Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Trung Quốc có thật sự là mối đe dọa hay không ?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào hàng Con đường tơ lụa mới. Tại Mỹ, tổng thống Donald thoát nạn trong nghi án thông đồng với Nga. Brexit, Quốc hội Anh giành quyền quyết định… Đó là ba chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.

Từ phải sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch UBCA Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo tại Paris, ngày 26/03/2019
Từ phải sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch UBCA Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo tại Paris, ngày 26/03/2019 Thibault Camus/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu đoàn kết trong phản ứng tự vệ. Tổng thống Macron tiếp chủ tịch Trung Quốc bên cạnh thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu với mục tiêu biểu lộ một mặt trận chung đối phó với sức mạnh Trung Quốc đang củng cố tại châu Âu. Đó là hàng tựa trên Libération bên cạnh câu hỏi : Liệu Tập Cận Bình là ông chủ ?

Châu Âu bừng tỉnh

Hãy bình tĩnh. Trong bài « Cuộc đấu », nhật báo thiên tả đưa ra một vài con số : với dân số hơn 1,3 tỉ, tổng sản lượng quốc gia GDP của Trung Quốc chỉ có 11.000 tỉ euro. Liên Hiệp Châu Âu, chỉ bằng phân nửa số dân, GDP lên đến 18.000 tỉ euro. Tính bình quân đầu người, công dân châu Âu hơn Trung Quốc đến 5 lần, 35.000 euro so với 7.000. Nói cách khác, Trung Quốc không thể nào sánh với châu Âu về sức mạnh kinh tế. Do vậy, không nên hốt hoảng nhưng phải biết lo xa.

Nhờ nhân công rẻ, nắm bắt công nghệ tân tiến và có chiến lược xuyên suốt, Trung Quốc với chế độ tư bản độc tài, đã nhanh chóng trở thành nhà máy sản xuất của thế giới và cũng nhanh chóng tranh thủ kiến thức công nghệ nước ngoài, trở thành đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng. Trong trận đấu một mất một còn này, Liên Hiệp Châu Âu trong một thời gian dài đã rất ngây thơ, mở thị trường nội địa cho « gió lộng tứ phương » trong khi Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ thị phần nội địa.

Châu Âu đã bừng tỉnh : Ủy Ban Châu Âu đã thông qua văn kiện hạn chế Trung Quốc xâm nhập thị trường với sự đồng ý của toàn thể các thành viên. Châu Âu biết áp dụng bài học khôn ngoan ngàn đời : trong thương trường, đoàn kết là sức mạnh, Libération kết luận với nhiều tiếc rẻ vì « một số nước châu Âu xé lẻ ».

Ý : Xé lẻ và chia rẽ nội bộ

Về điểm này, Le Monde trấn an : Ý gia nhập Con đường tơ lụa. Nhưng trong suốt chuyến công du Ý của chủ tịch Trung Quốc, trong khi thủ tướng Giuseppe Conte và đảng « 5 Sao » xun xoe ca tụng thỏa thuận ký với Trung Quốc, thật ra là bản ghi nhớ rất mơ hồ không có tính ràng buộc, thì lãnh đạo Liên đoàn Phương Bắc, phe dân tộc chủ nghĩa, Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ tẩy chay các cuộc gặp gỡ với phía Trung Quốc. Ông triệu tập hội nghị các chủ doanh nghiệp Ý để nhắn gửi thông điệp : Đừng ai nói với tôi Trung Quốc là một thị trường tự do. An ninh quốc gia Ý cần phải được bảo vệ, không khoan nhượng.

Hợp đồng khổng lồ « 30 tỉ euro mua 300 máy bay Airbus » trên trang nhất của Les Echos làm nổi bật nhận xét của Libération : Giữa Paris và Bắc Kinh, chỉ có tiền là trên hết. Xa xí phẩm, phi trường, công nghệ mới, Trung Quốc đầu tư khắp chỗ nhưng bắt đầu bị chính phủ Pháp hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt.

Châu Âu có phóng đại mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc ?

Câu hỏi này có hai câu trả lời. Trên La Croix, chủ tịch hiệp hội thân hữu Pháp-Trung Sybille Dubois-Fontaine nói là có « phóng đại ». Ngược lại, cũng trên nhật báo Công giáo, chuyên gia kinh tế các nước đang phát triển Jean-Joseph Boillot khẳng định « Châu Âu lo là đúng » nhưng lỗi là do mình « đùa với lửa mà không vũ khí phòng thân ».

Lỗi tại lòng tham

Trước khi trách người hãy trách mình : Muốn biết ai là thủ phạm đưa châu Âu đến tình trạng khốn khó ngày nay, hãy nhìn lại năm 2001. Ai đã cho phép Trung Quốc gia nhập WTO cho dù biết Bắc Kinh có dụng tâm lừa đảo ? Chính các đại tập đoàn công nghệ châu Âu, vì muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi giá nên gây áp lực buộc giới chính trị phải ký kết.

Mười tám năm sau, chính các tập đoàn này than phiền bị đối xử không công bình, những nguy cơ mà giới chuyên gia đã cảnh báo từ trước. Đến năm 2015, cũng chính các tập đoàn công nghiệp này, lại bất chấp khuyến cáo, đã tạo thêm sức mạnh cho Trung Quốc khi tham gia vào dự án « Made in China 2025 », cho phép doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao cấp của châu Âu. Chưa hết, trong nhiều năm dài, nước Đức của Angela Merkel và Luxembourg của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã âm thầm đi đêm với Bắc Kinh. Hai lãnh đạo này được tổng thống Macron mời gặp Tập Cận Bình chiều thứ Ba tại Paris.

Nếu nước Ý bị mang tiếng chơi xấu gia nhập dự án con đường tơ lụa thì đừng quên những thành viên châu Âu mở hải cảng cho Trung Quốc là Đức, Hà Lan và Bỉ, tác giả nhắc lại. Chính châu Âu đã đùa với lửa và tự nguyện buông vũ khí trước một đối thủ lợi hại, thừa kế của Tôn Tử. Tất cả các đại công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài đều công khai tuyên bố theo chủ nghĩa tư bản-xã hội quốc doanh : Alibaba hay công ty Casil, mua đi bán lại phi trường Toulouse, đều như thế, chẳng có công ty nào là tư doanh cả.

Tổng thống Macron hiểu Bắc Kinh chỉ e dè sức mạnh

Trong bài « Có nên sợ Trung Quốc ? » - câu hỏi địa chiến lược ở thượng tầng lãnh đạo các quốc gia châu Âu - theo nhật báo thiên hữu, Bắc Kinh đâu có bằng lòng với vai trò làm « xưởng máy cho thế giới ». Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung Quốc và Pháp cùng chia sẻ lòng ham muốn « độc lập, trao đổi mậu dịch tự do và trách nhiệm quốc tế ». Đúng thôi, tổng thống Pháp đồng ý, nhưng ông muốn Bắc Kinh phải tôn trọng luật chơi « công bằng và hỗ tương » chứ không phải chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi.

Tổng thống Pháp Macron cũng hiểu người Trung Quốc chỉ biết tôn trọng sức mạnh. Do vậy, ông mời thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy ban Châu Âu cùng đàm phán với Tập Cận Bình. Chúng ta càng vững chắc trong cuộc đọ sức với Trung Quốc thì quan hệ song phương càng mang lại nhiều thành quả, vì Trung Quốc chỉ e dè sức mạnh. Đừng sợ Trung Quốc mạnh mà hãy sợ chúng ta yếu, Le Figaro kết luận.

Tập Cận Bình bất khả xâm phạm ?

Trong thế tương quan lực lượng, người mạnh hơn ta chẳng qua là lỗi tại ta. Nhìn bề ngoài, uy thế của chủ tịch Trung Quốc rất vững chắc nhưng thực tế không phải thế, theo chuyên gia Jean-Philippe Béja.

Trong khi Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới báo động chính sách áp đặt thông tin một chiều của Trung Quốc tung ra bên ngoài biên giới thì chuyên gia Jean-Philippe Béja, cũng trên Le Monde, qua một bài phân tích dài cho biết Tập Cận Bình không mạnh như lầm tưởng. Cho dù các biện pháp kềm kẹp xã hội được tăng cường, không phải chỉ có người Duy Ngô Nhĩ bị trấn áp mà người Hán cũng bị theo dõi qua hệ thống camera nhận diện, bên cạnh những phương thức cổ thời Mao như phường, khóm, tổ liên gia…

Ngoài nước, Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo số một nhưng trong đảng, uy thế của ông không vững lắm. Cuộc chiến tranh thương mại và phản ứng ngạo mạn của Tập đã gây tranh luận trong nội bộ. Dự án « 2025 » không còn được đề cập chính thức… Tuy xã hội công dân bị đàn áp nên ít hoạt động hơn trước nhưng lòng bất mãn của dân chúng lên cao. Doanh nghiệp tư nhân cũng bất bình vì bị lãnh vực quốc doanh chèn ép. Liệu năm nay 2019, có xảy ra những biến động như các năm tận cùng bằng số 9 (như 1919, 1939, 1949, 1989) hay không, nhưng, giới lãnh đạo Trung Quốc rất lo âu.

Donald Trump thoát hiểm, cơ may 2020 gia tăng

Donald Trump chiến thắng : hệ quả chính trị, ngoại giao ra sao ? Đảng Dân Chủ phân vân không biết phải chọn chiến thuật nào ? Matxcơva cũng không hy vọng có thay đổi. Trái lại, Nga có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt mạnh hơn.

Theo Le Monde, đối lập Dân Chủ chưa biết có nên tiếp tục cuộc chiến tư pháp hay tập trung vào đấu tranh chính trị. Libération cùng nhận định về bản báo cáo Mueller, dự báo đảng Dân Chủ sẽ thay đổi chiến thuật. Đối với Le Figaro, phản ứng của Nga mới quan trọng : Matxcơva không tin là Trump sẽ thay đổi chính sách cứng rắn với Nga nhất là Putin không nhả các chiến lợi phẩm : Crimée và Syria.

Chuyên gia Pavel Charikov nghĩ rằng Donald Trump được minh oan nhưng chuyện Nga can thiệp thì không. Vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga không phải là bản báo cáo Mueller mà chính là không có một lịch trình đối thoại. Nga tiếp tục bị Mỹ trừng phạt. Và nếu như đảng Dân Chủ tiếp tục tố cáo tổng thống là con tin của Nga thì Donald Trump càng thoải mái trong quyết định tăng cường trừng phạt Nga một cách thỏa thích : « các ông nhìn xem tôi đập Putin », Chris Weafer, tư vấn chính trị ở Matxcơva dự báo.

Brexit : Quốc Hội Anh giành thế chủ động

Theresa May cứu được ghế thủ tướng nhưng để Nghị viện tham gia vào quyết định chọn lựa kịch bản ly dị với châu Âu, kể cả khả năng… trưng cầu dân ý.

Le Monde minh họa sự thất thế của thủ tướng Anh qua tranh hí họa bà May đưa tay đầu hàng trước ba dân biểu xếp hàng với lá phiếu trên tay, kẻ No người Yes. Vấn đề là chờ xem các nghị sĩ Anh làm cách nào để tìm ra một đa số, ủng hộ một giải pháp khả thi : tiếp tục ở lại trong liên hiệp thuế quan hay theo mô hình Na Uy (thành viên thị trường chung Châu Âu, trừ nông nghiệp và ngư nghiệp) là một số viễn ảnh.

Cá voi : Nhà hóa học ?

Làm cách nào mà cá voi có thể phát hiện được mồi ngon trong bao la đại dương ? Khám phá này không phải để « đánh bắt cá » mà cho phép « cứu cá ».

Cho đến nay, giới khoa học lầm tưởng cá voi tìm mồi nhờ nghe và thấy. Thực tế, cá voi « đánh hơi » hóa chất tiết ra từ con mồi như loài tép con ở biển nước lạnh, Krill, mà cá voi rất thích. Biết được món khoái khẩu và món không họp gu của cá voi, giới khoa học hy vọng tìm cách giúp sinh vật bị đe dọa diệt chủng tránh xa những nơi nguy hiểm cho mạng sống như vùng đánh cá và khu vực có nhiều thương thuyền qua lại. Chẳng hạn khu bảo tồn Pelagos, tây bắc Địa Trung Hải, theo các nhà sinh vật học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Môi Trường Và Tiến Hóa ở Montpellier, Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.