Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Đồng hóa Tân Cương, Trung Quốc nâng điểm tú tài

Để dập tắt tinh thần phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền Bắc Kinh thi hành nhiều biện pháp khắc nghiệt đưa hàng triệu người Hán lên khai thác Tân Cương, bố trí hàng trăm ngàn công an, cảnh sát chống biểu tình và cách ly ít nhất một triệu người Hồi giáo. Biện pháp mới nhất của Bắc Kinh là khuyến khích hôn nhân giữa người Hán và Duy Ngô Nhĩ để đồng hóa dân bản địa : từ thưởng tiền đến nâng điểm con cái thi tú tài.

Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. (ảnh: unesco.org)
Quảng cáo

Từ 10 lên 20 điểm

Kể từ mùa thi tú tài năm 2019, tại Tân Cương, thí sinh có cha mẹ thuộc hai sắc tộc khác nhau sẽ được thêm điểm. Biện pháp này thực chất không phải vì tương lai của người thiểu số mà chính là một chiến thuật của Bắc Kinh đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, được AFP phân tích cặn kẽ qua bài « đồng hóa ở Tân Cương, Trung Quốc khuyến khích hôn nhân dị chủng ».

Trong 10 năm qua, nhiều vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở Tân Cương mà chính quyền Trung Quốc quy buộc cho người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa dân bản địa và người Hán do vậy đôi khi khá căng thẳng.

Viện cớ chống bất ổn,Trung Quốc áp đặt nhiều biện pháp hà khắc tại Tân Cương. Trong ba năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc bị tố cáo xây những nhà tù khổng lồ, giam cầm ít nhất một triệu người trong số 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh gọi đây là những trường dạy nghề giúp công dân Hồi giáo không bị tuyên truyền theo cực đoan. Nhưng các nhân chứng, những người từng trải qua thời gian « học tập » cho biết đó là nhà tù trá hình với mục tiêu đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ cũng như một số sắc tộc khác thành người Hán.

Hệ quả một cuộc hôn nhân : thêm điểm hoặc trừ điểm thi

Theo các tổ chức nhân quyền, biện pháp đồng hóa mới nhất vừa được ban hành là « nâng điểm tú tài ». Trên thực tế, « thêm điểm » là biện pháp nâng đỡ con em các sắc tộc thiểu số, bị xem là yếu tiếng quan thoại, trong việc thi cử học hành. Nhưng ở Tân Cương, chính quyền áp dụng theo hướng ngược lại.

Theo chỉ thị công bố hồi tuần trước, chính quyền Tân Cương thông báo kể từ mùa thi năm 2019, thí sinh nào có cha mẹ, một người là Hán tộc người kia là Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng, Kazakh, Mông Cổ …. thì sẽ được thêm 20 điểm thay vì là 10 điểm. Trái lại, điều « khó hiểu » là nếu cả cha lẫn mẹ đều là người Duy Ngô Nhĩ thì điểm nâng sẽ giảm từ 50 xuống 15.

Bình luận về tin này, giáo sư James Leibold, chuyên gia Trung Quốc học người Úc thẩm định : chính sách mới là một âm mưu nhằm đồng hóa những người có lối suy nghĩ, tác phong độc lập với người Hán.

Biện pháp nâng thêm điểm cho thí sinh lai dòng máu Hán chẳng qua là để khuyến khích hôn nhân dị chủng, một phương cách quan trọng trong khuôn khổ nỗ lực đồng hóa các sắc tộc thiểu số khác trong cộng đồng Trung Hoa.

10.000 nhân dân tệ trong 5 năm sau hôn lễ

Giáo sư Timothy Grose, chuyên gia Trung Quốc học người Mỹ nhận xét chi tiết hơn : đảng Cộng sản Trung Quốc đánh phá có hệ thống, xóa mờ bản sắc dân tộc người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhận xét trên đây không phải là thiếu cơ sở. Bởi vì vào năm 2014, huyện Qiemo, ở phía nam Tân Cương thông báo thưởng tiền cho mỗi cặp vợ chồng người thiểu số lấy người Hán một số tiền tương đương với 1.500 đôla mỗi năm và trong vòng 5 năm sau lễ cưới. Trước sau, các biện pháp trấn áp phối hợp với thủ đoạn lấy lợi ngắn hạn ra làm mồi của Bắc Kinh dường như đều thất bại. Thống kê của chính quyền Trung Quốc rất hiếm hoi. Nhưng theo số liệu năm 2010, chỉ có 0,2% người Duy Ngô Nhĩ kết hôn với người Hán.

Nghi kỵ lẫn nhau

Theo giáo sư Timothy Grose, chính sách khuyến khích hôn nhân hai sắc tộc được thi hành từ mấy chục năm nay không mang lại kết quả chờ đợi. Do vậy, có thể nào vì thêm 10 điểm tú tài mà người Duy Ngô Nhĩ đua nhau kết hôn với người Hán ? Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng người Hán cũng tỏ ra hoài nghi và than phiền con em của họ không được nâng điểm.

Biết rằng cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và Hán ở Tân Cương ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau, thế mà đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn muốn hai kẻ không thương nhau lấy nhau để làm gì ? Giáo sư James Leibold xem đây là một trường hợp « duy ý chí » điển hình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.