Vào nội dung chính
KINH TẾ - THƯƠNG MẠI

Đọ sức Mỹ-Trung: Đằng sau thương mại là chủ nghĩa dân tộc

Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhất là sau vòng đàm phán kết thúc ngày 10/05/2019 tại Washington mà không đạt kết quả, đã có dấu hiệu gay gắt hẳn lên, cụ thể là với mức thuế quan 25% mà Mỹ áp đặt trên 200 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc chính thức có hiệu lực, kèm theo mệnh lệnh của tổng thống Mỹ khởi động thủ tục áp thuế trên 300 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc còn lại. Bắc Kinh đã đáp trả bằng thông báo ngày 13/05 là sẽ đánh thuế lên đến 25% trên 60 tỷ đô la hàng nhập của Mỹ kể từ ngày 01/06.

Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Mỹ trên một con đường ở chợ Nghĩa Ô (Yiwu), Chiết Giang. Ảnh ngày 10/05/2019.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Mỹ trên một con đường ở chợ Nghĩa Ô (Yiwu), Chiết Giang. Ảnh ngày 10/05/2019. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Tuy nhiên lần này, giới quan sát nhận định là phản ứng của Trung Quốc có phần dữ dội hơn, đặc biệt là với việc truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc nhập cuộc, kích động chủ nghĩa dân tộc để chống lại điều được mệnh danh là hành vi “bắt nạt” của Washington đối với Bắc Kinh.

Nhật báo Mỹ The New York Times ngày 14/05 đã nêu bật diễn biến mới này trong bài “Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc nhắm vào Mỹ trên vấn đề chiến tranh thương mại”. Hãng tin Mỹ AP ngày 15/05 thì nói thẳng thừng hơn: “Trung Quốc lớn tiếng phô trương sức mạnh, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc xung quanh cuộc chiến thương mại”. Riêng hãng tin Pháp AFP, trong một bài phân tích ngay từ hôm 13/05 đã nhận xét rằng: “Đằng sau thương chiến Mỹ-Trung là một cú va chạm giữa hai chủ nghĩa dân tộc”.

Nhân định chung của AFP rất rõ ràng: “Một bên là ‘Giấc Mơ Trung Hoa’ đối chọi với bên kia là ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’. Phía sau cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn là sự va chạm của hai chủ nghĩa dân tộc, giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một nước Mỹ bị nỗi e ngại mất vị thế ám ảnh.”

Theo AFP, từ Đài Loan, Bắc Triều Tiên cho đến các chiến dịch tuần tra của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, rồi các cáo buộc gián điệp, thái độ nghi kỵ và những quyết định nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, cuộc đua tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn không ngừng, kể cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại.

Vả lại, triển vọng có được thỏa thuận ngày thêm xa vời với việc Mỹ áp thêm thuế cuối tuần qua. Các nhà đàm phán hai bên hôm 10/05 vừa qua đã kết thúc vòng thương lượng tại Washington,mà không đạt kết quả gì và cũng không ấn định ngày họp lại.

Căng thẳng giữa hai bên còn kèm theo những nỗi bất mãn giữa hai đối thủ từng được xem là đối tác của nhau từ những năm 1970 cho đến gần đây.

Về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump đã lấy Trung Quốc làm đối tượng công kích trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016, tố cáo Bắc Kinh “ăn cắp việc làm” của người Mỹ.

Va chạm giữa hai xu hướng dân tộc chủ nghĩa

Một chi tiết mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cực đoan từ phía Mỹ đã được AFP ghi nhận.

Tại một diễn đàn về an ninh vào tháng Tư vừa qua, bà Kiron Skinner, một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ, đã gây ngạc nhiên khi mô tả cuộc tranh đua với Trung Quốc là « một cuộc đấu với một nền văn minh thật sự khác biệt với một ý thức hệ rất khác ».

Bà còn nói thêm rằng đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ đứng trước « một đối thủ lớn mà không phải là người da trắng ».

Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, đánh giá rằng cách xem xét quan hệ song phương trên quan điểm « va chạm văn minh và cả chủng tộc » là điều « phi lý và không thể chấp nhận được ».

Về phía Trung Quốc, theo AFP, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan cũng không thua kém.

Từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, chủ tịch Trung Quốc đã “bán” cho đồng hương của ông “giấc mơ của sự phục hưng” sau thời kỳ bị phương Tây hạ nhục từ thế kỷ XIX.

Trên mạng Twitter, hôm thứ 11/05, Hồ Tích Tiến (Hu Xi Jin), chủ bút tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhận xét : « Một cách khách quan, cuộc chiến thương mại đã củng cố hơn bao giờ hết tinh thần thù địch giữa hai xã hội Trung Quốc và Mỹ ».

Đối với tổng biên tập của tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với quan diểm dân tộc chủ nghĩa này: « Thái độ thù nghịch lẫn nhau này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, gây nên một bước lùi nghiêm trọng của toàn bộ quan hệ quốc tế ».

Bill Bishop, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, người phát hành bản tin Sinocism tại Mỹ, cho rằng cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã khởi động từ năm ngoái, 2018, đã « làm cho nhiều người Trung Quốc, không chỉ riêng trong giới công chức, tin là Washington muốn ngăn cản đà vươn lên của đất nước họ ».

Theo ông Bishop, Bắc Kinh muốn lợi dụng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc, nhưng đó là “một con dao hai lưỡi” có thể phản lại chủ nhân nếu người dân cảm nhận là Bắc Kinh mềm yếu trước Washington.

Nhìn chung theo chuyên gia này, ở Trung Quốc có sự kỳ thị đối với người nước ngoài và đặc biệt là tâm lý bài Mỹ, điều đó có thể dẫn đến những lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ, cho dù Bắc Kinh đến nay đã cẩn thận loại bỏ khỏi các mạng xã hội Trung Quốc những lời kêu như vậy.

Giành nhau quyền thống trị thế giới

Theo AFP, điều rõ nét là Trung Quốc và Mỹ đang ganh đua với nhau, đối đầu với nhau để áp đặt ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc đang cố thực hiện tham vọng này qua Con Đường Tơ Lụa Mới, một dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ bị phía Mỹ chỉ trích là « khoe khoang ».

Trên bình diện quân sự, Trung Quốc cố gắng hiện đại hóa nhanh chóng quân đội, dành cho quốc phòng một ngân sách lớn hàng thứ 2 thế giới.

Cho nên, theo ông Hoa Pha (Hua Po) một nhà chính trị học độc lập ở Bắc Kinh được AFP trích dẫn, cho dù hai bên có ký được một thỏa thuận thương mại đi chăng nữa, thì sự tranh đua giữa hai bên vẫn ác liệt. Đối với chuyên gia này, « Hoa Kỳ không sai khi tỏ ra quan ngại về Trung Quốc, vì dù vẫn là một quốc gia đang phát triển, nhưng Trung Quốc đang kiên quyết bắt kịp Mỹ ».

Thậm chí vấn đề công nghệ học còn có vẻ lấn át tranh chấp thương mại với nhận định cho rằng cường quốc thống trị của thế kỷ này là nước tiên tiến nhất trên mặt sáng chế.

Giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), thuộc Trường Quan Hệ Quốc Tế Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, khẳng định : « Chiến tranh thương mại không phải là vấn đề thặng dư hay thất thu. Chìa khóa là công nghệ cao ». Đối với ông, gây căng thẳng về thương mại với Trung Quốc là cách Mỹ sử dụng để buộc Trung Quốc phải tiến hành một số thay đổi trong hệ thống kinh tế và chính sách công nghiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.