 1980 vì quá gây ô nhiễm và chi phí khai thác đắt hơn so với Trung Quốc. Với cuộc chiến thương mại hiện nay, Mỹ, đặc biệt là « Lầu Năm Góc muốn giảm phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc », theo nhận định của Le Figaro và Les Echos.

Theo một bản báo cáo năm 2016 của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (Gouvernment Accountabilty Office), bộ Quốc Phòng Mỹ sử dụng 1% tổng số lượng đất hiếm tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sản xuất khoảng 6,5% lượng đất hiếm trên thế giới. Điều trớ trêu, theo Les Echos, là khu mỏ khai thác đất hiếm lớn nhất của Mỹ, Moutain Pass, lại nằm trong tay tập đoàn Trung Quốc Sheng He, sau khi nhà khai thác Mỹ Molycorp bị phá sản. Nhật báo Le Figaro nêu cụ thể hơn là 50.000 tấn quặng khai thác tại Moutain Pass lại được chuyển về Trung Quốc để xử lý.

Cùng ngày Bắc Kinh để báo chí chính thức đe dọa Mỹ, Lầu Năm Góc đã gửi đến Nhà Trắng một bản báo cáo, trong đó yêu cầu tăng ngân sách liên bang nhằm khuyến khích khai thác và sản xuất đất hiếm tại Hoa Kỳ. Hiện tại, có ba khu vực khai thác đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình chuẩn bị : Khu thứ nhất cũng nằm trong vùng Moutain Pass, sẽ đi vào hoạt động năm 2020, có thể cung cấp 5.000 tấn hai loại đất hiếm được sự dụng nhiều nhất tại Mỹ ; hai khu còn lại chỉ có thể được khánh thành năm 2022.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng khẳng định « tiếp tục làm việc chặt chẽ với tổng thống, Quốc Hội và ngành công nghiệp Mỹ để cải thiện khả năng canh tranh của Hoa Kỳ trên thị trường quặng mỏ ».

Sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc từng được đánh động năm 2014 sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới lên án quyết định của Bắc Kinh áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. Dường như, sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này giờ mới thật sự được chú ý nghiêm túc.

Bắc Kinh lại mua quảng cáo tuyên truyền chính sách của Tập Cận Bình

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ trên mọi lĩnh vực, Trung Quốc đã mua 4 trang của nhật báo thiên hữu Le Figaro để quảng bá cho chính sách của Bắc Kinh. Bốn phụ trang về « China Watch » đăng nhiều hình ảnh của một xã hội Trung Quốc phồn thịnh, phong cảnh trù phú, hữu tình và người dân hạnh phúc. « China Watch » nhấn mạnh đến « Các giá trị : Thông điệp về nền văn minh của Tập Cận Bình », « người Trung Quốc bị quyến rũ với tuyến đường sắt du lịch sang châu Âu », thương mại, đầu tư xã hội giúp giảm nghèo ở Tây Tạng…

Thổ Nhĩ Kỳ : Nền dân chủ bị đe dọa vì hệ thống Erdogan

Ngày 06/05/2019, Hội đồng Bầu cử Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hủy kết quả bầu cử địa phương của Istanbul ngày 31/03 do tổng thống Erdogan gây sức ép. Đợt bầu cử lại sẽ diễn ra ngày 23/06 và đảng AKP của tổng thống Erdogan hy vọng giành chiến thắng trước nhà đối lập Ekrem Imamoglu.

Để chắc chắn có được chiến thắng, chính quyền Erdogan liên tiếp tấn công các nhà báo hoặc giới giảng viên đại học, đồng thời tìm cách khóa chặt mọi lĩnh vực trong đời sống chính trị và kinh tế. Theo Le Figaro, « nền dân chủ vốn đã mong manh ở Thổ Nhĩ Kỳ » lại « bị đe dọa vì hệ thống Erdogan ».

Phe đối lập dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn tin vào quyền lực của là phiếu. Vì vậy, hủy kết quả bầu cử Istanbul, với họ là « cuộc đảo chính phòng phiếu ». Vai trò của thành phố Istanbul được thể hiện rõ trong phát biểu của tổng thống Erdogan, được Le Figaro trích dẫn : « Chiến thắng ở Istanbul, cũng là chiến thắng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ ».

Từ sau cuộc đảo chính hụt mùa hè 2016, chế độ của tổng thống Erdogan không ngừng đẩy đất nước vào vòng chuyên chế. Quân đội, tư pháp, truyền thông, đại học… đều bị đẩy nằm dưới gót giầy của tổng thống Erdogan. Những người chống đối đều bị thanh trừng, bị hăm dọa hoặc bị bắt. Chiến thắng của phe đối lập ở thành phố mang tính biểu tượng lớn là thất bại không thể chấp được đối với tổng thống Erdogan.

Trả lời phóng viên của Le Figaro khi viết phóng sự về sự sa đà của chế độ Erdogan, một giáo sư xã hội học Thổ Nhĩ Kỳ nhận định : « Không thể giải mã được chiến lược của đảng AKP để giành thêm phiếu. Thêm vào đó, liệu đảng của tổng thống có đủ khả năng để thu hút được những cử tri đã quá thất vọng không ? Liệu chính quyền có thể tráo kết quả hay không ? Không ai dám dự đoán. Chính trị Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thiếu hợp lý đến như vậy ».

Thủ tướng Israel cho tổ chức bầu lại Quốc Hội để cố bám quyền lực

Liệu nền dân chủ tại Israel cũng bị đe dọa ? Thất bại trong việc thành lập tân nội các, thủ tướng Netanyahu buộc phải giải tán Quốc Hội và tổ chức bầu cử lại ngày 17/09. Sự kiện này được Le Figaro, Libération và La Croix cùng đưa trên trang nhất.

Le Figaro và Libération đều đánh giá đây là « sự kiện chưa từng có trong lịch sử của nhà nước Do Thái ». Nền dân chủ có còn tồn tại ở Israel hay không ? Nhật báo Haaretz, được Libération trích lại trong bài xã luận, cho rằng « sự đúng mực và truyền thống dân chủ là những từ xa lạ trong vốn từ của thủ tướng Israel. Nền dân chủ đối với ông Netanyahu chỉ có ý nghĩa chừng nào nó cho ông kéo dài quyền lực ».

Căn cứ vào tình hình hiện nay, ông Netanyahu đã mở ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử Israel. Không những thế, quyết định giải thể Quốc Hội cũng bóp từ trong trứng nước kế hoạch tái lập hòa bình Israel-Palestine của chính quyền Trump.

Tự tin vào tài tuyển cử của mình, thủ tướng Netanyahu dường như chưa từng nghĩ đến việc không thể thành lập được liên minh mà ông đã lên kế hoạch một cách tỉ mỉ. Thực tế đã cho thấy ngược lại, « tình hình trở nên phức tạp cho ông Netanyahu », theo nhận định trong xã luận của nhật báo Công Giáo La Croix.

Thủ tướng Israel bị suy yếu trong các cuộc đàm phán với « các đối tác » vì ông liên quan đến ba hồ sơ tham nhũng. Ông cũng phải đối đầu với Avigdor Lieberman, thủ lĩnh mới của cánh hữu, trong đàm phán về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo. Theo xã luận của La Croix, chính « vấn đề tôn giáo đang gây chia rẽ Israel » và cho rằng « cuộc bầu cử sắp tới sẽ lại cho thấy sự chia rẽ này, dù ông Netanyahu còn đó hay không ».

Khủng bố ở Lyon : Nghi phạm từng thề trung thành với Daech

Sau 72 giờ bị tạm giam, nghi phạm vụ nổ ở thành phố Lyon, người tự nhận là « sinh viên », đã thú nhận « từng tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Tuy nhiên, theo Le Figaro, động cơ gây án vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát điều tra đã tìm thấy dấu ADN của Mohamed M. trên ba công cụ gây án, trong đó có chiếc túi giấy đựng chất nổ.

Điện tăng giá tại Pháp

Công ty điện lực Pháp EDF quyết định tăng giá điện thêm 5,9% từ ngày 01/06/2019, có nghĩa là khoảng 25 triệu người dân Pháp sẽ phải trả thêm khoảng 85 euro mỗi năm. Đây là mức tăng cao nhất từ 20 năm nay.

« Tại sao hóa đơn điện lại tăng ? », câu hỏi được La Croix đặt ra trên trang nhất. Giá điện tăng có thể do chịu ảnh hưởng của một số yếu tố : giá xăng dầu thế giới tăng, giá cho mỗi tấn khí thải CO2 tăng từ 6 lên thành 26 euro, điện hạt nhân cũng không còn lợi thế như cách đây 30 năm…

Tuy nhiên, mục « Sự kiện » của La Croix, trích nhận định của Liên hiệp Điện lực Pháp (UFE), cho rằng Pháp vẫn nằm trong số những nước có giá điện thấp nhất châu Âu, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình của khối.

Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Điện tăng giá có thể kích thích cạnh tranh ». Tập đoàn điện lực EDF không còn là giữ độc quyền phân phối điện tại Pháp nên một số tập đoàn cung cấp năng lượng khác như Total Direct, Energie và Engie bắt đầu đưa ra một số đề xuất giá cạnh tranh hơn.

Hội bảo vệ người tiêu dùng Pháp UFC-Que Choisir đưa ra ý tưởng mua chung điện và khí đốt và sẽ kí hợp đồng với nhà cung cấp có giá ưu đãi nhất.

Pháp : Một kho báu 500 tuổi được phát hiện ở thành phố Dijon

Trong lĩnh vực khảo cổ, Le Figaro quan tâm đến khám phá một kho báu có hơn 5 thế kỷ tại thành phố Dijon, miền đông nước Pháp.

Trong chiếc hộp nhỏ bằng đồng có 34 đồng tiền, trong đó có 10 đồng vàng. Những đồng tiền cổ nhất được đúc năm 1432 và 1467 và đồng mới nhất được đúc năm 1494. Ông Pascal Listrar, người nghiên cứu số tiền trên, cho biết « ngoại trừ hai đồng tiền, phần còn lại là tiền nước ngoài. Có nhiều khả năng là chủ nhân chiếc hộp đã phân loại chúng, sau đó cất vào hộp » và bỏ quên.

Phần lớn những đồng tiền mới được phát hiện rất hiếm, thậm chí đồng tiền mới nhất đúc năm 1494, có nguồn gốc Thụy Sĩ, là bản duy nhất. Các nhà khảo cổ không tiết lộ khu vực tìm được kho báu để tránh thu hút những người hiếu kì hoặc kẻ trộm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.