Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Châu Âu trước tham vọng bá quyền kinh tế của Trung Quốc

Chính phủ Pháp phải làm gì sau vụ biểu tình bạo động lần thứ 18 ? Quân đội Algéri chuẩn bị nắm quyền ? Vì sao nhà độc tài Kazakhstan bất ngờ từ chức ? Châu Âu có nên thụ động trước chính sách bá quyền kinh tế của Trung Quốc hay không ? Đây là một số chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.

Thủ tướng Trung Quốc Lý khắc Cường (G) họp báo với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Junker tại Bắc Kinh ngày 06/07/2018.
Thủ tướng Trung Quốc Lý khắc Cường (G) họp báo với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Junker tại Bắc Kinh ngày 06/07/2018. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Trước hết, chuyến công du châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được các báo đưa tin với nhiều lo âu : "Bắc Kinh cái gì cũng mua", Libération lưu ý. Từ hải cảng đến nhà cửa, công ty, Trung Quốc lợi dụng lúc Hy Lạp khủng hoảng để tung tiền kiểm soát một cửa ngõ vào Châu Âu. Thế công của Trung Quốc được Hội Đồng Châu Âu thảo luận tìm đối sách trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, tức lúc ông Tập Cận Bình đến Roma.

Trang quốc tế, Le Figaro loan tin : Tập Cận Bình muốn gia tăng kiểm soát tư tưởng trẻ em bằng biện pháp thêm giờ chính trị trong chương trình bậc tiểu học. Giáo chức Trung Quốc nhận được chỉ thị hồi đầu tuần, trong bối cảnh sắp đến ngày tưởng niệm nạn nhân bị chế độ thảm sát ở Thiên An Môn, tháng sáu 1989.

Tập Cận Bình thứ Năm này đến Ý để ký một loạt hợp đồng thương mại. Do thiếu phối hợp, châu Âu đáp trả không đồng loạt. Chính sách bá quyền kinh tế của Trung Quốc chia rẽ châu Âu. Trong bài nhận định với tựa « Mù lòa », nhật báo cánh hữu nhận định chua cay : "Đúng 18 ngày nữa, cử trị châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu người đại diện vào Nghị Viện. Chúng ta phải xem kỹ chương trình hành động của các ứng cử viên mà bổn phận là bảo vệ quyền lợi kinh tế cũng như công ăn việc làm của người dân. Bởi vì cứ theo đà này, không còn bao lâu nữa châu Âu sẽ bị Trung Quốc và Mỹ bỏ lại đằng sau".

Le Figaro giải thích : Từ khi vào Nhà Trắng, Donald Trump không bỏ qua một cơ hội nào để cỗ vũ cho quyền lợi của Mỹ và thực hiện bằng mọi phương tiện. Tuy ít ồn ào hơn, Tập Cận Bình từng bước tiến hành chiến lược « con đường tơ lụa mới » với một kế hoạch đầu tư đáng ngại với 3000 tỷ đôla mà mục tiêu là thống lĩnh thương trường thế giới. Chuyến công du châu Âu của chủ tịch Trung Quốc chứng tỏ các tham vọng bá quyền. Từ Đông Âu cho đến Tây Âu, Trung Quốc kiên trì « tung lưới nhện ». Từ nay, những đại tập đoàn công nghệ và viễn thông Trung Quốc, với phương tiện tài chính không lồ huy động mọi vũ khí phục vụ cho chính sách đế quốc kinh tế của chế độ.

Trong ván cờ này, châu Âu đứng ở chổ nào ? Le Figaro không dấu tâm trạng bi quan. Tình trạng quan liêu và ngây thơ chính trị đã cản trở Liên Hiệp Châu Âu thành lập các đại tập đoàn công nghiệp và đã để cho người nước ngoài kiểm soát cổ phần. Bị mờ mắt vì lời hứa ngọt ngào của Trung Quốc mở cửa thị trường rộng lớn mà hàng loạt công ty châu Âu bị rơi vào tay người Trung Quốc. Trong khi đó, những đối thủ khác ngày càng hùng mạnh trên sự mù lòa và thiếu quyền biến của châu Âu. "Đã đến lúc châu Âu phải thức tỉnh", Le Figaro kết luận.

Thế nào là thức tỉnh ? Câu trả lời có thể tìm thấy trên Les Echos : « Không nên sợ Trung Quốc, nếu đã không sợ Mỹ". Tổng thống De Gaulle đã tiên liệu Trung Quốc là siêu cường khi quyết định, nước Pháp tự do bang giao với chế độ phi dân chủ của Mao vào năm 1964. Thật ra, tác giả bài phân tích cảnh báo : Con đường tơ lụa của Trung Quốc mời gọi 100 quốc gia ký kết vào tháng Tư năm nay tại Bắc Kinh, phần lớn là để giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa sang châu Á, châu Âu và châu Phi mà không nối kết với Mỹ cũng như không sử dụng đôla. Châu Âu không chống lại nhưng tuyên bố « cần suy tính thận trọng » vì không muốn các lãnh vực kinh tế chiến lược rơi vào tay Trung Quốc.

Chính vì muốn tránh rơi vào vòng tay Trung Quốc mà tổng thống Pháp mới đây phải bay sang Djibouti. Vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp này, năm 2017 lại cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự, sát bên quân cảng và nơi đóng quân của Mỹ và Pháp. Con đường tơ lụa của Trung Quốc đúng là hàm chứa dụng ý địa chiến lược. Trong thực tế này, nước Pháp phải làm sao ? Đứng ngoài hay phải tham gia ? Tham gia một mình hay với toàn Liên Hiệp ? Les Echos để giới chính trị quyết định.

Pháp : Sau bạo động, chính phủ ra tay

Le Monde, ra từ trưa thứ Ba, cũng kịp đưa độc giả đi một vòng thời sự nóng bỏng. Tại Pháp, thủ tướng Edouard Philippe cách chức giám đốc cảnh sát thủ đô Paris và trình bày những biện pháp « cứng rắn hơn, chấp nhận rủi ro hơn » để đối phó với những thành phần cực đoan cướp phá trà trộn biểu tình biến đại lộ Champs-Elysées thành chiến trường hôm thứ Bảy.

Với nhận định « bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner bị chỉ trích và phải ra Thượng Viện điều trần » Le Figaro cho biết thành phần cực đoan trong phong trào « Áo Vàng » bất chấp thái độ cứng rắn của chính phủ, kêu gọi tiếp tục xuống đường bạo động dữ dội hơn nữa vào thứ Bảy tới.

Nhật báo La Croix dành một trang để tóm lược tiểu sử và tài năng của tân lãnh đạo cảnh sát thủ đô nhưng không khỏi ngại cho tương lai đất nước. Theo phân tích của nhật báo Công Giáo và của nhiều trí thức tham gia thảo luận trực tiếp với tổng thống Macron hôm thứ Hai tại Điện Elysée, nền dân chủ Pháp đang bị đe dọa vì « trong giới trí thức có một bộ phận chống chế độ nổi lên ». Chính thành phần này có ít nhiều trách nhiệm trong phong trào phản kháng xã hội và trong bối cảnh xã hội, kinh tế đặc biệt hiện nay, bạo lực có thể được định hướng chống lại chế độ dân chủ.

Trong không khí căng thẳng này, Les Echos thông báo tin khích lệ : kinh tế Pháp đứng vững hơn dự báo : Viện thống kê quốc gia đánh cược GDP của Pháp sẽ tăng cao hơn các thành viên khác trong vùng euro 0,4% trong hai quý liên tiếp.

Algeri: Trước phong trào phản kháng, quân đội đứng ra làm trọng tài

Tổng tham mưu trưởng Gaid Salah, cố gắng xoa dịu người biểu tình để đóng vai trò chính trị trong giải pháp thoát khủng hoảng. Lẽ ra phải về hưu từ 2003, viên tướng già 74 tuổi này vẫn bám trụ cho đến hôm nay chứng tỏ là một kẻ có bản lĩnh.

Tuy nhiên, bên cạnh bức ảnh tổng thống Algeri bệnh tật, ưu sầu, Le Monde phân tích : khi tuyên bố có dụng ý « nhân dân là niềm hãnh diện của quân đội », tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri vừa phát họa lối thóat khủng hoảng vừa gieo rắc mầm hiểu lầm. Bởi vì với hai khẩu hiệu « chế độ cút xéo » « quân đội, nhân dân là anh em » mà người biểu tình hô to chẳng qua là nhằm tránh bị quân đội đàn áp.

Đồng điệu với đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nhận định là phải theo sát nhất cử nhất động của tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri để có thể dự phóng tương lai quốc gia Bắc Phi này sẽ đi về đâu ?

Tiếp tục các trang quốc tế, là thông tin nhiều người Palestine bị đàn áp không nương tay tại Gaza. Thủ phạm không phải là binh lính Israel mà chính là cảnh sát của tổ chức Palestine Hamas trấn áp người dân phản đối đời sống đắt đỏ vật giá leo thang : hàng chục thanh niên sử dụng mạng xã hội bị bắt, phóng viên bị đánh để không cho tiết lộ thông tin.

Hamas rất sợ bị lên án tàn bạo đối với dân của mình không khác gì quân đội Israel bắn vào thanh niên Palestine biểu tình ở biên giới dải Gaza. Một phụ nữ Palestine, thành viên Hiệp hội Phụ nữ liên đới thuật lại : Hamas muốn kiểm soát tất cả, mặc kệ cho người dân chết đói. Cảnh sát của Hamas tràn vào nhà, đập phá bàn ghế, đánh đập mọi người, kẻ gảy tay người bầm mặt và bắt đi hàng chục người kể cả những người đang nằm bệnh viện.

Được Le Monde đặt câu hỏi, một đại diện của Hamas phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định có đàn áp biểu tình nhưng bắn đạn cao su, không bắn đạn thật. Hamas còn đỗ trách nhiệm cho chính phủ Palestine của ông Mahmoud Abbas « cắt lương » nhân viên tạo nên tình trạng khủng hoảng sức mua của dân.

Liên quan đến châu Mỹ, Libération và Le Figaro gần như có cùng một tựa để mô tả chuyến công du của tổng thống Brazil tại Hoa Kỳ, quốc gia đầu tiên mà ông Bolsorano đi thăm từ khi nhậm chức : "Bolsorano đồng lõa với Trump", tựa của báo thiên tả. "Bolsorano đồng điệu với chủ nhân Nhà Trắng", tựa của nhật báo thân hữu.

Còn liên quan đến Nga, Le Fiagaro dành một bài điều tra về một loạt cái chết bí ẩn của những viên chức Nga một thời là cộng sự viên của tổng thống Putin. Nhiều yếu tố mới được phát hiện hay tiết lộ cho phép kết luận đó là những cái chết mờ ám chứ không phải tự nhiên hay tự tử như phía Nga cho biết. Vụ thứ nhất là Mikhail Lesin, cố vấn báo chí tổng thống, bị Putin thất sủng năm 2012, sống lưu vong tại Washington chế bất đắc kỳ tử vào ngày 05/11/2015. Điều tra sơ khởi kết luận nạn nhân say rượu, té và chết vì trụy tim. Giảo nghiệm tử thi cho biết thân thể nạn nhân có nhiều vết bầm. FBI xếp lại hồ sơ. Ba năm sau, qua nỗ lực kiên trì của thân nhân, hồ sơ được mở lại và lộ ra chi tiết : nạn nhân bị gảy xương cổ, có thể bị siết cổ hay bị treo cổ.

Vụ Mikhail Lesin xảy ra vào lúc tai tiếng « thông đồng Nga-Trump » nổ ra và tiếp theo đó, đúng vào ngày bầu cử tổng thống, một đại diện ngoại giao của Nga chế bất đắc kỳ tử, từ nóc cao ốc, nơi toạ lạc lãnh sự quán Nga ở New York rơi xuống đường. Trong lúc giới phóng viên chạy đến nơi thì lãnh sự quán Nga can thiệp : nạn nhân không rõ tông tích chết vì " trụy tim" như trường hợp cựu cố vấn báo chí. Cuối cùng, danh tính nạn nhân mới được phía Nga tiết lộ : Serguei Krivov, đặc trách an ninh chống « phá hoại » hay nói cách khác là sĩ quan phản gián.

Trong bối cảnh địa chấn chính trị, Donald Trump đắc cử bất ngờ, báo chí Mỹ quên đi hai cái chết bí ẩn. Thế rồi, đến ngày 20/07/2017, vào lúc 9 giờ sảng xảy ra vụ đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitali Tchourkin, một người có tiếng tuyên bố hung hăng, bất tỉnh trong văn phòng, sau đó chết tại bệnh viện. Lại một vụ « trụy tim ». Thi hài nạn nhân được chuyển khẩn cấp về Nga. Nhưng một nguồn tin từ bệnh viện cho biết, đại sứ chết trước từ buổi chiều hôm trước .

Lãnh đạo mãn đời Kazakhstan từ chức : nhường quyền cho thế hệ trẻ ?

Cuối cùng, là tin tổng thống mãn đời của Kazakhstan đột ngột lên đài truyền hình thông báo từ chức, một năm trước khi hết nhiệm kỳ thứ năm. Les Echos gọi đây là sự kiện bất ngờ và hy hữu tại các nước Trung Á thuộc Liên xô cũ. Có lẽ tổng thống Noursoultan Nazerbaiev từ chức vì bị dân chúng bất mãn sau 30 năm cầm quyền.

78 tuổi, nhà độc tài Kazakhstan lý giải là trong bối cảnh không mang lại kết quả kinh tế như mong muốn, ông nhường ghế lãnh đạo cho thế hệ trẻ. Nhưng theo Libération, nhà độc tài chỉ « về hưu có một chân » cho đến khi mãn đời. Libération dựa vào tuyên bố của đương sự : tiếp tục lãnh đạo đảng cầm quyền và đặc quyền chính thức trong vai trò « cha già dân tộc », quy chế được ghi thành luật vào năm 2018.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.