Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hoa Vi : Chiến thuật phản công để thủ của Trung Quốc

Đăng ngày:

Bị Mỹ cáo buộc 23 trọng tội từ đánh cắp công nghệ thông tin, vi phạm lệnh cấm vận Iran cho đến làm gián điệp, Hoa Vi không thụ động chịu đòn.

Chủ tịch luân phiên của Hoa Vi, ông Quách Phi, phát biểu trong một buổi họp báo tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc ngày 07/03/2019.
Chủ tịch luân phiên của Hoa Vi, ông Quách Phi, phát biểu trong một buổi họp báo tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc ngày 07/03/2019. AFP Photos/Wang Zhao
Quảng cáo

Chính quyền Bắc Kinh lên tuyến đầu bảo vệ mũi nhọn chiến lược với các biện pháp đe dọa và trả đũa phương Tây trong khi đích thân Hoa Vi phản công lại Mỹ qua tòa án tại Texas, kiện Mỹ vu khống và đòi bồi thường thiệt hại, với dụng ý gì ?

Trước hết, trong chiến dịch tấn công tập đoàn Trung Quốc, Washington tố cáo Hoa Vi, với trang thiết bị của hệ thống di động tối tân 5G, làm gián điệp cho chế độ Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng muốn truy tố lãnh đạo số hai của Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu ra tòa về tội vi phạm lệnh cấm vận Iran. Bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018, con gái của nhà sáng lập Hoa Vi, Nhậm Chính Phi, đang chờ tư pháp Canada xem xét có dẫn độ sang Mỹ hay không. Và ngày 08/05 tới đây, bà Mạnh Vãn Châu sẽ được đưa ra trình diện thẩm phán.

Bắc Kinh hù dọa Canada ?

Thái độ do dự của Canada, theo suy đoán của giới chuyên gia, bắt nguồn từ sự kiện Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada và kết tội họ vi phạm an ninh quốc gia Trung Quốc. Tuy Bắc Kinh phủ nhận, báo chí và giới phân tích phương Tây xem đây là những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh và qua đó có thể khẳng định là Hoa Vi có « liên hệ mật thiết » với chế độ Cộng Sản Trung Quốc.

Ý thức được sơ hở này, đích thân ông Nhậm Chính Phi, nguyên là một cựu sĩ quan sáng lập viên Hoa Vi, phải lên tiếng cải chính : « Tôi không thấy có mối quan hệ nhân quả gì giữa quan điểm chính trị cá nhân và hoạt động của Hoa Vi ». Nhậm Chính Phi còn cam đoan là « Hoa Vi từ chối mọi yêu cầu hợp tác của Bắc Kinh cung cấp thông tin nhạy cảm ».

Vấn đề là theo một đạo luật về an ninh của Trung Quốc ban hành năm 2017, tất cả công dân và doanh nhgiệp Hoa lục đều có bổn phận phải trợ giúp các cơ quan gián điệp Trung Quốc. Nhận định về vụ việc này, ủy viên châu Âu Andrus Anship đặc trách công nghệ số của châu Âu tuyên bố với Bloomberg : chúng ta không thể tiếp tục ngây thơ với Trung Quốc.

Nhiều nước châu Âu đã tính đến giải pháp triệt để như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand hoàn toàn tẩy chay Hoa Vi, cấm cửa mạng lưới 5G của tập đoàn Trung Quốc.

Hoa Vi : Không hợp tác 100% với an ninh Trung Quốc ?

Thế nhưng, với lập luận là phải có bằng cớ mới buộc tội được, Hoa Vi phản pháo và kiện ngược lại Hoa Kỳ tại một tòa án ở Texas. Quách Phi, một trong những chủ tịch luân phiên của Hoa Vi lý giải : « Quốc Hội (ủy ban điều tra) không đưa ra được một bằng chứng nào để biện minh cho việc cấm một số sản phẩm của Hoa Vi. Chính phủ Mỹ tìm mọi cách để phỉ báng Hoa Vi. Chúng tôi sẽ đòi bồi thường. »

Trái lại, cố vấn pháp lý của Hoa Vi là luật gia Tống Lưu Bình (Song Liu Ping) nhìn nhận tập đoàn có « đáp ứng » một số yêu cầu của công an tình báo, nhưng để chống « khủng bố và tội ác hình sự ». Cũng theo Tống Lưu Bình, Hoa Vi mà cài đặt « backdoors » để đánh cắp thông tin thì xem như « tự sát thương mại » nếu vụ việc bị bại lộ.

Theo nhận định của nhật báo kinh tế La Tribune, chính quyền Trung Quốc phải « vươn móng » bảo vệ Hoa Vi, vũ khí chiến lược quan trọng cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ viễn thông tương lai. Nếu Hoa Vi bị suy yếu thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị vạ lây.

Kiện Mỹ : Không cần thắng chỉ cần trường kỳ lấn tới

Câu hỏi đặt ra là vụ phản công của Hoa Vi trên lãnh vực tư pháp sẽ đi đến đâu ? Rất khó dự đoán nhưng theo tuần báo Le Point, tổng thống Donald Trump vẫn có thể ra sắc lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ bước vào mùa bầu cử cộng với đe dọa của chính quyền Trung Quốc, chiến thuật của Hoa Vi, đưa vấn đề ra pháp lý, có vẻ thuận lợi theo nghĩa « yên tâm kéo dài thời gian giằng co với Mỹ ».

Từ Houston, Texas, nhà báo Hà Ngọc Cư, chủ tịch Tổ hợp báo Ngày Nay phân tích chuyện phim gay cấn nhiều tập này :

07:09

Nhà báo Hà Ngọc Cư, Houston, Texas:

Nhà báo Hà Ngọc Cư : « Chúng ta phải nhìn về khía cạnh rộng lớn hơn. Hoa Kỳ trước hết có ba kẻ thù. Thứ nhất là mối đe dọa nguyên tử của Nga. Thứ hai là rối loạn tại Trung Đông, đó là Iran và thứ ba là đe dọa về thương mại của Trung Quốc. Nhưng vấn đề thương mại chỉ là một khía cạnh của chiến tranh mới, chiến tranh kỹ thuật « Tech war ».

Tập đoàn Hoa Vi và Trung Quốc nói chung tiến tới giai đoạn G5, internet thế hệ thứ 5. Những sản phẩm của Hoa Vi, điện thoại di động có thể được cài đặt chip để giúp cho Trung Quốc có thể đánh cắp những bí mật không phải chỉ có bí mật quốc phòng, quốc gia mà còn cả bí mật thương mại nữa.

Cái vấn đề đem ra tòa án, sẽ rất nhì nhằng kéo dài không biết đến bao giờ và đó là chiến lược của Trung Quốc. Có thể họ không thắng kiện ở tòa án nhưng sẽ kéo dài thời gian đối đầu với nhau để có thời giờ chuẩn bị cho chiến tranh kỹ thuật.

Bây giờ trận chiến giữa ông Trump và Quốc Hội về vấn đề ông tuyên bố tình trạng đất nước khẩn trương để lấy tiền xây bức tường biên giới làm mờ nhạt vụ Hoa Vi. Thứ hai là mùa bầu cử 2020 cho nên vụ Hoa Vi chìm xuống và tôi không biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ dùng bao nhiêu nỗ lực để đánh tập đoàn Hoa Vi… »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.