Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MỸ

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo hai bên đi xuống

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 5/2019, đàm phán thương mại Mỹ - Trung bất ngờ chuyển sang một bước quanh mới. Vòng thương thuyết thứ 11 tưởng như gần đạt kết quả, bất ngờ đổ vỡ. Cùng lúc đó Hoa Kỳ quyết định tăng thuế với toàn bộ hơn 300 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ba ngày sau, Bắc Kinh trả đũa. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động đến hai bên ra sao ?

Ảnh minh họa: Đồng đô la Mỹ (trái) và nhân dân tệ của Trung Quốc (phải).
Ảnh minh họa: Đồng đô la Mỹ (trái) và nhân dân tệ của Trung Quốc (phải). REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Sau đây là một số nhận định của nhà báo Dominique Baillard, phụ trách chuyên mục Thời sự Kinh tế của RFI.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát trở lại với quyết định trả đũa của Bắc Kinh hôm qua, 13/05/2019. Trung Quốc quyết định tăng thuế nhập khẩu với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, từ 10 đến 25%, kể từ đầu tháng 6/2019. Cuộc chiến tăng thuế qua lại bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế hai quốc gia. Bên nào thiệt hại nặng nhất ?

Theo tổng thống Mỹ Donald Trump, thì chắc chắn không phải là Hoa Kỳ. Ông Trump coi Mỹ là bên thắng lớn trong xung đột này. Theo tổng thống Mỹ, các biện pháp bảo hộ mậu dịch, được thiết lập để trừng phạt Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải ký kết một thỏa thuận mang lại nhiều tiền cho nước Mỹ. Kể từ thứ Sáu tuần trước, 10/05, thuế nhập khẩu vào Mỹ với hàng Trung Quốc đã tăng từ 10 đến 25% đối với tổng cộng 200 tỉ đô la hàng hóa. Và chính quyền Mỹ dự kiến tiếp tục nâng thuế với toàn bộ hàng trăm tỉ đô la hàng Trung Quốc còn lại. Trên thực tế, nếu như chính quyền Liên bang thực sự có thêm nhiều khoản thu mới, thì ngược lại các nhà xuất khẩu Trung Quốc không có vẻ chấp nhận mất tiền, chưa có gì cho thấy trong hiện tại, phía Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa bán sang Mỹ.

Vậy ai sẽ phải trả giá ?

Cho đến nay, theo các kinh tế gia của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, cũng như của Ngân Hàng Thế Giới, các doanh nghiệp và người tiêu thụ Mỹ là thiệt hại nhất. Các doanh nghiệp Mỹ có nguy cơ tổn thương nhiều hơn cả, bởi họ cần đến thị trường Trung Quốc để sản xuất hoặc bán các sản phẩm như Apple, Caterpillar, hay Intel, vốn nhập từ Trung Quốc đến 25% số linh kiện cần thiết. Các tập đoàn này đang gánh chịu các tổn thất nặng nề trên thị trường chứng khoán. Kể từ khi chính quyền Trump gia tăng áp lực với Trung Quốc, ba tập đoàn này đã mất hơn 10% trị giá cổ phiếu trên chứng khoán Wall Street. Các công ty phân phối như WallMart hay Macy’s chắc chắn cũng sẽ gánh chịu hậu quả của việc tăng thuế với hàng dệt may Trung Quốc. Nếu họ không tăng giá hàng bán ra, để có thể duy trì khả năng cạnh tranh, thì phần lãi thu về sẽ sụt giảm.

Chứng khoán Mỹ hôm qua sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng Giêng đến nay. Vì sao lại như vậy ?

Bởi các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng hai nước tìm được một thỏa thuận, trong lúc dường như cách đây chục hôm, viễn cảnh đó là nằm trong tầm tay. Tại các vùng nông thôn nước Mỹ, nỗi nghi ngờ nhường chỗ cho sự tuyệt vọng. Các chủ trang trại Mỹ đã thiệt hại nhiều trong cuộc chiến thương mại này, bất chấp việc họ đã nhận được những khoản trợ cấp đặc biệt, nhằm bù lại việc không bán được đậu tương sang Trung Quốc chẳng hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nạn nhân của việc tăng thuế Mỹ. Về mặt số lượng thuần túy, Trung Quốc là bên thiệt hại hơn. Do Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ hơn là nhập khẩu – một trong các nguồn gốc của xung đột song phương, điều tự nhiên là kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn, do việc tăng thuế. Quý một năm nay là quý đầu tiên, mà tổng trao đổi thương mại song phương sụt giảm, so với cùng kỳ năm ngoái 2018.

Tuy nhiên, phải chăng Trung Quốc vẫn còn các lá chủ bài trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ?

Trước hết, để giảm nhẹ các cú sốc, chính quyền Trung Quốc có trong tay phương tiện tiền tệ. Hồi năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 8%. Điều này làm vô hiệu hóa các tác động của việc tăng thuế nhập khẩu Mỹ. Với các biện pháp trả đũa hôm qua, chính quyền Trung Quốc cho thấy là họ không có ý định để bị tấn công, mà không có phản ứng gì, và Bắc Kinh cũng sẵn sàng sử dụng các vũ khí gây thiệt hại hơn nhiều. Theo một nhật báo lớn của Trung Quốc, số lượng phi cơ Boeing Trung Quốc đặt mua của Mỹ có thể sẽ giảm bớt. Dư luận cũng ngày càng nói đến nhiều hơn một vũ khí ghê gớm khác. Đó là việc bán ồ ạt ra thị trường các trái phiếu của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Trung Quốc là quốc gia mua nhiều trái phiếu của Mỹ nhất, với tổng dự trữ 1.200 tỉ đô la). Đây là một vũ khí gây tổn hại kinh hoàng. Một mặt, việc này gây tổn thất đáng kể cho nước Mỹ, khiến Mỹ phải chi nhiều tiền hơn cho các khoản nợ. Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả ngược lại, với việc làm tổn hại chính giá trị của kho dữ trữ tiền tệ của họ. Một điều chắc chắn là, trước mắt, cuộc chạy đua tăng thuế nhập khẩu chỉ khiến các bên thua thiệt.

***

Theo AFP, các chuyên gia cũng nói đến một số biện pháp trả đũa khác của Trung Quốc, và những hậu quả gậy ông đập lưng ông. Như kêu gọi tẩy chay một số mặt hàng mũi nhọn Mỹ, như điện thoại iPhone. Điều mà Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản vào năm 2012 và Hàn Quốc, năm 2017. Các đợt vận động tẩy chay do chính quyền giật dây khiến doanh thu ngành xe hơi hai nước tại Trung Quốc sụt giảm đến 50%. Tuy nhiên, biện pháp tẩy chay cũng sẽ ảnh hưởng đến chính hàng triệu người Trung Quốc làm việc cho các công ty Mỹ, cùng các đối tác địa phương Trung Quốc.

Việc siết chặt kiểm soát nhằm ngăn cản hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, cũng là điều nằm trong tầm tay của Bắc Kinh. Như đòi hỏi phải tuân thủ ngặt nghèo các quy định, tăng cường kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh, hay làm nghẽn việc lưu thông hàng hóa tại hải quan… Một thành viên của phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo là, cho dù các biện pháp này được « một bộ phận đông đảo người Trung Quốc ủng hộ, nhưng sẽ khiến các doanh nghiệp (nước ngoài) mất lòng tin ». Ngược lại, Washington cũng có thể đáp trả bằng việc cấm cửa một số doanh nghiệp Trung Quốc, ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ cao cấp, như đã từng làm với tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc ZTE hồi năm ngoái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.