Vào nội dung chính
SRI LANKA - KHỦNG BỐ

Khủng bố tại Sri Lanka : Chính quyền chểnh mảng hay chia rẽ ?

Sri Lanka đang truy nã những kẻ chủ mưu loạt khủng bố vào các nhà thờ Công Giáo và khách sạn quốc tế hôm Chủ Nhật 21/04 ngay mùa Phục Sinh, làm ít nhất 320 người chết.

Một người bị tình nghi là thủ phạm một trong những vụ đặt bom ở Sri Lanka ngày 21/04/2019.
Một người bị tình nghi là thủ phạm một trong những vụ đặt bom ở Sri Lanka ngày 21/04/2019. CCTV/Siyatha News via REUTERS
Quảng cáo

Chính quyền quy trách nhiệm cho một nhóm Hồi Giáo trong nước, National Thowheeth Jama'ath (NTJ), ban hành tình trạng khẩn cấp, bắt giam 41 nghi can. Tuy nhiên, một nghi vấn được đặt ra : liệu chính phủ Colombo vì lý do nào đó xem thường một thông tin tình báo được đưa ra cách đây đến 10 ngày.

Theo tuyên bố của thứ trưởng Quốc Phòng Sri Lanka, 48 giờ sau loạt khủng bố, nhóm thánh chiến NTJ ra tay « trả thù » vụ hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand bị tấn công hôm 15/03 làm 50 tín đồ đạo Hồi thiệt mạng.

Trước đó, theo nhiều bộ trưởng chính phủ, cảnh sát là cơ quan an ninh đầu tiên được mật báo, nhưng thông tin không được « xử lý » nghiêm túc. Nhân vật đầu tiên gián tiếp nhìn nhận sai sót này là bộ trưởng Quốc Phòng Hemasiri Fernando, khi ông tiết lộ vào sáng thứ Hai là « các tin mật này khá mơ hồ » để có thể khai thác được.

Tiếp theo đó, đến lượt thủ tướng Ranil Wickremesinghe nhìn nhận « có sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan an ninh », do vậy « phủ thủ tướng không hay biết gì cả ». Sau cuộc họp khẩn của hội đồng nội các, bộ trưởng Viễn Thông Hanrin Fernando công bố trên mạng các tài liệu cho thấy một nhóm thánh chiến đang chuẩn bị tấn công tự sát.

Câu hỏi đầu tiên là vì sao thánh chiến Hồi Giáo muốn ra tay tại Sri Lanka, một nước Phật giáo, trong đó mọi tôn giáo sống hài hòa ?

Theo Gerrit Kurtz, chuyên gia về tình hình Sri Lanka và phòng ngừa khủng hoảng, những người chủ mưu chọn hai mục tiêu rõ ràng khi tấn công nhà thờ Thiên Chúa giáo và khách sạn quốc tế, nơi có nhiều du khách nước ngoài. Mục đích của họ là gì ? Thứ nhất là tìm cách chia rẽ, phân hóa các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và thứ hai là tấn công vào kinh tế quốc gia.

Cũng theo chuyên gia về khủng hoảng này, chưa có thể kết luận phe Hồi giáo hay bất cứ phe nào là thủ phạm bởi lẽ trong quá khứ, cộng đồng Thiên Chúa giáo Sri Lanka thường là nạn nhân của giới Phật tử quá khích.

Tuy nhiên, để khủng bố xảy ra, trách nhiệm có thể quy cho chính phủ. Tình trạng chia rẽ trong nội bộ rất có thể là chướng ngại ngăn chận thông tin tình báo lưu chuyển giữa các cơ quan và thượng tầng lãnh đạo.

Chính thủ tướng Sri Lanka và một số bộ trưởng đã nhìn nhận cảnh sát có thông tin đầu tiên từ hơn 10 ngày trước về nguy cơ một số nhà thờ Công Giáo sẽ bị khủng bố cảm tử và có cả một danh sách những người có dính líu.

Vì sao thông tin này không được báo cáo lên cấp bộ và thủ tướng ? Và các thông tin này được cảnh sát xử lý ra sao ?

Cho dù cảnh sát trực thuộc bộ Nội Vụ và trên hết là thủ tướng chính phủ nhưng vấn đề an ninh quốc gia có liên hệ tới quốc phòng và thuộc thẩm quyền của tổng thống.

Cũng theo chuyên gia Gerrit Kurtz, từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vào mùa thu năm ngoái, giữa tổng thống do dân bầu và thủ tướng thuộc đa số đối lập kiểm soát Quốc Hội, có một sự nghi kỵ lẫn nhau rất nghiêm trọng, chẳng ai tin ai.

Trong bối cảnh các định chế Nhà nước bị tê liệt, cảnh sát liên bang Mỹ FBI và cảnh sát quốc tế Interpol khẩn cấp gửi nhân viên sang giúp Sri Lanka.

Vấn đề là liệu giới chính trị và xã hội Sri Lanka có đủ tỉnh táo vượt qua mọi xung khắc, để đoàn kết quốc gia, hay là tiếp tục cấu xé lẫn nhau trước âm mưu phân hóa mà chưa rõ thế lực nào là kẻ hưởng lợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.