Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Chọn niên hiệu mới cho hoàng đế : Nhật thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc

Đăng ngày:

Nhật Bản chuẩn bị sang trang thời đại Heisei - Bình Thành, để bước vào triều đại Reiwa- Lệnh Hòa, một khi hoàng thái tử Naruhito lên ngôi vào đầu tháng 5/2019. Khác với các đời tiên đế, nên hiệu của hoàng đế thứ 126 của xứ hoa anh đào được chọn từ một bài thơ cổ của Nhật, chứ không được trích từ điển tích của Trung Hoa.

Nhật Bản : Hoàng thái tử Naruhito (T) và Nhật hoàng  Akihito (P) nhân buổi chúc mừng đầu năm 2019.
Nhật Bản : Hoàng thái tử Naruhito (T) và Nhật hoàng Akihito (P) nhân buổi chúc mừng đầu năm 2019. Kazuhiro NOGI / AFP
Quảng cáo

Một triều đại mới sắp mở ra tại Nhật Bản. Điện thoại thông minh, bạn đồng hành vượt hàng rào kiểm duyệt của Bắc Triều Tiên. Dân Bồ Đào Nha mệt mỏi trước nếp sống ngông cuồng của nữ hoàng nhạc Pop, Madonna. Pháp dự trù tạo 150.000 việc làm nhờ tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 : Tokyo, Bình Nhưỡng, Lisboa và Paris là bốn chặng dừng trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 06/04/2019.

Ý nghĩa chính trị của việc chọn niên hiệu cho hoàng đế

Tại kinh đô Nhật Bản giáo sư Vũ Đăng Khuê trở lại với sự kiện được chú ý nhất trong tuần tại xứ hoa anh đào : hôm 01/04/2019, thủ tướng Shinzo Abe thông báo niên hiệu cho một thời kỳ sắp mở ra khi hoàng thái tử Naruhito lên ngôi thay cha là Nhật hoàng Akihito.

Sau đúng 30 năm trị vì, lấy niên hiệu là Heisei – Bình Thành, hoàng đế Akihito, 85 tuổi, sẽ thoái vị vào cuối tháng 4/2019, nhường ngôi lại cho đông cung thái tử. Naruhito ngày 01/05/2019 sẽ trở thành vị hoàng đế thứ 126 của một triều đại với 2.600 năm lịch sử. Trả lời RFI giáo sư Vũ Đăng Khuê từ Tokyo giải thích thêm về ý nghĩa và nguồn gốc của hai chữ "Lệnh Hòa" :

GS Vũ Đăng Khuê : "Hai chữ Reiwa được trích từ bốn câu thơ của quyển thứ 32 tác phẩm Vạn Diệp Tập. Đây là tuyển tập thơ cổ xưa nhất của Nhật, gồm hàng vạn, những bài thơ của Thiên Hoàng, của các bậc cung phi, quan chức, binh sĩ, dân thường và thậm chí là cả thơ của người ăn mày nữa. Bài thơ theo chữ Hán :

Sơ xuân Lệnh nguyệt,

Khí thục phong Hòa,

Mai kình tiền phấn bạt,

Lan bội hậu hương huân

Dịch :

Tiết đầu Xuân làm cho trăng trong, khí thuận

Hoa mai nẩy mầm vươn chồi,

Hoa lan tựa như ngọc sáng,

Kiêu hãnh ngát hương thơm".

Có nhiều giải thích cho việc chọn niên hiệu là Lệnh Hòa, nhưng theo tôi, giải thích hay nhất đã được thủ tướng Shinzo Abe đưa ra. Ông nói : "Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp xuất phát từ trái tim. Đó chính là ý nghĩa của niên hiệu mới, hy vọng muôn dân đạt được những khát vọng của mình như những bông hoa nở rộ sau một mùa đông khắc nghiệt".

RFI : Khác với truyền thống trên xứ hoa anh đào, khác với vua cha, lần này niên hiệu của Nhật hoàng tương lại đã không được trích từ một điển tích hay kinh thi của Trung Hoa, vậy phải chăng cử chỉ này còn bao hàm một ý nghĩa chính trị nữa ?

GS Vũ Đăng Khuê : Trước kia Thiên Hoàng luôn chọn niên hiệu, nhưng từ năm 1979 thì đây là công việc của chính phủ. Lần đầu tiên mà chính quyền Tokyo chọn niên hiệu cho hoàng đế là khi Akihito lên ngôi thay vua cha năm 1989 và niên hiệu được chọn là Heisei – Bình Thành. Văn hóa Nhật ảnh hưởng nhiều từ văn hóa cổ điển Trung Hoa.

Trước đây các niên hiệu luôn được chọn từ những quyển Kinh Thi của Trung Hoa. Nhưng qua việc chọn lựa này, mình có thể hiểu rằng Nhật Bản muốn thoát dần ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Hoa. Thủ tướng Abe lưu ý : "Tôi hy vọng lịch sử, truyền thống, văn hóa và thiên nhiên của đất nước Nhật Bản sẽ được trao lại cho các thế hệ kế tiếp. Một cuộc thăm dò sau đó của một tờ báo lớn tại Tokyo cho thấy 88 % người Nhật thích việc chọn lựa này. Điều này cho thấy, một cách gián tiếp người Nhật không muốn ảnh hưởng của Trung Hoa vào việc chọn niên hiệu cho Nhật hoàng".

Ứng dụng điện thoại để vượt tường lửa Bắc Triều Tiên

Sau Tokyo, thông tín viên Frédéric Ojardias của đài RFI đưa chúng ta đến với cộng đồng người dùng điện thoại thông minh, họ đã tìm ra cách để vượt hàng rào kiểm duyệt của chế độ. Tại quốc gia còn khép kín ở Đông Bắc Á này, muốn xem được video ngoại quốc bị cấm phát hành, chỉ cần gài một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng đó là gì, Frédéric Ojardias nói rõ hơn :

Frédéric Ojardias : Ứng dụng này cho phép người sử dụng không bị phát hiện khi họ muốn xem video bị chính phủ cấm. Một nguồn tin Bắc Triều Tiên từ tờ báo Daily NK cho biết như trên. Đây là tờ báo có một mạng lưới phong phú cung cấp tin thông từ Bắc Triều Tiên. Ứng dụng này được tải một cách không hợp pháp, nhưng lại rất phổ biến trong giới sinh viên, bởi vì họ khát thông tin, nhất là tin quốc tế.

Cần biết thêm là tại Bắc Triều Tiên các đồ dùng điện tử, từ điện thoại đến máy tính bảng, hay máy vi tính đều có trang bị một bộ phận cho phép chính quyền theo dõi người sử dụng, để xem họ truy cập và đọc những tài liệu nào. Chỉ có phim và tài liệu được giấy phép của nhà nước được quyền lưu hành và trên một số máy, người ta thậm chí còn biết rõ được là những tài liệu đó đã qua tay những ai.

Làm thế nào để qua mặt các nhà kiểm duyệt Bắc Triều Tiên ?

Frédéric Ojardias : Trang mạng của Daily NK giải thích ứng dụng đó giữ lại vết tích của từng hồ sơ, nhưng đó chỉ là những dấu vết tạm thời. Ứng dụng này cho phép người dùng giấu và xóa luôn những tài liệu mà họ đã tìm đọc hoạc tải về. Nhân viên kiểm soát điện thoại di động do vậy không thể biết là người sử dụng đã truy cập vào những địa chỉ nào, đọc những gì, xem những gì. Tuy nhiên, theo một nguồn tin được tờ báo này trích dẫn, chính quyền đã phát hiện ứng dụng nói trên và đang tìm cách ngăn chận ứng dụng được phổ biến.

Hơn nữa, ứng dụng cho phép vượt rào kiểm duyệt của nhà nước Bắc Triều Tiên không hoạt động được trên tất cả các loại điện thoại đang lưu hành ở đây. Những kiểu điện thoại đời mới cấm tải tài liệu từ máy vi tính, chính là để ngăn ngừa tài liệu cấm đó được phát tán rộng rãi. Rõ ràng là chính quyền và người dân đang lao vào một cuộc chạy đua về mặt công nghệ để thoát lưới kiểm duyệt.

Vi phạm luật kiểm duyệt của Bắc Triều Tiên bị phạt nặng 

Frédéric Ojardias : Đúng như vậy. Chính quyền có thể tịch thu điện thoại hay phạt tiền và thậm chí là bắt giam hoặc đưa vào trại cải tạo những ai vi phạm luật. Trên nguyên tắc "bất kỳ một ai" phát tán video, hình ảnh, sách vở hay nhạc ... nước ngoài đều có thể bị tù một năm. Trong tháng này 7 thanh niên Bắc Triều Tiên đã bị bắt vì nghe nhạc của ban BTS Hàn Quốc. Việc một số chuyên gia tin học Bắc Triều Tiên cho ra đời ứng dụng để thoát lưới kiểm duyệt của nhà nước cho thấy người dân nước này thèm khát được tiếp cận những tài liệu cấm kỵ. Đây là một trong những thí dụ cho thấy bắt đầu có một sự phản kháng nảy sinh ngay từ bên trong Bắc Triều Tiên.

Madonna và Bồ Đào Nha : cơm không lành, canh không ngọt

Nhìn sang Bồ Đào Nha, nữ hoàng nhạc Pop người Mỹ, Madonna phải chăng bắt đầu chán Lisboa sau mấy năm dọn về ở hẳn thành phố này ? Mọi việc bắt nguồn từ cuối tháng 3/2019 khi Madonna đòi đem một con ngựa vào bên trong một tòa lâu đài cổ kính, viên ngọc trong số những quần thể kiến trúc và văn hóa của Bồ Đào Nha. Thông tín viên Marie-Line Darcy từ thủ đô Lisboa giải thích thêm :

Marie-Line Darcy : "Madonna cần đưa một con ngựa vào phòng khách của tòa lâu đài Quinta nova da Assunção để thực hiện video clip cho đĩa hát mới, dự trù ra mắt công chúng vào mùa hè năm nay. Madonna đã ký hợp đồng thuê toàn bộ quần thể kiến trúc này và đã bắt đầu thực hiện quay phim. Nhưng tòa thị chính ở Sintra, quản lý lâu đài Quinta, đặt điều kiện với nữ danh ca người Mỹ là tuyệt đối không mang thú vật vào bên trong tòa nhà.

Đây là một tòa lâu đài cổ thế kỷ thứ 19, sàn nhà có từ thời nguyên thủy khi tòa lâu đài được kiến thiết. Sàn đó không chịu nổi sức nặng của một con ngựa dạo qua dạo lại trong phòng khách và sàn nhà có thể bị sập hay bị hư hại. Dường như là Madonna đã tảng lờ trước quyết định đó của tòa thị chính. Nhưng rốt cuộc cô không được như ý. Madonna nổi dóa, trút cơn thịnh nộ lên nhà quản lý và giận luôn cả Bồ Đào Nha. Cô chỉ trích quốc gia này "vô ơn bạc nghĩa".

Từ năm 2017 Madonna đến ở hẳn Lisboa khiến báo chí nói nhiều đến cô và đến quốc gia châu Âu này. Nhưng dường như nữ hoàng sân khấu người Mỹ không chỉ để lại những tiếng thơm tại đây : Marie-Line Darcy : Bồ Đào Nha thực sự hãnh diện khi Madonna về ở hẳn Lisboa. Hào quang và cách sống sa hoa, ồn ào của cô khiến mọi người đều phải chú ý đến quốc gia này. Đó là chưa kể, khi thì cô muốn tậu một tòa nhà nguy nga như cung điện ở ven biển, lúc lại muốn mua một doanh trại đồ sộ khoảng hơn 7 triệu euro.

Nhưng rốt cuộc, Madonna lại chọn Lisboa, để cho cậu quý tử là David đi học ở trưởng dậy bóng đá Benfica. Cũng phải nói thêm là ngay cả sứ quán Pháp ở Lisboa từng trải thảm đỏ đón các con của Madonna khi chúng ghi danh học trường trung học Pháp ở đây. Tòa đô chính cũng ưu tiên dành cho nữ danh ca Mỹ nhiều chỗ đậu xe cho đoàn tùy tùng của cô và sự kiện này đã khiến công luận Bồ Đào Nha hết sức bất bình. Nhưng đổi lại, Madona thường xuyên đăng ảnh cô trên đường phố Lisboa, ca ngợi vẻ đẹp quyến rũ của thành phố...

Một trong những lý do Madonna sang Bồ Đào Nha ở hẳn phải chăng là để tránh thuế ?

Marie-Line Darcy : Khó mà biết rõ được điều này. Có thể là cô được cấp thẻ visa vàng có hiệu lực hai năm, nhưng đổi lại thì Madonna đầu tư tối thiểu là 500.000 euro vào Bồ Đào Nha. Cũng có thể là cô yêu cầu được giảm thuế, đây là một điều khoản ưu đãi chính quyền Lisboa luôn dành cho giới nghệ sĩ ... Nhưng cũng có thể đơn giản là giá quay phim và thuê phim trường ở đây thấp hơn so với nhiều nơi khác.

Có điều, đòi hỏi quá đáng của Madonna muốn đưa ngựa vào bên trong tòa lâu đài cổ ỏ Sintra xảy ra vào lúc mà công luận ở đây đang chán ngán trước tình cảnh ngày càng có nhiều ngôi nhà sang trọng dành cho du khách, trong khi đó chính người dân Bồ Đào Nha lại bị trục xuất vì không đóng kịp tiền thuê nhà. Cấm Madonna mang ngựa vào bên trong tòa lâu đài ở Sintra, thị trưởng thành phố nhỏ này nói "không phải có tiền là mua tiên cũng được" và công luận tán đồng quyết định này.

Olympic Paris 2024 và 150.000 việc làm trên đất Pháp

Tại Paris, trong tuần Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội (Cojo) công bố  một công trình nghiên cứu cho thấy Thế Vận Hội Paris 2024 đem lại công ăn việc làm cho 150.000 người. Riêng ba lĩnh vực gồm xây dựng, du lịch và khâu tổ chức chờ đợi thu vào 5 tỷ euro, ngành xây dựng chẳng hạn tạo công việc làm cho gần 12.000 người lao động ; 78.000 người sẽ phụ trách các khâu từ tổ chức sự kiện đến an ninh, quản lý rác thải đến giao thông ; 60.000 nhân viên phục vụ trong các ngành khách sạn và nhà hàng... Ngoài ra, Olympic Paris sẽ còn phải tuyển thêm từ 50.000 đến 70.000 tình nguyện viên để phục vụ cho sự kiện thể thao quan trọng nhất toàn cầu.

Điểm đáng nói là phía Pháp nhấn mạnh dành ưu tiên cho những người học việc ở Pháp, cho tầng lớp lao động trẻ, và dành ưu tiên các hợp đồng cho các hãng Pháp. Ban tổ chức Paris 2024 đề ra mục tiêu, bên cạnh lễ hội thể thao, Olympic tổ chức trên đất Pháp lần này còn phải là một sân chơi công bằng, bất luận lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia như nhau !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.