Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Bầu cử Quốc Hội Thái Lan : Kết quả bất ngờ dù đã được báo trước

Ngày 31/03/2019 khoảng 100 người biểu tình tại thủ đô Bangkok tố cáo Ủy Ban Bầu Cử "thao túng" thông tin về kết quả bầu cử Quốc Hội Thái Lan.

Kiểm phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Bangkok hôm 24/03/2019.
Kiểm phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Bangkok hôm 24/03/2019. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Phải đợi đến ngày 09/05/2019 Bangkok mới chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc Hội đã diễn ra hôm 24/03/2019. Nhưng theo thông báo của Ủy Ban Bầu Cử, đảng Palang Parachat ủng hộ tập đoàn quân sự Thái về đầu. Còn tính về số đại biểu Quốc Hội trong khóa sắp tới, đảng này lại thua phe đối lập là đảng Pheu Thái, thân với gia đình thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Trả lời RFI Tiếng Việt, Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về tình hình Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI phân tích về kết quả cuộc tuyển cử Thái Lan đầu tiên kể từ cuộc đảo chính 2014 do quân đội tiến hành, lật đổ chính phủ của nữ thủ tướng Yingluck, em gái nhà tài phiệt và cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Sophie Boisseau du Rocher : Kết quả bầu cử lần này theo tôi là bất ngờ mặc dù đã được biết trước. Tập đoàn quân sự Thái Lan làm tất cả để nắm giữ quyền lực và đúng như dự báo, về số phiếu, đảng Palang Parachat thân giới tướng lĩnh cầm quyền đã về đầu. Thế nhưng yếu tố bất ngờ ở đây là đảng đối lập thân thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra là đảng Pheu Thai tuy ít phiếu hơn so với đảng cầm quyền, nhưng lại có nhiều ghế hơn trên tổng số 350 đại biểu được dân trực tiếp bầu lên. Điều này không như bên quân đội mong muốn vì chúng ta biết là tập đoàn quân sự đã dùng nhiều thủ đoạn để nắm quyền, đặc biệt là qua việc ban hành bộ luật bầu cử hồi tháng 09/2018. Bộ luật này được soạn thảo ra nhằm vô hiệu hóa đảng Pheu Thai trên chính trường Thái Lan. Nhưng mục tiêu đó đã không thành. Tình trạng giờ đây lâm vào bế tắc : đảng Palang Parachat không có đủ đa số ở Quốc Hội và sẽ phải tìm kiếm liên minh để điều hành đất nước. Tôi nghĩ, có thể nói bế tắc này là một tai họa đối với bên quân đội.

RFI : Làm sao giải thích đảng được nhiều phiếu nhất lại không có đông đại biểu nhất ở Quốc Hội ? Xin bà giải thích một chút về luật bầu cử của Thái Lan. 

Sophie Boisseau du Rocher : Đây thực là một vấn đề hóc búa và rất phức tạp. Bởi cuộc tuyển cử vừa qua là lần đầu tiên luật bầu cử mới của Thái Lan được áp dụng và như vừa nói thì tập đoàn quân sự Thái Lan đã soạn thảo ra một bộ luật theo kiểu "đo ni đóng giầy" cho chính mình. Ngoài ra, Quốc Hội bao gồm 500 đại biểu, 350 người được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, số còn lại sẽ được phân chia theo một mô hình khá phức tạp. Thú thực là tôi đã đọc đi đọc lại luật bầu cử mới của Thái Lan còn thấy khó hiểu và văn bản này rắc rối đến nỗi ngay chính nhiều người dân Thái cũng không hiểu gì luôn (...)

Tuy nhiên luật này cũng đã có một số kẽ hở. Đảng Pheu Thai thân với gia đình Thaksin đã khai thác những nhược điểm đó để các ứng viên của đảng này có nhiều cơ hội đắc cử nhất. Nhân đây tôi cũng xin nói luôn, trong cuộc tuyển cử lần này, về nhất – theo số ghế, là đảng thân Thaksin, thứ nhì là phe quân đội, nhưng đứng thứ ba là đảng lấy tên  Tương Lai Mới do một doanh nhân trẻ lập ra và đảng này đã bất ngờ được hơn 5 triệu cử tri ủng hộ. Đảng do Thanathorn Jungrungreangkit thành lập mới chỉ cách nay một năm, và đã có sức thu hút lớn đối với giới trẻ, đặc biệt là nhờ qua ngả các mạng xã hội. Đảng Tương Lai Mới tự đặt mình vào thế đối lập với tập đoàn quân sự Thái Lan, chẳng hạn như đòi hủy bản Hiến Pháp mà chính quyền quân sự của thủ tướng Prayouth Chan Ô Cha đã soạn thảo ra để phục vụ quyền lợi của bên quân đội

RFI : Bà đánh giá thế nào về liên minh cầm quyền tại Thái Lan sắp tới đây ?

Sophie Boisseau du Rocher : Có nhiều khả năng liên minh cầm quyền sắp tới sẽ không mấy ổn định, cho dù là bên nào lên lãnh đạo đi chăng nữa. Đảng Pheu Thái muốn thành lập chính phủ sẽ phải liên kết với 6 đảng nhỏ khác. Trong điều kiện đó, khó hy vọng tìm ra một tiếng nói chung. Điều này sẽ có lợi cho bên quân đội. Nhưng với kết quả bầu cử tuy chưa được chính thức công nhận, nhưng đảng Palang Pacharat cũng không có đủ đa số tuyệt đối 136 ghế, nên sẽ phải lập ra một chính phủ liên minh. Tôi cho rằng, trong mọi trường hợp, liên minh cầm quyền tại Thái Lan sẽ không ổn định.

RFI : Sự yếu kém về kinh tế Thái Lan trong 5 năm vừa qua có thể giải thích phần nào thất bại của bên quân đội trong cuộc bầu cử lần này hay không ?

Sophie Boisseau du Rocher : Chắc chắn là như vậy. Trước hết do người dân Thái lo âu cho chính mình, lo rằng đất bị thua kém các quốc gia chung quanh, trong bối cảnh kinh tế trong khu vực Đông Nam Á hiện nay rất năng động. Đặc biệt là Việt Nam ngày càng trở thành một đối thủ cạnh tranh, có thể đe dọa đến cả tương lai kinh tế của Thái Lan. Thứ nữa, những rối loạn trên chính trường Thái trong những năm gần đây làm nản lòng các nhà đầu tư. Đầu tư ngoại quốc vào Thái Lan ngày càng khan hiếm. Thêm vào đó, công luận Thái bất bình vì đời sống trở nên đắt đỏ hơn, thất nghiệp gia tăng. Những uẩn ức đó thể hiện qua lá phiếu của cử tri.

RFI : Đâu là những thách thức chờ đợi chính quyền Thái Lan sắp tới ?

Sophie Boisseau du Rocher : Một cách ngắn gọn có thể nói thách thức về chính trị là phải hàn gắn những người dân Thái với nhau. Về xã hội thì ưu tiên là thu hẹp những bất công và khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta biết Thái Lan là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. 65 % tổng sản phẩm nội địa do 1 % dân số kiểm soát. Đây cũng chính là yếu tố gây công phẫn trong xã hội. Sau cùng về mặt kinh tế, thì thực sự đã đến lúc Bangkok cần mạnh dạn tiến hành cải tổ, tái tạo lòng tin của người dân, của giới thương gia, hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp, nâng cấp và phát triển thêm cơ sở hạ tầng. Đây hiện là một trở lực cho đà phát triển của Thái Lan.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.