Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Dự luật Mỹ trừng phạt các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ hôm 23/05/2019 đã trình lên Thượng Viện một dự luật nhằm buộc chính phủ trừng phạt các cá nhân và định chế Trung Quốc có liên can đến « các hành động phi pháp và nguy hiểm » trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh ngày 21/05/2015.
Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh ngày 21/05/2015. REUTERS/ Hải quân Mỹ
Quảng cáo

Nếu được thông qua, đạo luật đòi hỏi chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản ở Hoa Kỳ, thu hồi và từ chối cấp visa của bất kỳ ai tham gia vào « các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định » tại Biển Đông, nơi một số thành viên ASEAN đòi hỏi chủ quyền.

Luật quy định ngoại trưởng Mỹ phải báo cáo cho Quốc Hội mỗi sáu tháng, về các cá nhân hay công ty Trung Quốc cụ thể có liên can đến việc xây dựng và triển khai các dự án tại các khu vực ở Biển Đông đang bị các nước ASEAN tranh chấp. Trong số hành động bị dự luật nhắm đến có việc đào đắp đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng, cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Các hoạt động đe dọa « hòa bình, an ninh và ổn định » trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông cũng sẽ bị trừng phạt.

Dự luật này đã được trình lần đầu vào năm 2017 nhưng hiện vẫn nằm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio và đồng nhiệm Dân Chủ Benjamin Cardin cùng với nhóm nghị sĩ ủng hộ tỏ ra lạc quan, vì lần này tân chủ tịch ủy ban là thượng nghị sĩ James Risch rất quan tâm đến hồ sơ Trung Quốc, còn tại Hạ Viện cũng có nhiều hy vọng được các dân biểu cả hai đảng thông qua.

South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS), cho rằng việc Quốc Hội Mỹ thảo luận về dự luật này là sự kiện mang tính tích cực, vì hồ sơ Biển Đông không nằm trong danh sách ưu tiên của chính quyền. Bà cũng nhận xét, tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông nhiều hơn chính phủ tiền nhiệm, điều này đã thúc đẩy các đối tác khác tham gia, khiến Trung Quốc khó thể « múa gậy vườn hoang ».

Về phía Bắc Kinh, hôm qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng dự luật trên đây « vi phạm các tiêu chuẩn căn bản của luật quốc tế (…) và tất nhiên là Trung Quốc kiên quyết phản đối ».

Cũng trong hôm 23/05/2019 Việt Nam đã phản đối việc Bắc Kinh tổ chức đua thuyền buồm tại đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng phê phán việc Trung Quốc đưa các đoàn tàu ồ ạt đến khu vực Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough, càn quét nghêu ở đây khiến nhiều rạn san hô bị hủy hoại.

Tại Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte cho biết sẽ tái khẳng định cam kết bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, trong cuộc gặp song phương với thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào tuần tới ở Tokyo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.