Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - THƯƠNG MẠI

Mỹ đau đầu trước việc khó kiểm soát « những lời hứa » của Trung Quốc

Làm sao chắc rằng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa ? Phải chăng vì mối lo này mà tổng thống Mỹ hôm qua bất ngờ thông báo dọa áp thuế từ 10% lên 25% nhắm vào 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc để gây áp lực với Bắc Kinh ?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) đón tiếp tổng thống Mỹ  Donald Trump, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017 REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017 REUTERS/Damir Sagolj/File Photo REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Thứ Tư, 08/05/2019, theo lịch trình, các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ đến Washington để tiếp tục cuộc thương lượng. Theo những thông tin mà hai bên thông báo, người ta có thể hiểu đây là vòng đàm phán lần cuối cùng tại Washington, vạch ra những nội dung chính cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt một cuộc chiến thương mại dài hơi chưa từng có giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, hôm qua, chủ nhân Nhà Trắng bất ngờ đưa ra lời đe dọa với lý do là các cuộc thương lượng này « tiến triển quá chậm ». Vì sao Donald Trump lại có thái độ quay ngoắt như vậy trong khi mà trước đó không lâu ông còn hoan hỉ thông báo sắp đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh ?

Về điểm này, ông Edward Alden, chuyên gia về ngoại thương tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Realations), trả lời câu hỏi của AFP nhận định ngoài việc ép Trung Quốc phải có các nhượng bộ, thì cơ chế giám sát thực thi các cam kết mới chính là tâm điểm của cuộc thương lượng lần này. « Việc thực thi thỏa thuận là trọng tâm các cuộc đàm phán bởi vì Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là không tuân thủ các cam kết do chính họ đưa ra tại Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) và trong các cuộc đàm phán song phương khác, bất kể là với Hoa Kỳ hay là với các nước khác ».

Tổng thống Mỹ, với những lời lẽ không mấy hoa mỹ, thường xuyên tố cáo Trung Quốc « đánh lừa » Hoa Kỳ từ nhiều năm qua. Washington yêu cầu Bắc Kinh phải có những cải tổ cơ cấu, chấm dứt tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ hay tài trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Bất chấp việc Trung Quốc nhanh chóng sửa đổi luật Đầu tư nước ngoài, nhưng tính chất minh bạch của các quy định áp dụng của Trung Quốc vẫn khiến Washington e ngại, theo như quan sát của ông Edward Alden. « Chính phủ Trung Quốc có thể sửa đổi các điều luật nhằm làm hài lòng nước Mỹ, nhưng sau đó lại dựa vào các quy định nhiêu khê khác để không thực hiện các cam kết của mình ».

Nỗi lo này ám ảnh Washington đến mức đoàn đàm phán Hoa Kỳ đề nghị tổ chức các cuộc gặp đôi bên hàng tháng, mỗi quý và hai lần trong năm. Và các cuộc gặp hai lần trong năm chủ yếu dành cho các quan chức cao cấp Hoa Kỳ và Trung Quốc để xử lý những vụ tranh chấp gai góc nhất.

Vẫn theo nhận xét của chuyên gia Edward Alden, việc đặt cơ chế giám sát thực thi cam kết lên bàn đàm phán là một điều chưa từng thấy. Theo thông lệ, các cuộc thương thuyết thường đưa ra một giải pháp xử lý các tranh chấp thông qua các cơ quan xét xử độc lập, giống như trong WTO.

Hiện chưa biết cuộc chiến này chừng nào sẽ có hồi kết. Chỉ biết rằng các doanh nghiệp của hai phía bắt đầu gánh lấy hậu quả. Tuy nhiên, ông Edward Alden cảnh báo, việc chính quyền Donald Trump vẫn duy trì « đòn bẩy » này để gây áp lực với Bắc Kinh không những có thể đẩy các doanh nghiệp rơi vào trạng thái « bất định thường trực », mà còn có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến « đơn phương » áp thuế từ Mỹ hay Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.