Vào nội dung chính
THÁI LAN - BẦU CỬ

Phe quân sự có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan

Mặc dù phe đối lập đang trỗi dậy, sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 24/03/2019, phe quân sự có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, do không có đảng nào chiếm đa số, các đảng phải thương lượng với nhau để lập một liên minh cầm quyền.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha chụp ảnh kỷ niệm với các vũ công khi đến dự họp nội các, sau cuộc bầu cử. Ảnh chụp ngày 26/03/2019.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha chụp ảnh kỷ niệm với các vũ công khi đến dự họp nội các, sau cuộc bầu cử. Ảnh chụp ngày 26/03/2019. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Cuộc bỏ phiếu ngày 24/03 là cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 do tướng Prayut Chan-O-Cha tiến hành, lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Từ nhiều năm nay, Thái Lan vẫn bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là phe « Áo Đỏ », tức là những người ủng hộ gia đình Shinawatra, và bên kia là phe « Áo Vàng », tức là những người bảo vệ chế độ quân chủ và dựa trên quân đội. Sau cuộc bầu cử ngày 24/03, sự chia rẽ đó vẫn tồn tại, cho dù kết quả sẽ như thế nào.

Kể từ năm 2001 đến nay, các đảng của phe « Áo Đỏ » vẫn giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử ở Thái Lan, và đặc biệt là được sự ủng hộ đông đảo của cử tri các vùng nông thôn và các vùng nghèo ở miền bắc. Nhưng hai anh em thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra đều đang sống lưu vong sau hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014, cho nên không họ có mặt tại chỗ để hô hào, vận động cử tri.

Nay thế cờ có vẻ đang đảo ngược. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố từ đây đến ngày 09/05, nhưng trước mắt, đảng thân chính quyền quân sự, đảng Palang Pracharat khẳng định đang dẫn đầu, dựa theo các số liệu sơ bộ sau khi kiểm 94% số phiếu. Cụ thể, tính về số phiếu, trên hơn 50 triệu cử tri, đã có 7,5 triệu người bỏ phiếu cho đảng Palang Pracharat. Theo sát là đảng Pheu Thai, đảng đối lập chính, theo phe Shinawatra, với 7,2 triệu phiếu. Trên lý thuyết thì đảng Pheu Thai còn có khả năng giành chiến thắng, nhờ liên minh với những đảng khác và cũng nhờ cách tính ghế rất phức tạp, không tỉ lệ với số phiếu.

Nhưng đảng Palang Pracharat có một lợi thế đáng kể, vì đảng này chỉ cần giành được 126 trên tổng số 500 ghế ở Hạ Viện là đủ để kiểm soát chính trường Thái Lan, vì họ có sự ủng hộ của 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự bổ nhiệm. Đảng Palang Pracharat hoàn toàn có thể hội đủ 126 ghế, nếu chiêu dụ được Đảng Dân Chủ, bao gồm những thành phần bảo thủ. Trong khi đó, đảng Pheu Thai bắt buộc phải nắm ít nhất 376 ghế ở Hạ Viện mới có thể đứng ra thành lập một chính phủ. Cho dù có liên minh với một đảng khác, Pheu Thai sẽ rất khó mà hội đủ số ghế đó.

Có điều từ hôm qua đến nay, Ủy ban bầu cử, do phe quân sự chỉ định, đã liên tục bị tố cáo về những vụ mua phiếu cử tri và về thái độ thiên vị. Đến mức mà trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền một kiến nghị yêu cầu giải tán Ủy ban bầu cử bị xem là « thối nát nhất trong lịch sử Thái Lan ». Kiến nghị này hiện đã thu được hơn 400 ngàn chữ ký. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng lên án một cuộc bầu cử « gian lận » nhằm giúp cho phe quân sự tiếp tục nắm quyền. Ông Thaksin khẳng định là tại nhiều tỉnh, số lá phiếu lại nhiều hơn số cử tri.

Những tố giác về gian lận phiếu khiến cho tình hình chính trị Thái Lan sau bầu cử càng thêm rối rắm. Theo dự đoán của các chuyên gia, do cả hai đảng Phalang Pracharat và đảng Pheu Thai đều khẳng định có khả năng lập chính phủ, sẽ mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần thương lượng, mặc cả, Thái Lan mới có một nội các mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.