Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Kinh tế : Châu Âu vật vã ''ăn miếng trả miếng'' với Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo Kinh tế Les Echos số ra ngày 19/03/2019 cho biết « Thị trường dùng tài chính công: Liên Hiệp Châu Âu muốn đáp trả Trung Quốc ». Bruxelles đề xuất các quy định mới cho phép Liên Hiệp Châu Âu « khép cửa » các dự án sử dụng tài chính công của châu Âu đối với những doanh nghiệp nước ngoài nào thuộc những nước cũng khép cửa  với châu Âu.

Ảnh minh họa : Cờ Châu Âu và Trung Quốc trước nhà khách chính phủ tại Bắc Kinh, nhân cuộc đối thoại kinh tế Châu Âu -Trung Quốc, ngày 25/06/2018.
Ảnh minh họa : Cờ Châu Âu và Trung Quốc trước nhà khách chính phủ tại Bắc Kinh, nhân cuộc đối thoại kinh tế Châu Âu -Trung Quốc, ngày 25/06/2018. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Les Echos cho rằng thách thức là to lớn. Khu vực các dự án dùng tài chính công có tổng trị giá khoảng 8.000 tỷ đô la/năm trên thế giới (trong đó riêng tại Trung Quốc là 1.400 tỷ) nhưng « hơn phân nửa khu vực này lại khép cửa với các doanh nghiệp châu Âu ». Nhiều rào cản đã được dựng lên, như buộc phải có trụ sở tại nước sở tại hay như phải thành lập doanh nghiệp liên doanh. Kết quả là các doanh nghiệp châu Âu chỉ có được 10 tỷ euro hợp đồng mỗi năm ngoài Liên Hiệp.

Đòn phản công này của Liên Hiệp Châu Âu được đưa ra, sau khi quyết định của Bruxelles bác kế hoạch sáp nhập hai tập đoàn sản xuất xe lửa hàng đầu châu Âu là Alstom (Pháp) và Siemens (Đức) đã làm dấy lên cuộc tranh luận, về sự ngây thơ và bất lực của châu Âu trước đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Dù vậy, Les Echos nhận thấy quyết tâm củng cố các công cụ pháp lý để phòng vệ này của Bruxelles gặp không ít phản đối từ nội bộ. Nếu như Ủy Ban Châu Âu có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Nghị Viện Châu Âu, từ nhiều nước như Pháp và một số nước Bắc Âu như Đức hay Hà Lan, dự thảo quy định này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều thành viên Nam Âu và Trung Âu. Những nước này cho biết không muốn mất đi nguồn đầu tư Trung Quốc mà họ cho là quý giá, có thể lấp khoảng trống trong đầu tư của châu Âu.

Áo Vàng hồi XVIII : Chính phủ Pháp quyết định phản đòn

Hành động đập phá, cướp bóc của những người Áo Vàng trong cuộc biểu dương lực lượng hôm thứ Bảy 16/03/2019 là chủ đề thời sự chính trên các nhật báo Pháp hôm nay. Bị các đảng đối lập chỉ trích mạnh mẽ về chiến lược đối phó của lực lượng an ninh, Le Monde trên trang nhất cho biết « Chính phủ buộc phải đáp trả các hành động bạo lực ».

Le Figaro cho rằng « Chính phủ muốn lấy lại uy quyền trước những kẻ đập phá ». Đích thân thủ tướng hôm qua thông báo bãi chức giám đốc sở Cảnh Sát Paris, ông Michel Delpuech, đồng thời đề ra một số biện pháp cứng rắn hơn và nghiêm cấm biểu tình tại một số điểm ở Paris.

Về điểm này, các nhật báo đều có bài nhận định. Xã luận của Libération giọng điệu mỉa mai đánh giá rằng chính phủ cuối cùng cũng đã quyết định « đưa đại pháo ra. Giải tán ngay lập tức các cuộc biểu tình không được phép, câu lưu phòng ngừa, nghiêm cấm biểu tình tại một số địa điểm, phục hồi danh dự cho súng bắn đạn nhựa (LBD), thiết bị bay điều khiển từ xa, các chất lỏng đánh dấu, các đơn vị chống đập phá (…) » Tờ báo thiên tả cho rằng đây chỉ là « một bộ sưu tập các biện pháp trấn áp, thay vì là những đề xuất chính trị thích hợp và nhanh chóng nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ ».

Nhật báo Le Monde bồi thêm « ngoài những quyết định mới trên phương diện an ninh công cộng, tổng thống Macron nên nhanh chóng có những biện pháp chính trị và xã hội hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng. Sự việc cho thấy một lần nữa là phần tiếp theo nhiệm kỳ của Macron đang rơi vào trạng thái bất định ».

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro đặt ưu tiên cho tái lập trật tự. Tờ báo viết : « Làm sao không thông qua các biện pháp cứng rắn đó ? Đương nhiên phải đề ra các nguyên tắc, nhưng vấn đề là áp dụng thế nào. Bạo lực quả thật đang hình thành tại đất nước chúng ta. Lực lượng cảnh sát bất lực đứng nhìn, vì thiếu phương tiện, thiếu can đảm chính trị, thiếu một nền tư pháp nghiêm minh và điều này làm dấy lên một cảm giác đáng lo về tình trạng không bị trừng phạt ».

Bầu cử Thái Lan : Tấm gương phản chiếu phân hóa xã hội

Về thời sự châu Á, báo Le Monde có bài phóng sự về cuộc bầu cử Quốc Hội Thái Lan sắp diễn ra cuối tuần này. Bài viết đề tựa « Tại Thái Lan, ''giới tinh hoa'' chống lại ''thường dân'' ».

Thông tín viên nhật báo Bruno Philip tại Bangkok đầu tiên hết ghi nhận chưa có lúc nào người dân Thái lại hăm hở đi bỏ phiếu như lúc này, sau 5 năm bị chính quyền quân sự cản trở. Theo thăm dò, 97% số người được hỏi khẳng định sẽ đi bỏ phiếu, nhưng chỉ có 19% là tin rằng kết quả bỏ phiếu sẽ không bị gian lận hay bị mua lá phiếu như mỗi lần có bầu cử.

Đến tham dự cuộc vận động tranh cử của một ứng viên thuộc đảng Pheu Thai tại vùng Isan, nơi có đến 22 triệu dân so với 69 triệu dân cả nước, tác giả bài viết nhận thấy cuộc mít-tinh tại đây thể hiện rõ sự phân hóa sâu sắc giữa hai tầng lớp người dân Thái : Nông thôn và Thành thị, giữa những người chân lấm tay bùn, làn da sạm nắng (chiếm đến 60% dân số) với lớp người thành thị - người Thái gốc Hoa, nước da trắng nhợt, nhưng chiếm giữ toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Sản xuất hàng nhái : Trung Quốc đứng đầu bảng

Trở lại với lĩnh vực kinh tế, Les Echos báo động « Tệ buôn hàng nhái không ngừng gia tăng ». Theo số liệu của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), nạn kinh doanh hàng nhái lên đến 510 tỷ đô la trong năm 2016, chiếm đến 3,3% thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, tỷ lệ này cách đó ba năm là 2,5% (năm 2013) với tổng trị giá ước tính là 461 tỷ đô la. OCDE cho rằng hiện tượng này không những không ngừng lan rộng tầm mức, mà có khả năng đã bị đánh giá thấp.

Các ngành công nghiệp nạn nhân trải rộng trong nhiều lĩnh vực : Từ giầy dép, mỹ phẩm, đồ chơi cho đến cả các linh kiện rời, các sản phẩm hóa chất và tin học như điện thoại, pin, qua cả những dòng sản phẩm thời trang cao cấp… Điều làm cho OCDE lo lắng nhất là hiện tượng làm nhái thuốc men, thực phẩm, nước giải khát và trang thiết bị y khoa có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe và an ninh công cộng.

Theo bảng xếp hạng của OCDE, Trung Quốc đứng đầu bảng các quốc gia xuất khẩu hàng nhái. Hồng Kông xếp hạng hai trên Thổ Nhĩ Kỳ, và Singapore. Các quốc gia nạn nhân chủ yếu là các nước giầu, như Hoa Kỳ (24%), Pháp (16,6%), Ý (15,1%), Thụy Sĩ (11,2%) và Đức (9,3%).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.